Chặng đường phát triển du lịch xanh Quảng Nam theo Kế hoạch 5177 của UBND tỉnh đã đi được 2 năm và các chủ thể liên quan còn quá nhiều điều phải làm để định hướng này có thể lan tỏa.
Vướng mắc từ bộ tiêu chí
Sau một nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch 5177, du lịch xanh Quảng Nam bước đầu ghi nhận 11 doanh nghiệp đạt được chứng nhận của Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam (gọi tắt là bộ tiêu chí) vào cuối năm 2022. Đến thời điểm này, có thêm hơn 20 đơn vị nộp hồ sơ tham gia và hội đồng thẩm định sẽ sớm tổ chức đánh giá.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Tổng Quản lý Công viên Ấn tượng Hội An cho hay, đơn vị rất quan tâm đến định hướng phát triển du lịch xanh và sẽ tham gia để được đánh giá theo bộ tiêu chí trong thời gian tới.
Dù vậy, vẫn còn những băn khoăn về bộ tiêu chí này, cụ thể trường hợp của Công viên Ấn tượng Hội An sẽ đánh giá theo lĩnh vực nào khi tổng hợp cả điểm tham quan và lưu trú.
Ngoài ra, tiêu chí về quản lý nhân sự cũng sẽ gặp vướng một khi đánh giá bởi đơn vị có một số diễn viên nhỏ tuổi hoạt động trình diễn nghệ thuật dù có hợp đồng theo đúng quy định.
Còn theo ông Trần Thái Do - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas, chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort, bộ tiêu chí này cần cập nhật một vài điểm để hướng tới cảm xúc của khách hàng hơn. Đơn cử như một số tiêu chí tiết giảm liên quan đến sinh hoạt của khách nếu thực hiện sẽ giúp đơn vị tiết kiệm nhưng lại ảnh hưởng đến sự thoải mái của du khách.
Không chỉ doanh nghiệp, ngay cả Sở VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và một số địa phương trong tỉnh cũng nêu thêm nhiều vướng mắc của bộ tiêu chí như: thiếu bộ tiêu chí đánh giá cho lĩnh vực nhà hàng - cửa hàng lưu niệm, nhận diện của du khách đến chứng nhận rất thấp…
Và quan trọng nhất vẫn là chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, khu điểm du lịch chuyển đổi các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ đáp ứng theo yêu cầu của bộ tiêu chí hoặc mô hình du lịch xây dựng theo tiêu chí xanh, bền vững.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành bộ tiêu chí đánh giá du lịch xanh cấp tỉnh nên không thể tránh khỏi những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thời gian thực hiện kế hoạch còn khoảng 2 năm nữa nên sở sẽ tiếp thu, rà soát để cập nhật, chỉnh sửa phù hợp.
Cần xác định yếu tố ưu tiên
Được tham khảo từ nhiều bộ tiêu chí phát triển du lịch xanh trên thế giới, về căn bản bộ tiêu chí du lịch xanh của Quảng Nam là cơ sở tương đối bài bản để thẩm định năng lực du lịch xanh của địa phương. Dù vậy, cần phải nhìn nhận thương hiệu của bộ tiêu chí này vẫn chưa thể tạo ra sức hút đáng kể với du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, rõ ràng mục tiêu trong phát triển du lịch xanh cũng như định vị bộ tiêu chí là hướng đến tầm quốc tế chứ không chỉ trong phạm vi hạn hẹp. Do đó rất cần tiếp thu những kinh nghiệm, cách làm hay để lan tỏa cho được bộ tiêu chí này.
Bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó phòng VH-TT Hội An đề xuất, cơ quan chức năng cần làm việc với các đại lý du lịch trực tuyến để quảng bá mạnh hơn bộ tiêu chí, có giải pháp để họ ưu tiên quảng bá, hiển thị các cơ sở lưu trú, điểm đến tiếp cận thực hành du lịch xanh để các đơn vị này được hưởng lợi nhờ việc tham gia bộ tiêu chí.
Theo ông Văn Bá Sơn, từ nay đến năm 2025 sở sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án hỗ trợ phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2030. Triển khai hoạt động liên kết với các tỉnh lân cận, các địa phương và ban ngành liên quan trong tỉnh để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch xanh, tạo thành tour du lịch xanh để tăng thêm sức hút.
Còn theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, để nâng tầm tiêu chí của Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam rất cần thúc đẩy hợp tác công tư. Ngoài ra, để mở rộng sự tham gia của các đơn vị với du lịch tỉnh cần nghiên cứu vận động xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp và quỹ phát triển du lịch xanh.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói: “Dĩ nhiên nếu đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch xanh là điều rất tốt. Thế nhưng trong bối cảnh các nguồn lực hỗ trợ hạn hẹp như hiện nay, chính quyền cần xác định yếu tố ưu tiên để thúc đẩy du lịch xanh trong ngắn hạn. Theo tôi trước mắt cần tập trung về truyền thông và thúc đẩy thị trường hóa sản phẩm du lịch xanh”.