Mặc dù kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, lượng khách du lịch vẫn tăng thêm 52 triệu người vào năm 2013, tức tăng 5% so với năm 2012. Đó là báo cáo mới nhất của tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO).
Lượng du khách toàn cầu dự báo gia tăng nhanh vào năm 2014. |
Theo thống kê của UNWTO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,2 tỷ người đi du lịch. Ngành du lịch tạo ra hơn 200 triệu công ăn việc làm và đóng góp đến 9% GDP cho nền kinh tế toàn cầu. Tín hiệu lạc quan hơn cho thấy lượng khách du lịch vẫn tiếp tục tăng từ 4 - 4,5% trong năm nay và dự kiến sẽ đạt 1,8 tỷ người vào năm 2030. Tổng thư ký UNWTO, ông Taleb Rifai khẳng định, những con số vừa nêu trên cho thấy du lịch được đánh giá là lĩnh vực phát triển ấn tượng, tăng nhanh và khá vững chắc bất chấp khó khăn kinh tế toàn cầu cũng như những cơn biến động địa chính trị. Bên cạnh đó, du lịch tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của nhiều quốc gia nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, xóa đói nghèo, thất nghiệp tăng cao…
Năm 2013 được xem là năm gặt hái được nhiều thành công của ngành du lịch. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi là khu vực dẫn đầu, tăng hơn 6%, kế đến khu vực châu Âu là 5%. Đặc biệt, tại Hội chợ du lịch diễn ra tại thủ đô Luân Đôn (Anh) vào cuối năm 2013, Việt Nam được đánh giá là xếp thứ hai (sau Trung Quốc) tại khu vực châu Á về tiềm năng phát triển du lịch. Đây là kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến của hơn 1.200 nhà quản lý du lịch trên toàn thế giới về xu hướng du lịch toàn cầu. Cũng theo UNWTO, năm 2013, tăng trưởng du lịch thế giới bình quân ở mức 5% thì khu vực Đông Nam Á và Nam Á có mức tăng trưởng trên 8%. Việt Nam hiện nằm trong top 5 điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á và top 100 điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới.
Tuy vậy, UNWTO thừa nhận, mặt trái của ngành công nghiệp không khói này lại là tình trạng ô nhiễm môi trường tự nhiên ngày càng nghiêm trọng, tình trạng phá hủy nhiều sinh vật cảnh, xâm hại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tác động xấu đến cộng đồng dân cư địa phương xảy ra tại nhiều nơi… Điều này cũng thể hiện sự yếu kém của các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương cũng như ý thức bảo vệ môi trường của một số du khách… Ngay trong sáng kiến đổi mới du lịch “xanh” của Liên hiệp quốc, du lịch đã được xác định là một trong 10 lĩnh vực có thể dẫn dắt quá trình chuyển đổi mô hình xã hội, kinh tế và môi trường mới. Đầu tư vào du lịch thân thiện với môi trường có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm và cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu suy thoái môi trường. Vì thế, phát triển ngành du lịch “bền vững” hiện là chủ đề nóng được quan tâm của các nhà làm du lịch, của chính phủ ở hầu hết các quốc gia.
UNWTO cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy những nỗ lực phát triển du lịch bền vững trong các khu vực khác nhau của du lịch toàn cầu, trong đó sự tham gia toàn diện của khu vực kinh tế tư nhân sẽ thúc đẩy chương trình phát triển du lịch quốc tế. Các tổ chức của Liên hiệp quốc như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Chương trình Môi trường (UNEP)… cùng tham gia với UNWTO trong nỗ lực tăng cường tính bền vững trong phát triển du lịch.
NAM VIỆT