Giá trị bản địa là hạt nhân quan trọng có thể nâng tầm thương hiệu du lịch và cần được sáng tạo, lồng ghép trong quá trình phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững của địa phương.
Kho tàng quý báu
Ở vùng đất giao thoa nhiều nền văn hóa từ Việt, Chămpa đến các quốc gia hải ngoại từ Á sang Âu qua nhiều thế kỷ như Quảng Nam, kho tàng giá trị văn hóa đọng lại đặc sắc và đồ sộ là điều tất yếu. Vấn đề chắt lọc giá trị văn hóa bản địa để lồng ghép phát triển du lịch đã được xới lên từ lâu và càng được chú trọng hơn trong bối cảnh mới sau đại dịch Covid-19.
Rất nhiều giá trị bản địa ở Quảng Nam có thể “cộng sinh” với du lịch nhưng hầu như chưa khai thác bao nhiêu. Có thể kể đến lễ hội bả trạo miền biển, lễ hội sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), tham quan văn hóa tâm linh phố cổ Hội An… dù vậy những người làm du lịch mới chỉ khai thác được một phần nhỏ và dư địa bỏ ngỏ còn rất lớn.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT & TT-TH Hội An nói, để làm tour du lịch đúng nghĩa chuyên đề về tâm linh trong khu phố cổ Hội An thì cần nghiên cứu tính khác biệt so với những nơi khác, về thời gian diễn ra trong ngày, tần suất diễn ra trong năm cho hợp lý và đảm bảo hiệu quả.
Thực tế, rất cần yếu tố sáng tạo để giá trị bản địa có thể tương thích với sản phẩm du lịch. Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ, bình thường một vở diễn bả trạo phải mất khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ, còn khi được lồng ghép phục vụ du lịch thì được rút lại trong khoảng 15 phút.
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa - giáo dục (Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) cho biết: “Chất liệu văn hóa nổi bật là giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Quảng Nam trải dài từ tây sang đông, từ miền núi xuống miền biển.
Chúng ta có được kho tàng di sản văn hóa không chỉ đồ sộ mà còn sâu sắc, có tính đại diện cho nhiều cộng đồng, mang nét đặc trưng và đa dạng của Quảng Nam.
Với kho báu giá trị này chúng ta hoàn toàn có thể khai thác, phát huy hướng đến các giải pháp thu lại thành quả từ hoạt động du lịch để tái đầu tư, làm giàu và bồi đắp cho những giá trị văn hóa đó”.
Chưa tương tác nhiều với du lịch
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng: “Sở dĩ chúng ta mãi loay hoay trong việc phát huy giá trị văn hóa bản địa trong phát triển du lịch là bởi nguồn nhân lực ở hai lĩnh vực này chưa có sự kết nối chiều sâu. Vì vậy, thời gian tới cần có sự tiếp xúc giao thoa nhiều hơn giữa hai chủ thể thì mới cải thiện được vấn đề này”.
Ông Lê Văn Mai - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My đề xuất, lễ hội sâm Ngọc Linh tổ chức định kỳ 1 năm ở cấp huyện là chưa xứng tầm. Nên chăng, lễ hội này cần được tổ chức 1 năm một lần ở cấp huyện, 2 năm một lần ở cấp tỉnh và 5 năm một lần ở cấp quốc gia thì mới thúc đẩy, phát huy hết sức sáng tạo văn hóa và phát triển du lịch.
Trong khi ở khu vực đồng bằng, một số điểm đến đã bước đầu lồng ghép, phát huy tương đối tốt giá trị bản địa để nâng cao giá trị gia tăng cho du lịch thì vướng mắc lớn nhất ở khu vực miền núi vẫn là hạ tầng.
Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch cùng chung nhận định, một khi hạ tầng du lịch còn quá sơ sài thì rất khó để phát triển du lịch nói chung và du lịch gắn với sáng tạo giá trị bản địa nói riêng.
Theo ông Lê Quốc Việt - Giám đốc khách sạn Santa Sea Villa Hội An, chủ nhiệm Câu lạc bộ điểm đến Quảng Nam với các điểm đến còn bảo tồn được nguyên vẹn giá trị văn hóa bản địa và muốn tiếp cận với du lịch thì cần xác định rõ thị trường mục tiêu ngay từ khi bắt đầu.
“Ở các điểm du lịch vùng sâu, vùng xa của Quảng Nam cần chú trọng xúc tiến, khai thác phân khúc khách phượt. Đây là nhóm khách ưa thích khám phá văn hóa và thiên nhiên, chính nhóm khách này sẽ giúp lan tỏa điểm đến rộng rãi hơn.
Khi có nhiều khách du lịch dần dần chúng ta sẽ giải quyết được bài toán đầu tư hạ tầng, bản thân cộng đồng người dân sẽ ý thức được nhiệm vụ, lợi ích của việc làm du lịch. Đó là một lối mở để giải quyết bài toán hạ tầng có trước hay du lịch có trước” - ông Việt nói.