Không chỉ có du lịch văn hóa, TP.Hội An còn đang phát triển nhanh loại hình du lịch sinh thái dựa vào nguồn tài nguyên Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Thế nhưng, sự phát triển quá mức loại hình dịch vụ du lịch sinh thái sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, rất cần một cơ chế huy động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp...
Khu rừng dừa Bảy Mẫu được nhiều doanh nghiệp tổ chức khai thác du lịch sinh thái nhưng chưa có nghĩa vụ đóng góp.Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Tín hiệu đáng mừng
Không chỉ có Khu phố cổ – Di sản văn hóa thế giới, TP.Hội An còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm với tổng diện tích hơn 33.000ha, được chia thành 3 vùng chức năng gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, rất giàu tài nguyên thiên nhiên và nhân văn. Nếu như du lịch văn hóa Hội An với Khu phố cổ là hạt nhân (thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển) thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng trên trường quốc tế thì những năm gần đây du lịch sinh thái ở Hội An đã được nhiều bạn bè trong và ngoài nước biết đến như một điểm đến lý tưởng nhờ vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên vùng biển đảo Cù Lao Chàm (thuộc vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển) và một số làng quê vùng hạ lưu sông Thu Bồn – Cửa Đại (thuộc vùng đệm và vùng chuyển tiếp) như rừng dừa nước Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế...
Sự phát triển của du lịch sinh thái, đặc biệt là du lịch Cù Lao Chàm đã góp phần làm thay đổi diện mạo của cả một vùng biển đảo vốn là địa phương gặp nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ rất lớn từ thành phố. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội và chuyển dịch lao động, ngành nghề cũng tạo nhiều việc làm, sinh kế mới cho cộng đồng, tăng thu nhập cho cư dân địa phương và các đối tượng tham gia. Vai trò cộng đồng và khối các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các vùng sinh thái ngày càng gia tăng và mở rộng. Các mô hình hoạt động bước đầu đã khẳng định được hiệu quả như: mô hình đồng quản lý bảo tồn biển ở thôn Bãi Hương (Cù Lao Chàm), tổ bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm, cộng đồng tham gia bảo vệ phục hồi rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh, tự quản du lịch cộng đồng ở làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà. Cũng trong 5 năm qua, sự phát triển của các doanh nghiệp và cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch đã và đang chuyển biến tích cực với hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành dịch vụ, nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, homestay ra đời, 114 phương tiện vận chuyển đường thủy thường xuyên tham gia hoạt động đưa đón và tổ chức các chương trình tour tham quan du lịch Cù Lao Chàm.
Mất cân đối
Lượng du khách đến với Cù Lao Chàm tăng mạnh trong những năm qua (với tốc độ tăng bình quân 41,66%/năm) nhưng cũng còn những nỗi lo. Theo bà Nguyễn Thị Hường Em (Công ty Du lịch Hội An Xanh), thực trạng vẫn còn xảy ra là “Các công ty ra làm tour ở Cù Lao Chàm hiện tại rất bát nháo, nhiều công ty không quan tâm tới chất lượng mà chỉ quan tâm tới lợi nhuận. Chính điều này đã phá vỡ thương hiệu Cù Lao Chàm vì do người ta cố chèo kéo khách, cố “bắt khách” cho nhiều để đi chứ không nghĩ rằng, đó chỉ lợi trước mắt nhưng về sau sẽ phá vỡ tour Cù Lao Chàm”.
Trong khi đó, sự mất cân đối nguồn thu lợi từ du lịch giữa các đối tượng cũng đáng báo động. Theo khảo sát từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, vào thời điểm cao nhất như dịp lễ 30.4 và 1.5 năm nay, mỗi ngày có khoảng 3.500 khách đến tham quan, nghỉ mát trên đảo. Như vậy cứ 1 người dân trên đảo phải phục vụ 1,5 người khách. Số tiền mà du khách phải chi trả trong 1 ngày cao điểm vào khoảng 1,575 triệu đồng. Trong đó, số tiền thuộc về các doanh nghiệp chiếm khoảng 88%, địa phương chỉ hưởng 12%, nhưng số tiền các doanh nghiệp chi trả cho cư dân trên đảo thông qua các dịch vụ phục vụ cũng không đáng kể. Kéo theo đó là sự hủy hoại, tận diệt dù vô tình về nguồn lợi lâm, hải sản và các tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, đặc trưng khác (rau rừng, cua đá, bào ngư, san hô...) do người dân tự khai thác phục vụ.
Cẩm Thanh đang khởi sắc ngành du lịch sinh thái nhờ rừng dừa nước vùng ngập mặn và sông lạch đặc trưng nơi “cửa sông ven biển”. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Khu rừng dừa Bảy Mẫu được các doanh nghiệp và nhiều đối tượng kinh doanh du lịch tham gia khai thác nhưng hiện nay người ta chưa có trách nhiệm, nghĩa vụ gì với địa phương. Địa phương không đặt vấn đề, chưa đặt vấn đề về bán vé tham quan như làng rau Trà Quế hay những nơi khác, song ít nhất các đơn vị có khai thác tài nguyên du lịch của địa phương cần phải có nghĩa vụ đóng góp các khoản phí về môi trường, phí về an ninh trật tự để tạo nguồn thu nhất định cho chính quyền địa phương quay lại hỗ trợ trên các lĩnh vực đó. Đây là vấn đề vượt khỏi thẩm quyền của xã, đề nghị lãnh đạo thành phố nghiên cứu và cho chủ trương!”.
Thực tế, chính quyền và ngành chức năng thành phố vẫn còn bị động, lúng túng khi chưa có cơ chế phù hợp, rõ ràng để huy động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp trong việc khai thác, phát huy một cách bền vững du lịch sinh thái trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, đồng thời bảo tồn được các giá trị theo tiêu chí đã được UNESCO công nhận.
ĐỖ HUẤN