Xu hướng phát triển đô thị trong thời đại mới là không tập trung mà phải phân tán và giãn cách. Vì vậy, du lịch vùng ven đô ngày càng trở thành xu hướng thích hợp với mục tiêu “xanh”, bền vững ở Hội An.
Mở rộng không gian
Trong định hướng phát triển ngành kinh tế du lịch của TP.Hội An, lãnh đạo thành phố tiếp tục chỉ đạo mở rộng không gian phát triển du lịch gắn với khai thác các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Triển khai nhanh phương án du lịch cộng đồng ở làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, tổ chức tuyến tham quan nội vùng và liên vùng xã Cẩm Kim, sắp xếp các điểm du lịch tại các làng gốm Thanh Hà, Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm.
Đồng thời khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới ngoài lĩnh vực lưu trú và tại các vùng ven, làng quê, làng nghề, hải đảo; xúc tiến một số dự án du lịch mới ở các khu dân cư ven đô thành phố.
Định hướng này góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch mới, phát triển loại hình du lịch khám phá sinh thái vùng ven thành phố, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách trong nước cũng như quốc tế, giảm tải lượng khách đối với Khu phố cổ Hội An…
Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hội An cho rằng, gần đây những tour trải nghiệm đã mang lại hiệu quả rất tốt, chẳng hạn như một ngày làm nông dân Trà Quế, cày bừa ở Cẩm Thanh, đi du lịch ở vùng ven nông thôn, rồi chuốt gốm, làm đèn lồng… Các hoạt động du lịch trải nghiệm đã mang lại sự thích thú đối với nhiều du khách.
Thực tế, hoạt động du lịch của Hội An sau 2 năm bùng phát dịch Covid-19 càng cho thấy thế mạnh của loại hình du lịch này. Khách từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các vùng, miền trong cả nước đi du lịch Hội An đều thích về với vùng ven, tìm đến những cơ sở lưu trú ở ngoại ô thành phố để có những giờ phút nghỉ ngơi, thư giãn bình yên.
Những vùng sông nước, ruộng đồng, vườn cây, ao cá ở Thanh Đông, Thanh Tam, Vạn Lăng (xã Cẩm Thanh); An Mỹ, Thanh Tây (phường Cẩm Châu); Trà Quế (xã Cẩm Hà)… gần đây là những điểm check-in được đông đảo du khách tìm đến để trải nghiệm.
Phù hợp xu thế
Ở xã Cẩm Thanh, tuy chỉ mới phát triển ba năm gần đây nhưng rừng dừa Bảy Mẫu đã thực sự trở thành điểm du lịch sinh thái ấn tượng và hấp dẫn. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm bơi thuyền thúng, bắt tôm, cá với các loại lưới, chài cùng những người dân chân chất ở nơi này.
Ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết: “Ngoài khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu được du khách và các đơn vị lữ hành chọn là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, các điểm du lịch khác như làng rau hữu cơ Thanh Đông, Đồng Giá hay các tuyến du lịch Sông Đình, các tuyến du lịch bằng xe đạp… là những sản phẩm được khách ưa thích”.
Cẩm Thanh tiếp tục thu hút một số doanh nghiệp, đơn vị du lịch về cùng với địa phương và cộng đồng cư dân tổ chức các tour du lịch khám phá rừng dừa, trải nghiệm đời sống vùng sông nước, tìm hiểu các giá trị văn hóa, ẩm thực và sản xuất nông - ngư nghiệp nội vùng.
Trong bối cảnh Khu phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới và là trung tâm du lịch của thành phố những năm qua bị quá tải do giới hạn không gian nhỏ hẹp và quá tải khi lượng khách tham quan, tìm hiểu ngày càng tăng cao thì các vùng ngoại ô thành phố như Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Hà… sẽ là điểm đến mới lạ.
Ở phường ven đô Cẩm Châu hiện còn 180ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 40ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái đầy tiềm năng và lợi thế.
Gần đây, chính quyền đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng khu vực, gắn kết sản xuất với phục vụ du lịch, nhất là du lịch khám phá vùng quê sinh thái nên người dân tham gia có điều kiện được hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhận định: “Hiện nay, du khách đến không chỉ muốn ở khách sạn, ở đô thị mà còn muốn tìm hiểu các giá trị tài nguyên của vùng đất. Đồng thời, họ còn muốn tìm lại các giá trị văn hóa của làng, sinh hoạt của cộng đồng làng, nếp sống của làng, tức là tình làng nghĩa xóm, sự thân thiện, quan tâm lẫn nhau và cộng đồng trách nhiệm”.