Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, góp phần thay đổi ngành công nghiệp du lịch toàn cầu.
Nhiều du khách lập kế hoạch chuyến đi qua dịch vụ trực tuyến. Ảnh: travelwireasia.com |
Nếu như năm 1950, thế giới có khoảng 25 triệu người đi du lịch ra nước ngoài thì đến năm 2016, con số này tăng lên đến 1,2 tỷ người và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Ngày nay, du lịch trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống. Qua đó đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi nắm bắt tốt cơ hội thu hút khách, tạo công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho hàng triệu người. Tại Đông Nam Á, Thái Lan được xem là một điển hình phát triển du lịch bậc nhất khu vực, ngành này đóng góp từ 14%-15% GDP cho nền kinh tế Thái. Dự kiến trong năm 2017, Thái Lan sẽ đón 32 triệu lượt khách quốc tế và mang về nguồn thu 99 tỷ USD cho kinh tế xứ Chùa Vàng. Trong lúc này, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới, tác động đến mọi thứ và du lịch là một trong số các lĩnh vực phải nỗ lực đuổi kịp sự bùng nổ công nghệ số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm gia tăng các ứng dụng dựa trên nền tảng internet, vạn vật kết nối (IoT), công nghệ không dây, khai thác dữ liệu lớn, công nghệ nano, công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo và rô bốt đã tạo ra các mô thức kinh tế mới mà ở đó mọi thứ đều được nâng tầm công nghệ. Sự lên ngôi các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng trực tuyến và thực tế ảo mang lại nhiều cơ hội. Giờ đây, những người đi du lịch hoàn toàn có thể tự lên kế hoạch chuyến đi cho mình và người thân như đặt chuyến bay, tàu xe, khách sạn, nhà hàng hay các dịch vụ nghỉ dưỡng qua hình thức trực tuyến (online). Đây được xem là xu hướng đang chiếm ưu thế trong ngành du lịch không khói và kinh doanh du lịch trực tuyến. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng. Ngoài ra, doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng 14% và đạt khoảng 565 tỷ USD. Tại Đông Nam Á, Google dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến sẽ tăng mạnh từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025.
Tamara Lohan, đồng sáng lập và quản lý công nghệ của trang web đặt khách sạn trực tuyến Mr&Mrs Smith nói: “Số hóa cho chúng ta nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết trong khi số người đi du lịch ngày càng nhiều. Các công ty như công ty khởi nghiệp Airbnb, đã xây dựng mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch với hệ thống đặt phòng, nhà ở online khuyến khích giới trẻ khám phá thế giới, bằng những hình thức thuận tiện và chi phí hiệu quả nhất. Số hóa và các thiết bị công nghệ cung cấp đa dạng thông tin, như về điểm đến, địa điểm xuất phát, lịch trình chuyến đi chỉ trong vài giây và thôi thúc nhu cầu du lịch càng nhiều”. Kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 với hình thức “du lịch thông minh” giúp cho việc kinh doanh được nhanh chóng, thuận tiện, rút ngắn khoảng cách về không gian (địa lý), thời gian, tăng hiệu quả, năng suất lao động. Các công ty kinh doanh du lịch nắm bắt các cơ hội, tiện ích vượt trội từ cuộc cách mạng công nghệp 4.0 để cải thiện chất lượng dịch vụ, giá cả hấp dẫn, theo kịp phát triển công nghệ để thu hút một lượng lớn khách hàng sử dụng công cụ trực tuyến cho chuyến đi của mình. Stephan Croix, phó chủ tịch tiếp thị của tập đoàn quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới Starwood cho biết, họ vừa lập chương trình “Let’s chat” (Hãy trò chuyện), giúp khách hàng liên lạc với nhân viên trực mạng của Starwood qua các ứng dụng tin nhắn WhatsApp, Blackberry trước khi khách chọn dịch vụ của Starwood.
Trong khi đó, đến với Henn-na (Nhật Bản), một trong những khách sạn rô bốt đầu tiên trên thế giới, du khách sẽ không khỏi kinh ngạc với các nhân viên khách sạn là những rô bốt thông minh đảm nhiệm nhiều công việc, từ lễ tân tới các vệ sinh cửa sổ, dọn phòng, đầu bếp, phục vụ bàn, thậm chí là bảo vệ khách sạn. Chúng có gương mặt dễ thương để tạo cảm giác gần gũi với khách hàng.
QUỐC HƯNG