Du lịch vùng sâm

VĨNH LỘC 01/04/2018 10:15

Sở hữu nhiều lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, đặc biệt là thương hiệu sâm Ngọc Linh nổi tiếng, du lịch Nam Trà My đang có những khởi đầu đầy hứa hẹn để trở thành điểm nhấn lan tỏa thúc đẩy du lịch vùng tây nam của tỉnh phát triển.

Du khách nước ngoài tại một phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.LỘC
Du khách nước ngoài tại một phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.LỘC

Điểm nhấn từ sâm

Việc đoàn du khách nước ngoài gần 50 người đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh đầu năm 2018 đã trở thành sự kiện mang tính “bước ngoặt” của du lịch Nam Trà My. Nhiều du khách đã thật sự ngạc nhiên khi biết nơi đây có một loại dược liệu quý giá có thể sánh ngang và hơn nhiều loại sâm trên thế giới. Bà Lisa đến từ New York, Mỹ tỏ ra chăm chú khi nghe giới thiệu về công dụng và giá trị của sâm Ngọc Linh để rồi vỡ òa thích thú: “Thật tuyệt vời, tôi không nghĩ các bạn có một loại dược liệu quý như vậy, dù không rẻ chút nào nhưng chắc chắn tôi phải mua một ít mang về làm quà”. Trong hành trình du lịch lần này, đoàn khách Mỹ còn chiêm ngưỡng, khám phá nhiều danh thắng thiên nhiên Nam Trà My như thác nước 5 tầng, suối nước nóng Trà Don, đặc biệt là trải nghiệm cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Xê Đăng, Ca Dong, Bh’noong, Co... “Các bạn đang có trong tay nhiều tài sản quý, hãy giữ gìn và phát huy nó. Hy vọng một ngày không xa tôi sẽ có dịp quay lại nơi đây” - bà Lisa nhắn nhủ.

Trong vài năm gần đây, nhất là từ khi thương hiệu sâm Ngọc Linh được quảng bá rộng rãi, cái tên Nam Trà My cũng bắt đầu được nhiều công ty lữ hành và du khách khắp nơi chú ý. Theo ông Lê Văn Mai – Trưởng phòng VHTT, huyện đang triển khai làm công tác quy hoạch gắn thế mạnh cây sâm với bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc để làm du lịch. Nam Trà My bên cạnh cây sâm còn sở hữu nhiều tiềm năng về thiên nhiên và nhân văn, từ sông suối, hang động hoang sơ đến các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh kỳ thú… Đặc biệt, các giá trị văn hóa, lễ hội mang đậm sắc thái vùng miền, thể hiện rõ nét qua đời sống tâm linh, sinh hoạt truyền thống của dân tộc thiểu số như cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ cúng lúa kho, lễ hội cồng chiêng, đám cưới cổ, mừng nhà mới, tết… Đó còn là các trò chơi, diễn xướng, những phong tục, tín ngưỡng, nghi lễ, các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân ca, hát múa, nhạc cụ… của cộng đồng dân tộc sinh sống trên mảnh đất này.

Tín hiệu khả quan

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, bên cạnh việc rà soát, thống kê các tiềm năng du lịch tại địa phương, thời gian qua huyện cũng đã triển khai các hướng đi cấp thiết như xây dựng kế hoạch đầu tư bảo tồn làng văn hóa, phục hồi và duy trì các làng nghề; hỗ trợ tu sửa kiến trúc nhà truyền thống; khôi phục các lễ hội, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, tri thức dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cùng với đó, công tác bảo vệ, tôn tạo các danh lam, thắng cảnh tự nhiên, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực của người dân về phát triển du lịch cộng đồng hướng đến sự phát triển bền vững cũng được tiến hành đồng bộ. “Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng làng văn hóa của 3 dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong; nghiên cứu và phục dựng các lễ hội truyền thống; xây dựng, hoàn thiện mô hình làng nghề truyền thống ở một số xã nhằm hoàn thiện phát triển một số loại hình du lịch trọng điểm” - ông Bửu cho biết. 

Cũng theo ông Bửu, sau khi chính phủ đồng ý phê duyệt đề án quy hoạch vùng sâm Ngọc Linh tại 7/10 xã của huyện, đã có hơn 50 doanh nghiệp và 3 tập đoàn đăng ký đầu tư. Riêng đề án phát triển du lịch trên vùng sâm cũng đã xác định cụ thể những sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương như du lịch thiên nhiên, nghỉ dưỡng; du lịch sức khỏe; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng, văn hóa; trải nghiệm vùng trồng sâm, rừng nguyên sinh; du lịch về nguồn cách mạng… “Một số doanh nghiệp đã gửi công văn xin được đến tìm hiểu, đầu tư xây dựng sản phẩm như thung lũng hoa, trồng dược liệu, thiết lập tour tuyến tham quan. Huyện sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư với sản phẩm chủ đạo là du lịch vùng sâm. Từ những tín hiệu khả quan trên, hy vọng trong tương lai du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Nam Trà My, đồng thời cũng phù hợp với Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trên vùng tây của tỉnh” - ông Bửu nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch vùng sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO