(QNO) - Việc phát huy các thế mạnh du lịch để kích thích tăng trưởng ngành du lịch không khói, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế tại ASEAN (Hiệp hội các nước khu vực Đông Nam Á) đã và đang được xúc tiến với nhiều chương trình hành động và kế hoạch cụ thể.
Biển Hồ Tonle Sap (Campuchia) là một trong những điểm đến hấp dẫn tại ASEAN. Ảnh: Internet |
Trong khuôn khổ Chiến lược Tiếp thị Du lịch ASEAN giai đoạn 2012-2015, ASEAN trong tuần qua đã công bố việc xúc tiến 6 chủ đề du lịch trải nghiệm và sáng tạo: thưởng thức ẩm thực ASEAN, ASEAN - Thiên đường nhiệt đới; các thành phố tầm cỡ thế giới; trải nghiệm văn hóa truyền thống khác nhau; thể thao và thư giãn; sáng tạo đương đại đa dạng nhằm khuyến khích các tour du lịch đa quốc gia trong khu vực. Theo đánh giá của ông Aung Zaw Win - Tổng vụ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar đồng thời là Chủ tịch Nhóm làm việc Phát triển sản phẩm du lịch ASEAN, trải nghiệm du lịch và lữ hành thực sự liên quan đến các di sản, nghệ thuật và những đặc trưng của các điểm đến trong ASEAN. Qua đó, nhằm đáp ứng được xu hướng phát triển nhu cầu của dư khách hiện nay muốn tự bản thân được trải nghiệm, khám phá và có được cảm giác sáng tạo, hưởng thụ nét độc đáo của cuộc sống dân dã tại chỗ hòa quyện với thiên nhiên trong mỗi chuyến đi. Đây cũng được xem là một trong những mục tiêu xây dựng và quảng bá các chương trình du lịch kết nối giữa các nước ASEAN, hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Trên website chính thức www.aseantourism.travel của Du lịch ASEAN bước đầu đã có danh sách của 20 công ty du lịch và lữ hành mời chào các chương trình du lịch trải nghiệm và sáng tạo đa quốc gia với nội dụng thuộc sáu chủ đề nêu trên. Đặc biệt trong đó, tất cả đều đảm bảo điều kiện và nguyên tắc tôn trọng bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường của Du lịch ASEAN. Đồng thời, để truyền cảm hứng cho du khách, ASEAN đã biên soạn tài liệu giới thiệu về những nét đặc sắc của các điểm đến trong khu vực. Bao gồm, các di sản thiên nhiên và văn hóa, các tuyến hành trình du lịch hấp dẫn bằng đường bộ, đường sắt và đường biển, ẩm thực, giải trí, nghỉ dưỡng và chăm sóc thẩm mỹ... Để hiện thực hóa xúc tiến với những trải nghiệm và sáng tạo vừa nêu trên, ông Aung Zaw Win thúc giục các nhà điều hành du lịch phát triển các tour trọn gói nhằm thu hút phát huy du lịch trải nghiệm và sáng tạo. Đây là xu hướng đang được khách du lịch cả trong và ngoài khu vực quan tâm và lựa chọn.
Hiện nay, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của hầu hết các nước ASEAN. Số liệu thống kê cho thấy, thu nhập từ ngành du lịch đóng góp trực tiếp 4,6% GDP của ASEAN, nếu tính tới đóng góp gián tiếp thì tỷ trọng này có thể lên tới 10,9%. Ngành du lịch cũng trực tiếp tạo ra 9,3 triệu việc làm (chiếm 3,2% tổng số việc làm của ASEAN), đồng thời gián tiếp hỗ trợ giải quyết khoảng 25 triệu việc làm. Cũng vào năm 2012, tại Hội nghị cấp cao Đông Á về Du lịch-Thương mại&Lữ hành với chủ đề “Mở cửa biên giới: Thông qua du lịch, thương mại và lữ hành vực dậy tăng trưởng châu Á”, Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN đã thông qua chiến lược “cấp thị thực Schengen ASEAN” trong vòng 5 năm, thực thi “Du lịch ASEAN bằng một thị thực” đối với khách du lịch ngoài khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn du khách đến với khu vực.
Quốc Hưng (Theo ASEAN news)