Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động du lịch, lễ hội của Tam Kỳ đã phải tạm hoãn. Thành phố đang tích cực làm mới các sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
Phục hồi sau Covid-19
Thời điểm này năm ngoái, Tam Kỳ đón hơn 200 nghìn lượt khách tham quan và lưu trú, trong đó có khoảng 10 nghìn lượt khách quốc tế. Với điểm nhấn là các lễ hội Tam Kỳ mùa hoa sưa, Tuần lễ du lịch biển Tam Kỳ đã góp phần tạo sức hút đáng kể cho ngành du lịch thành phố.
Năm nay, dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch bị đình trệ. Ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, Tam Kỳ đã làm mới dự án “Con đường thuyền thúng” tại làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh với gần 100 tác phẩm gồm tranh tường, vẽ thuyền thúng, mái chèo, khôi phục thuyền cũ và 3 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.
Ngoài việc làm mới những sản phẩm cũ, Tam Kỳ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đơn cử như việc ra mắt tổ hội nghề nghiệp “Đưa đón khách du lịch sông Đầm”, hướng đến tiêu chí trải nghiệm văn minh, an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách.
Anh Nguyễn Thanh Quý (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng) chia sẻ: “Sự ra đời của tổ hội nghề nghiệp sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân địa phương và chất lượng phục vụ du lịch. Sau 1 tuần khởi động trở lại, tour “Du lịch trải nghiệm địa đạo Kỳ Anh - Bãi Sậy sông Đầm” với các hoạt động tham quan địa đạo, nghe hát dân ca, đi thuyền, thưởng ngoạn vẻ đẹp của mùa hoa sen, hoa súng trên sông Đầm, trải nghiệm cuộc sống ngư dân và thưởng thức ẩm thực dân dã đã đón khoảng 10 đoàn trong nước và quốc tế với hơn 100 lượt khách đến tham quan”.
Mới đây “Không gian nghệ thuật cộng đồng” cũng chính thức ra mắt, phục vụ công chúng tại các địa điểm du lịch, công cộng vào mỗi cuối tuần. Không gian này biểu diễn nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đa dạng, đặc sắc như bài chòi, bả trạo, dân ca, thể dục nhịp điệu, âm nhạc đường phố, võ thuật, ảo thuật…
Xây dựng sản phẩm mới
Đầu tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức đoàn khảo sát tiềm năng du lịch tàu biển tại TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành và Phú Ninh, nhằm xây dựng, kết nối sản phẩm du lịch phía nam của tỉnh.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: “Tại Tam Kỳ, đoàn đã khảo sát thực địa tại làng bích họa Tam Thanh, bãi Sậy sông Đầm và địa đạo Kỳ Anh. Đoàn đánh giá cao tiềm năng, giá trị về du lịch của các điểm đến, rất thích hợp để xây dựng các tour du lịch trong ngày. Bên cạnh đó, thành phố cần đầu tư hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch để thu hút du khách tốt hơn”.
Còn ông Phan Xuân Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt (TP.Hồ Chí Minh) góp ý: “Tôi rất ấn tượng người thuyết minh ở địa đạo Kỳ Anh. Tôi cho rằng, bên cạnh hạ tầng, quan trọng không kém đó là phải đào tạo được đội ngũ cán bộ làm du lịch hiểu được văn hóa địa phương. Ngoài ra, trên cơ sở nền tảng này, cần làm ra các sản phẩm mới hơn…”.
Hiện nay, Tam Kỳ đã hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chiếu cói Thạch Tân” và lập hồ sơ dự án xây dựng “Không gian trình diễn làng nghề truyền thống chiếu cói Thạch Tân” tại điểm du lịch địa đạo Kỳ Anh - bãi Sậy sông Đầm. Đồng thời, bảo vệ thành công dự án “Trồng phục hồi hệ sinh thái sông Đầm” được tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện khoảng 8,9 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 600ha.
Ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, ngoài giá trị về cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng đặc trưng của vùng đầm lầy bán ngập nước, bãi Sậy sông Đầm còn mang ý nghĩa lịch sử đối với phong trào đấu tranh của quân, dân vùng đông Tam Kỳ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thông qua hoạt động khảo sát, Tam Kỳ kêu gọi các nguồn lực để xây dựng một hệ sinh thái du lịch bền vững tại sông Đầm, vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên sông Đầm.
Ngoài ra, Tam Kỳ đang hướng đến việc xây dựng sản phẩm kết nối, phát triển du lịch bền vững với sự tham gia của các nhà đầu tư, hiệp hội, công ty lữ hành, chính quyền địa phương và người dân. Trước mắt, Tam Kỳ đã thông qua phương án xây dựng điểm ngắm cảnh sông Đầm kết hợp tổ chức thêm không gian sinh hoạt dã ngoại để tạo điểm đến cho du khách.