(QNO) - Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vừa có chuyến khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư, xây dựng tour tuyến tại huyện Tây Giang, gắn với tư vấn địa phương cách thức phát triển du lịch bền vững.
Giá trị khác biệt
Trong 2 ngày ở Tây Giang, đoàn đã khảo sát một số địa điểm và sản phẩm đặc trưng của Tây Giang như rừng pơ mu, ruộng bật thang A Xan, trải nghiệm múa cồng chiêng, tham quan các sản phẩm OCOP… Ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận, với tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, văn hóa cùng hạ tầng giao thông đã được đầu tư tương đối, cơ hội phát triển du lịch Tây Giang rất khả quan. “Quan trọng bây giờ là phải quảng bá giới thiệu điểm đến, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng để kéo khách lên” - ông Thủy nói.
Ở góc nhìn là Giám đốc Công ty Du lịch Duy nhất Đông Dương - ông Nguyễn Sơn Thủy cho rằng, chỉ riêng rừng nguyên sinh pơ mu và văn hóa ẩm thực Cơ Tu đã tạo ra những giá trị khác biệt. Chưa kể, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng núi rừng như cao đẳng sâm, cao ba kích, trà túi lọc đẳng sâm, rượu sâm dược liệu…. sẽ là những mặt hàng lưu niệm hấp dẫn có thể bán được cho khách du lịch.
Ông Lê Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ, ấn tượng của ông khi đến vùng đất này là sự chất phác, thân thiện của người dân, cùng với những giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu được thể hiện qua âm nhạc, ẩm thực, tập quán sinh hoạt... “Cảm giác nơi đây như một thế giới riêng nằm ngoài sự phát triển. Tôi mong rằng điều đó sẽ được giữ mãi, đừng để lợi nhuận vật chất chi phối suy nghĩ đồng bào. Đừng mang những điều ngõ là hiện đại văn minh hay bê tông hóa lên đây” - ông Thuận cảnh báo.
Cũng theo ông Thuận, phát triển du lịch Tây Giang nên hạn chế tối đa vào thiên nhiên, môi trường, đặc biệt là những lai tạp văn hóa, điều này rất nguy hiểm. Do đó, dòng khách chủ đạo cho Tây Giang phải cao cấp, cụ thể là những đoàn khách MICE, khách châu Âu, những người sẳn sàng chi tiêu cao nhưng có ý thức, trách nhiệm về cộng đồng, hạn chế du lịch đại trà.
Thận trọng thu hút đầu tư
Những năm qua, mặc dù Tây Giang đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế thu hút đầu tư nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang thừa nhận, một trong những khó khăn Tây Giang gặp phải chính là điểm đến mới, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực thấp, công tác đầu tư, quảng bá, xúc tiến… còn yếu kém. Kết quả, vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư vào vùng đất này. “Sắp tới chúng tôi sẽ có buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch và các sở, ban ngành của tỉnh cùng xem xét, đánh giá lại cơ sở hạ tầng, đề xuất ý tưởng giúp địa phương xây dựng định hướng phát triển du lịch” - ông Linh thông tin.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, chuyến khảo sát đã giúp ông nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư về lưu trú, ẩm thực, văn hóa kể cả du lịch thể thao… Vì vậy ông và Hiệp hội Du lịch sẽ quay lại Tây Giang để tìm hiểu thêm cơ hội đầu tư cũng như tư vấn địa phương cách làm du lịch bền vững. “Tây Giang nên có quy chế, quy định ngay từ đầu về phát triển du lịch bền vững. Doanh nghiệp nào lên đây đầu tư cũng phải tuân thủ những tiêu chí này, đừng vì khát vọng làm du lịch mà lâm vào vết xe đổ như một số nơi khác từng vấp phải” - ông Thủy đề xuất.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Ngọc Thuận cho rằng, phát triển du lịch Tây Giang phải hết sức thận trọng, không nên ào ạt, sẽ rất nhiều hệ lụy. Đặc biệt, nên lấy văn hóa làm nền tảng, người dân phải là chủ thể để không đánh mất bản sắc văn hóa Cơ Tu. “Hiệp hội sẽ tư vấn Tây Giang nên cân nhắc đầu tư sản phẩm gì, xây dựng cái gì, đồng thời giúp người dân nhận thức về phát triển du lịch, hạn chế những lai tạp văn hóa sau này” - ông Thuận nói.