Du lịch Tây Giang gặp khó

ĐÌNH HIỆP 25/12/2020 06:29

Ảnh hưởng của Covid-19, rồi bão lũ xảy ra liên tiếp khiến du lịch Tây Giang gặp khó. Nhiều điểm du lịch homestay bị sạt lở, vùi lấp do mưa bão.

Khu du lịch Đỉnh Quế (xã Tr’Hy) - một trong những điểm du lịch được nhiều du khách đến tham quan.
Khu du lịch Đỉnh Quế (xã Tr’Hy) - một trong những điểm du lịch được nhiều du khách đến tham quan.

Xác định được thế mạnh và tiềm năng vốn có của mình, huyện Tây Giang đã tận dụng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ kết hợp với giá trị văn hóa truyền thống của địa phương để đưa vào khai thác, phát triển du lịch. Với hướng đi phù hợp này, huyện đã triển khai xây dựng và hoàn thiện một số điểm du lịch như rừng cây di sản Pơmu, Đỉnh Quế, điểm dừng chân Núi Thần Linh (Eo Aliêng), làng truyền thống Cơ Tu, làng du lịch cộng đồng thôn Ta Lang (xã Bha Lêê), bước đầu thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Ông Ngô Phan Tấn Trãi - cán bộ Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch huyện cho biết, số lượng khách tham quan đến với Tây Giang ngày càng tăng. Nếu như năm 2014 chỉ có 800 lượt thì năm 2019 tăng lên 12.850 lượt. Tuy nhiên, đến năm 2020 do 2 đợt dịch Covid-19 và ảnh hưởng của bão lũ nên lượng khách du lịch đến với Tây Giang giảm, chỉ còn khoảng 10.500 lượt.

Mưa lũ đã làm hư hỏng nhiều công trình phục vụ du lịch như sạt lở vùi lấp 10 ngôi nhà homestay tại Eo Aliêng (xã Lăng), sạt lở khu Đỉnh Quế, sạt lở vùi lấp tuyến đường vào Làng cổ rừng di sản Pơmu, cuốn trôi cây cầu treo vào khu du lịch Ta Lang. Sau dịch Covid-19 rồi bão lũ, nhiều điểm du lịch như quần thể suối thác, địa đạo, làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng truyền thống Cơ Tu ở Tây Giang đang ở tình trạng “ngủ đông”, chưa khai thác phát triển lại được. “Với mức độ hư hại như hiện nay, việc khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra phải mất thời gian dài và chưa biết bao giờ du khách mới đến tham quan lại” - ông Trãi nói.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch huyện cho biết, bão lũ đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch, nhất là cơ sở hạ tầng. Để phục hồi ngành du lịch, huyện cần hơn 2 tỷ đồng sửa chữa nâng cấp các điểm du lịch, khu di tích, danh thắng và công trình văn hóa. UBND huyện đã phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Tây Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; lập hồ sơ trùng tu mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh cũ đi vào địa đạo A Xòo đến cột mốc 678 (Di tích Quốc gia đặc biệt).

Huyện đã chủ động mời các công ty du lịch có uy tín đến tham quan, nghiên cứu và khảo sát đánh giá tiềm năng giúp Tây Giang phát triển du lịch; đã phối hợp tổ chức hội thảo bàn về việc “Phát huy giá trị rừng di sản Pơmu, gắn với văn hóa Cơ Tu phát triển du lịch bền vững”... Ngoài ra, địa phương mở tuyến đường công vụ, lắp đặt 2 đài vọng cảnh tại rừng đỗ quyên cổ (núi K’lang, xã Tr’Hy) để phục vụ khách tham quan...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Tây Giang gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO