Được đánh giá là thị trường khách du lịch tiềm năng, chi tiêu mạnh, thời gian lưu trú dài ngày, tuy nhiên tỷ lệ khách Nga chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến Quảng Nam. Trong khi nhiều địa phương khác đang là điểm đến thu hút khách Nga thì với Quảng Nam đây vẫn là bài toán khó giải.
Chưa thu hút
Dọc bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) những ngày này, mỗi sáng - chiều nườm nượp khách Nga. Kể từ năm 2010, khi đường bay từ vùng viễn đông Nga đến sân bay quốc tế Cam Ranh được kết nối, bình quân mỗi tuần có 28 chuyến bay đưa khách từ Nga sang. Đặc biệt, năm 2012 khi đường bay trực tiếp từ Moskva đến Cam Ranh được khai trương với tần suất 2 chuyến/tuần, tính ra mỗi ngày có từ 4 - 5 chuyến bay cùng 800 - 1.000 du khách Nga đến Việt Nam. Trong đó, hơn 80% số khách lưu trú Nha Trang. Thống kê từ Sở VH-TT&DL Khánh Hòa cho thấy, lượng khách Nga đến thành phố biển này những năm qua tăng đột biến. Nếu như năm 2010 khách Nga chỉ đạt khoảng 30 nghìn lượt, chiếm 7,7% tổng số khách quốc tế đến Nha Trang thì đến năm 2012 đã vượt lên 83 nghìn lượt và 9 tháng đầu năm 2013 đạt con số 106 nghìn lượt, tốc độ tăng trưởng gần 200%. Đặc biệt, thời gian lưu trú của mỗi khách Nga khoảng 12 ngày - đêm và chi tiêu bình quân 1.500USD/người.
Trong khi du khách Nga đến Nha Trang ngày càng đông thì Quảng Nam vẫn chưa tạo được sức hút với thị trường du lịch này.Ảnh: KHÁNH LINH |
Theo ông Bùi Xuân Lương - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL Khánh Hòa), khách Nga đến Nha Trang đông ngoài các nguyên nhân như có đường bay trực tiếp, sở thích đi du lịch đến nơi có bãi biển đẹp, một lý do quan trọng khác đó là khí hậu Nha Trang ôn hòa, nắng đẹp quanh năm, trở thành nơi “trốn đông” lý tưởng của khách Nga. “Hãy hình dung bạn đang ở một nơi âm nhiều độ, tuyết ngập đầu gối, chỉ sau 8 tiếng đồng hồ bạn đã có thể tung tăng tắm biển, phơi nắng thì sao không thích được” - ông Lương lý giải.
Cũng có những lợi thế tương tự, thậm chí bãi biển được đánh giá là đẹp hơn, thức ăn ngon và nhiều giá trị văn hóa, lịch sử…, nhưng thời gian qua du khách Nga đến Quảng Nam rất ít. Con số 13.000 lượt khách Nga trong năm 2012 và khoảng 11.000 lượt trong 9 tháng đầu năm 2013 (trong đó khách lưu trú chỉ khoảng 4.000) là quá nhỏ so với hơn một triệu lượt khách quốc tế đến Quảng Nam hàng năm. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, có 3 nguyên nhân chính khiến du lịch Quảng Nam khó kéo khách Nga đến: thiếu nguồn nhân lực nói tiếng Nga; giá bán tour thấp nhưng chi tiêu rất cao nên không hấp dẫn các doanh nghiệp du lịch; thời tiết không thuận lợi, mưa bão thường xuyên. “Mùa cao điểm của khách Nga chỉ tập trung vào khoảng giữa tháng 10 đến tháng 4 năm sau, mà thời điểm này lại là mùa mưa bão của Quảng Nam” - ông Cường nói.
Khó “kéo” khách Nga
Theo ông Bùi Xuân Lương, để “kéo” khách Nga về Quảng Nam là điều khó, vì đây thuộc dạng “khách lười”, chỉ thích tắm biển, tắm nắng, ăn uống, nghỉ ngơi. “Từ sáng sớm đến nửa đêm, họ chỉ quanh quẩn từ khách sạn ra bãi biển rồi dạo phố, tắm bùn, vào rạp xem phim hay la cà tán gẫu trong quán bar và tập trung mua sắm ở các trung tâm thương mại hoặc đi mát xa vật lý trị liệu, xông hơi, ấn huyệt… Họ không quan tâm đến các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử”. Trước đây cũng đã có nhiều công ty lữ hành tại Nha Trang mở rộng tour lên Đà Lạt ra Đà Nẵng, Quảng Nam nhưng đều thất bại vì những nơi này không phù hợp với thói quen du lịch của khách Nga.
Theo ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam, vào các tháng 2, 3, 4 khi thời tiết nắng ráo vẫn có khách Nga đến Quảng Nam, chủ yếu là khách lẻ từ vùng viễn đông, khách đoàn hoặc khách cao cấp từ Moskva rất ít. Dù trung tâm đã xúc tiến quảng bá thường xuyên tại Nga như tổ chức các hội chợ mùa hè, phối hợp đón đoàn famtrip từ Nga sang khảo sát thị trường Quảng Nam…, tuy nhiên, do chưa có đường bay trực tiếp từ Moskva sang Đà Nẵng nên không thể kết nối với thị trường khách Nga được, còn khách vùng viễn đông sang thì quá xa, chi phí cao. Trong khi đó, khách Nga từ Nha Trang thường không muốn ra Hội An vì sản phẩm du lịch biển Quảng Nam không có gì khác so với Nha Trang. Ông Tú cho rằng, để thu hút khách Nga, ngoài việc tăng cường xúc tiến quảng bá như tổ chức các roadshow, đón đoàn famtrip… cần thiết phải có đường bay trực tiếp từ Moskva sang trong những năm đến. Ông Hồ Tấn Cường thừa nhận, với những hạn chế nêu trên việc thu hút khách Nga là vấn đề nan giải trong thời điểm hiện tại, kể cả việc đưa ra giải pháp thu hút khách Nga cũng rất khó khả thi và hiệu quả. “Trước đây cũng đã có kế hoạch xây dựng một khu nghỉ dưỡng riêng cho khách Nga tại xã Duy Hải, Duy Xuyên nhưng không triển khai được do sợ lượng khách Nga không đảm bảo” - ông Cường nói.
Phát triển du lịch không chỉ dựa vào lượng khách đến từ thị trường truyền thống vì khả năng chi tiêu, mua sắm sẽ không nhiều bằng du khách đến từ các thị trường mới mở, và đất nước Nga là một trong những thị trường rộng lớn đầy hấp dẫn. Đặc biệt, theo dự đoán từ Pegas Touristik - hãng lữ hành của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Nga - đến năm 2018 sẽ có một triệu khách Nga đến Việt Nam. Điều này đặt ra cho ngành du lịch Quảng Nam nhiều cơ hội để đón đầu lượng khách này. Bên cạnh đó, cũng không ít thách thức đối với ngành du lịch tỉnh khi khách Nga luôn được xem là những người thích “phá phách và ồn ào”.
Tuy nhiên, có điều đáng quan tâm, khi khách Nga tăng, khách Tây Âu, Úc sẽ sụt giảm. Thực tế tại Nha Trang là minh chứng rõ nét nhất và đang là khiến ngành du lịch Khánh Hòa “đau đầu” khi chưa có cách giải quyết. Vì vậy, ngành du lịch Quảng Nam khi tìm hướng thu hút thị trường khách Nga cũng cần có giải pháp cho vấn đề trên.
VĨNH LỘC