Sau lễ hội mùa hoa sưa Tam Kỳ chừng vài tuần, tôi về làng Hương Trà (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ). Cây cầu hạnh phúc vẫn còn đó. Không gian Vườn Cừa - nơi tổ chức lễ hội mùa hoa sưa thì còn lại mấy gian nhà tranh. Đường về làng vẫn đẹp như vốn dĩ và cũng rất “bình yên”. Bình yên là điều nhiều người ước ao, nhất là khi nhịp sống dần nhanh, nhộn nhịp hơn sau khi dịch Covid-19 lắng xuống và khi sống giữa phố thị náo nhiệt. Nhưng, sự “bình yên” ở làng Hương Trà mà tôi muốn nhắc đến ở đây, là sự... vắng vẻ.
Rõ ràng, không thể đòi hỏi làng du lịch sinh thái Hương Trà lúc nào cũng đông đúc, dập dìu du khách như trong những ngày diễn ra lễ hội mùa hoa sưa. Nhưng sự thiếu vắng du khách - chính xác hơn là vắng bóng du khách đến thăm làng trong ngày cuối tuần sau khi lễ hội đã khép lại, vẫn khiến tôi chạnh lòng.
Tôi cùng vài người bạn thong thả đi từ đầu làng tới cuối làng trên con đường rợp mát bóng cừa vào buổi sáng nhưng hầu như chỉ gặp những người dân trong làng. Những hàng quán bán đồ ăn sáng ven đường, theo nhận xét của chúng tôi là ngon và rẻ, cũng chủ yếu phục vụ khách tại chỗ, hiếm hoi lắm mới có vài người khách vãng lai. Một số hàng quán đã đóng cửa hẳn vì không có khách.
Theo một giáo trình du lịch, thì thời vụ trong du lịch là hiện tượng phổ biến và khách quan ở tất cả quốc gia hoặc những nơi có hoạt động du lịch. Dĩ nhiên làng du lịch sinh thái Hương Trà cũng không ngoại lệ. Độ dài thời gian và cường độ của thời vụ du lịch phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có mức độ phát triển và kinh nghiệm kinh doanh của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp du lịch; cơ cấu du khách…
Lễ hội mùa hoa sưa cũng không thể kéo dài. Biết vậy nhưng vẫn thấy tiếc vì những rộn ràng quá ngắn ngủi. Để “kéo dài” mùa du lịch và làm cho lễ hội mùa hoa sưa có “dư âm”, có lẽ cả chính quyền, cộng đồng dân cư làng du lịch sinh thái Hương Trà đến những người làm du lịch... cần phải có cái nhìn khác hơn.
Khi tổ chức hoạt động du lịch, không nên mặc định, thiết kế chúng trùng khít lên hoạt động lễ hội, mà cần có “khoảng mở” trước, trong và sau lễ hội. Người ta đi chơi lễ hội cũng có nghĩa là đi du lịch, nhưng ngược lại, đi du lịch không đơn thuần chỉ là... đi chơi hội. Phân định được điều này sẽ có tư duy làm du lịch khác hơn.
Với làng Hương Trà sau lễ hội mùa hoa sưa, rất cần sự “chắt chiu” ngay từ những chuyện nhỏ. Ví như, có thể giữ lại một/ một phần không gian nào đấy để du khách check-in. Hương Trà không chỉ có “đặc sản” hoa sưa mà còn có đình Hương Trà - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, hướng ra sông Tam Kỳ đầy thâm trầm. Cây đa, bến nước, di tích mộ Giày… cũng chính là những điểm đến, điểm dừng chân đẹp và thú vị.
Đường làng Hương Trà đã rộng mở, phong quang hơn và là một con đường làng tuyệt đẹp - đẹp quanh năm, đẹp không chờ, không lệ thuộc vào mùa hoa sưa nở, cũng chính là một thế mạnh để khai thác. Kéo du khách về với Tam Kỳ, với làng sinh thái Hương Trà vào mùa hoa sưa chỉ là hoạt động mang tính thời điểm. Điều quan trọng hơn là phải “rủ rê” được du khách đến với nơi này khi đã hết hoa sưa, khi lễ hội đã khép lại.