Du lịch Triêm Tây chờ củng cố

VĨNH LỘC 27/08/2018 02:01

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Triêm Tây, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, vừa tuyên bố tạm ngưng đón khách, chấm dứt gần 3 năm hoạt động kể từ khi mô hình du lịch cộng đồng Triêm Tây ra đời.

Du lịch cộng đồng Triêm Tây từng được xem là mô hình điển hình của Quảng Nam. Ảnh: V.LỘC
Du lịch cộng đồng Triêm Tây từng được xem là mô hình điển hình của Quảng Nam. Ảnh: V.LỘC

Không hiệu quả

Chính thức hoạt động từ tháng 6.2015, HTX Nông nghiệp Triêm Tây được xem như doanh nghiệp đại diện cho người dân Triêm Tây trong việc đón khách  tham quan mô hình du lịch cộng đồng làng. Với những sản phẩm trải nghiệm đặc trưng, thời gian đầu mô hình trở thành hình mẫu cho nhiều nơi học tập. Tuy nhiên, kể từ khi dự án kết thúc, bàn giao lại cho người dân, không ít phát sinh bắt đầu bộc lộ. Ông Nguyễn Yên - nguyên Giám đốc HTX Nông nghiệp Triêm Tây cho biết, thiếu người làm và nguồn thu không đủ chi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. “Kế toán nghỉ việc vì HTX không có tiền trả lương, xã viên không ai chịu làm, mình tôi thì khó thể cáng đáng hết mọi việc nên HTX tạm thời ngưng hoạt động để củng cố lại” - ông Yên nói.

Năm 2015 doanh số từ hoạt động đón khách tham quan làng Triêm Tây của HTX ước hơn 45 triệu đồng; năm 2016 nhích lên 74 triệu đồng, năm 2017 hạ xuống còn hơn 55 triệu đồng. Với 10% được trích lại theo quy định, tổng số tiền HTX thu được qua 3 năm hoạt động đón khách chừng 18 triệu đồng, cộng với tiền cổ phần xã viên đóng vào là 32 triệu đồng (mỗi xã viên góp 2 triệu đồng). “Tổng số tiền khoảng 50 triệu đồng đó HTX dùng để chi phí hoạt động đi lại họp hành, mua sắm dụng cụ làm việc. Hiện tại, HTX không còn đồng nào cả, kể cả lương kế toán 3 năm nay cũng chưa trả được đồng nào nên kế toán đã nghỉ việc” - ông Yên dẫn giải. Cũng theo ông Yên, dù HTX có 25 thành viên nhưng số người thực sự  tâm huyết chỉ đếm trên đầu ngón tay, kể cả tiền cổ phần đóng vào HTX đến nay mới có 16 người, 9 người khác chưa nộp.

Bà Phan Thị Hường - nguyên kế toán HTX Nông nghiệp Triêm Tây chia sẻ, theo thỏa thuận, bà được HTX nhận vào làm việc với mức lương 1 triệu đồng/tháng nhưng phải thử việc 6 tháng không lương. Tuy vậy, gần 3 năm nay bà chưa nhận được tháng lương nào từ HTX. “Lúc đó tôi mới ra trường HTX nhờ giúp giùm nên tôi đồng ý, xem như vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng rồi họ cứ khất miết 3 năm nay không thấy lương hướng gì cả nên tôi nghỉ việc” - bà Hường nói.

Thực tế, câu chuyện du lịch cộng đồng Triêm Tây và hoạt động của HTX Nông nghiệp Triêm Tây thời gian qua đã có ý kiến ra vào; nổi cộm là những bất đồng giữa HTX với địa phương; giữa HTX với cộng đồng dân làng, kể cả giữa nội bộ thành viên HTX. “Như chuyện hàng rào xanh, phát động xong rồi để đó, ai làm gì thì làm. Nên mới có chuyện người thì phá bỏ xây hàng rào bê tông, người thì bỏ chè tàu xơ xác, nhưng chẳng thấy chính quyền thôn xã nhắc nhở gì, mình nói thì họ không đồng tình vì cho rằng làm mấy cái đó HTX sẽ hưởng hết. Nói chung, không phải ai cũng hiểu du lịch cộng đồng là gì nên cảnh quan, đường sá ở đây ngày càng lộn xộn” - ông Nguyễn Yên nói thêm.

Củng cố

Ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương nói, những vấn đề đang xảy ra trong nội bộ HTX Nông nghiệp Triêm Tây chính quyền địa phương đều biết và đang tìm cách củng cố. Mấy hôm nay xã đã tổ chức nhiều phiên họp mời đại diện HTX lên để bàn cách thay đổi lại bộ khung vì các thành viên chủ chốt không chịu làm việc. “Hiện nhà nước đầu tư xây dựng khu dân cư mới kiểu mẫu ở Triêm Tây. Tại đó xã phát động dân trồng cây xanh, sửa sang lại toàn bộ hàng rào. Riêng với hàng rào nào đã bê tông hóa mình tuyên truyền vận động dân cải tạo lại thành hàng rào xanh. Chắc chắn khó vì hàng rào của nhà dân mình đâu bắt buộc được nhưng xã sẽ cố gắng giải thích cho người dân hiểu” - ông Thu cho biết.

Vài năm trở lại đây, phát triển du lịch cộng đồng đã trở thành xu hướng chủ đạo của nhiều địa phương ở Quảng Nam nhằm tạo sinh kế, thu nhập cho người dân; nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống... Tuy vậy, việc duy trì hoạt động mô hình hậu dự án luôn trở nên khó khăn, trong đó 2 làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu và Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đã trở thành những điển hình buồn vài năm nay. Nguyên nhân chính là người dân không thể đủ kiến thức, chuyên môn, mối quan hệ, kể cả tài chính để duy trì hoạt động du lịch sau khi dự án kết thúc, nếu như không có sự sâu sát, đồng hành của chính quyền địa phương, ngành du lịch và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, HTX Nông nghiệp Triêm Tây đóng cửa ngưng hoạt động, thị xã sẽ có phương án phù hợp nhằm củng cố lại du lịch cộng đồng Triêm Tây. Cụ thể, phần đất cộng đồng địa phương giao cho HTX trước đây sẽ được lấy lại giao doanh nghiệp, chứ để như lâu nay không ai có trách nhiệm. Chưa kể, thời gian qua đất đai Triêm Tây bị chia nhỏ quá nên phải tính toán, những dự án nào không làm sẽ lấy lại. “Phải quy hoạch theo chuẩn chung để ai vô cũng làm theo quy hoạch đó chứ không thể lộn xộn như lâu nay được. Khi doanh nghiệp vào sẽ vận động người dân sửa sang hàng rào, vườn tược, có chia sẻ lợi nhuận đàng hoàng, chứ như bây giờ thì dân chắc chắn sẽ không làm. Hiện tại có một nhà đầu tư muốn vào Triêm Tây, họ cũng phát triển theo mô du lịch gắn với cộng đồng, thị xã đang nghiên cứu. Nói chung phải có một mô hình tổ chức mới chứ không thể để như thời gian qua được” - ông Hà quả quyết.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Triêm Tây chờ củng cố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO