Được xem là điểm nhấn hấp dẫn trên các bãi biển, du lịch thể thao, cách thức hữu hiệu để các địa phương quảng bá thương hiệu điểm đến, nhất là những nơi có nhiều lợi thế về biển.
Hoạt động thể thao dù lượn tại Cửa Đại rất thu hút khách. Ảnh: VĨNH LỘC |
Hấp dẫn
Biển An Bàng (Hội An) một chiều hè nắng vàng rực rỡ, những du khách nước ngoài nằm phơi mình trên cát ngắm nhìn những chiếc dù bay sặc sỡ được ca nô cao tốc kéo chạy chao lượn trên không. Xa xa phía biển là vài mô tô nước mạnh mẽ lướt chồm lên trên sóng hất những vồng nước vung lên tung tóe. Kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, các loại hình thể thao giải trí trên biển luôn được du khách đón nhận hào hứng. Hiện tại Hội An có 7 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này, chủ yếu là mô tô nước (jeski) và dù bay, phao trượt nước… đối tượng khách phần lớn đến từ Hà Nội và người nước ngoài. Sức hấp dẫn của loại hình thể thao này ngoài mang đến cho người chơi cảm xúc thăng hoa như được chắp bánh bay lượn giữa không trung hay chinh phục những con sóng đại dương, còn góp phần tạo nên sự hào hứng mới lạ trên mỗi bãi biển. Theo đại diện Công ty CP Biển đảo Hội An, để tham gia trò chơi, mức chi không hề rẻ, cứ 15 phút ngồi trên mô tô nước du khách phải trả mức phí 500 nghìn đồng, còn 30 phút là 850 nghìn; với dù lượn trên không số tiền trả cho mỗi vòng bay cũng tương tự là 450 nghìn đồng (một người, dù đơn) và 800 nghìn đồng dành cho 2 người (dù đôi)… Tuy vậy, sức hút của các trò chơi trên cũng không hề thuyên giảm.
Thực tế, thể thao dưới nước không phải là mới với các điểm du lịch biển Việt Nam, thậm chí tại Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu loại hình này phát triển khá mạnh. Riêng Đà Nẵng, đến nay đã có 17 bãi biển được thành phố quy hoạch và phân chia bố trí theo các vị trí tắm biển và khu thể thao riêng biệt nhằm tạo điểm nhấn cho du khách khi đến thành phố. “Thể thao biển luôn là sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách nên họ luôn sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu. Chắc chắn đây sẽ là một sản phẩm du lịch của tương lai”, bà Tân Như Trinh - Quản lý hoạt động thể thao Công ty CP Biển đảo khẳng định. Thống kê cho thấy, trong mùa nắng nóng, mỗi ngày các bãi biển Đà Nẵng đón khoảng 8 nghìn lượt khách đến vui chơi, tắm biển, không ít người trong số đó đến chỉ mong được thỏa mãn cảm giác giải trí với các môn thể thao cảm giác mạnh trên biển. Dù lợi thế, sức hút đã thấy rõ nhưng du lịch thể thao biển cũng đang đối diện với những khó khăn nhất định, ngoài thời gian hoạt động ngắn, theo mùa thì việc bãi biển Hội An bị sạt lở cũng phần nào hạn chế việc mở rộng quy mô. Đây cũng là lý do khiến vài doanh nghiệp như Công ty CP Biển đảo đang bắt đầu chuyển dịch hoạt động kinh doanh ra Đà Nẵng đề duy trì phát triển.
Thúc đẩy phát triển du lịch biển
Dù xác định du lịch biển chiếm vị trí quan trọng trong kế hoạch phát triển du lịch chung của địa phương, nhưng đến nay nhiều nơi như Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành… vẫn chưa thể định hình được sản phẩm du lịch thể thao cụ thể. Theo đại diện Phòng VHTT TP.Tam Kỳ, hiện tại quy hoạch các bãi biển nơi đây mới chỉ dừng lại ở hạ tầng, còn việc phát triển dịch vụ gì phục vụ khách vẫn chưa được tính tới. Đây cũng là thực trạng chung của các địa phương có bãi biển trên địa bàn tỉnh. Thậm chí, ở cấp tỉnh việc quy hoạch chi tiết hoạt động thể thao gắn với du lịch tại các bãi biển Quảng Nam cũng chưa thể thực hiện được. Ông Trần Sô – Trưởng phòng Nghiệp vụ Thể dục thể thao (Sở VH-TT&DL) cho rằng, tuy trong đề án Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2025 có xây dựng chiến lược phát triển thể thao giải trí kết hợp với du lịch (bao gồm xây dựng và phát triển câu lạc bộ các môn thể thao biển mà Quảng Nam có lợi thế) nhưng đây mới chỉ là mục tiêu tổng quát, quá trình triển khai sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như xem xét tình hình thực tế môn thể thao nào là phù hợp với địa phương. “Sở đang lập kế hoạch kết hợp với Trung tâm Huấn luyện quốc gia 3 tại Đà Nẵng và Liên đoàn Bóng ném tổ chức huấn luyện bộ môn bóng ném bãi biển để triển khai tại Quảng Nam thời gian tới”, ông Sô tiết lộ.
Có thể khẳng định, du lịch thể thao bãi biển sẽ tạo điểm nhấn và sự khác biệt. Tại đây, du khách ngoài tắm biển, tắm nắng, nghỉ dưỡng, thưởng thức hải sản… còn có thể tham gia các trò chơi, hoạt động giải trí thể thao trên biển góp phần lưu khách lại lâu hơn. Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển du lịch biển hiệu quả là tổ chức các giải thể thao (đua thuyền, bóng chuyền, bóng đá bãi biển…). Thông qua giải đấu sẽ thu hút lượng lớn quan khách và vận động viên về lưu trú thi đấu, giúp kích thích các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển cũng như quảng bá thương hiệu điểm đến lan xa hơn. Tuy nhiên, theo ông Trần Sô, ngoài Hội An đã có lợi thế về nguồn khách và kinh nghiệm tổ chức các giải thể thao bãi biển thì rất khó triển khai hoạt động thể thao giải trí tại các bãi biển Quảng Nam do hạ tầng cơ sở hạn chế, nhất là phụ thuộc vào nguồn nhân lực và cơ chế (môn dù bay phải do Bộ Quốc phòng cho ý kiến, còn giấy phép lái mô tô nước phải do Hiệp hội Thể thao dưới nước và Tổng cục thể thao cấp phép). Đặc biệt, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cũng rất khó vì các bãi biển Tam Kỳ hay Núi Thành ít khách du lịch. “Vẫn biết là việc đăng cai các giải đấu như bóng đá, bóng chuyền bãi biển sẽ kích thích du lịch phát triển nhưng vấn đề là mình không có đủ lực lượng để tham gia nên không dám đăng cai nên sở vẫn chưa nghĩ đến”, ông Sô thừa nhận.
VĨNH LỘC