Bỏ ngỏ du lịch đường sông

HÀ SẤU 16/05/2021 04:26

Du lịch sông nước từ lâu được xác định là một lợi thế để phát triển du lịch Quảng Nam, mặc dù vậy đến nay vì nhiều lý do loại hình du lịch xanh, gắn với thiên nhiên này vẫn chưa tạo được thương hiệu.

Sông Cổ Cò đoạn qua TP.Hội An rất hữu tình nhưng hoạt động du lịch vẫn bỏ ngỏ do chưa thông toàn tuyến. Ảnh: H.S
Sông Cổ Cò đoạn qua TP.Hội An rất hữu tình nhưng hoạt động du lịch vẫn bỏ ngỏ do chưa thông toàn tuyến. Ảnh: H.S

Nhiều ách tắc

Vùng đông Quảng Nam sở hữu mạng lưới sông liên hoàn, sở hữu nhiều hệ sinh thái giá trị về cảnh quan tự nhiên, văn hóa bản địa. Tuy nhiên, hiện sông Cổ Cò và sông Trường Giang, hai con sông có tiềm năng rất lớn về kết nối vùng thúc đẩy du lịch hiện nhiều đoạn đã bị bồi lấp, còn quá trình nạo vét thì đang dang dở.

Ông Nguyễn Phúc Tiến - Giám đốc Phân viện Quy hoạch đô thị và nông thôn miền Trung (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) chia sẻ, ở Điện Bàn có đến 24 dòng sông lớn, nhỏ chảy qua nên cần sớm thiết lập hành lang xanh để tạo ra thương hiệu cho đô thị, tạo ra sự khác biệt để thu hút du khách đến với địa phương. 

Nếu hoàn thiện được mạng lưới du lịch qua Điện Bàn, thì du khách từ Đà Nẵng có nhiều lựa chọn du ngoạn vào Hội An bằng đường thủy qua tuyến Cổ Cò; tuyến Vĩnh Điện xuống Lai Nghi hoặc từ sông Vĩnh Điện thông thẳng ra sông Thu Bồn.

Trên thực tế, ngoài tuyến du lịch sông Thu Bồn ngang qua Điện Bàn thì các tuyến còn lại hoặc sông bị ô nhiễm không phù hợp làm du lịch hoặc lòng sông quá cạn khiến các tàu du lịch không thể di chuyển như phản hồi từ các đơn vị lữ hành.  

Sông Hoài, chảy qua trung tâm phố cổ Hội An vốn là tuyến nhộn nhịp hoạt động du lịch lâu nay hiện cũng gặp trục trặc trong quá trình vận hành, khai thác.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay, chỉ một tuyến sông Hoài chảy qua địa phận Hội An nhưng hiện có nhiều đơn vị quản lý, trong đó có Cục Đường thủy nội địa (Bộ GT-VT).

Vì vậy, thành phố rất mong tỉnh hỗ trợ về pháp lý, hồ sơ thủ tục cũng như kinh phí để nạo vét sông Hoài và đoạn sông Thu Bồn tại bến tàu đường Nguyễn Hoàng vào sông Hoài để phát triển, đảm bảo an toàn du lịch đường thủy cho du khách tham quan tuyến này.

Ngoài ra, do có một thời gian lượng khách đến Hội An tăng trưởng nóng cộng với sở thích của một bộ phận khách Đông Bắc Á kéo theo số lượng ghe tự phát trên sông Hoài gia tăng, đèn lồng ánh sáng trang trí không phù hợp với đặc trưng bản địa.

Đến nay, lực lượng chức năng thành phố đã nhiều lần chấn chỉnh, quy hoạch lại hoạt động du lịch trên tuyến thủy này nhưng vẫn chưa triệt để. Thống kê từ UBND TP.Hội An cho biết, hiện trên sông Hoài có khoảng 300 ghe bơi. 

Nghèo nàn sản phẩm

Hiện nay, các hoạt động du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh chủ yếu dừng ở mức tham quan, vãn cảnh. Trong khi xu thế của du lịch chú trọng vào hoạt động trải nghiệm.

Cách đây vài năm, sản phẩm “chèo thuyền vớt rác trên sông” được Hoi An Kayah Tours tạo ra nhanh chóng được du khách đón nhận. Điều này cho thấy dư địa phát triển du lịch đường sông rất lớn, nếu biết lồng ghép các yếu tố sáng tạo vào trong sản phẩm.

Ở một số khu vực như sông Đò (Hội An), sông Đầm (Tam Kỳ), phía nam sông Trường Giang… công tác bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên được duy trì tốt để phục vụ cho định hướng phát triển du lịch. Tồn tại ở các điểm đến này là chưa thu hút được doanh nghiệp, đơn vị lữ hành đủ năng lực khai thác, tạo ra sản phẩm trải nghiệm thực sự chất lượng. 

Ông Nguyễn Văn Lanh đề xuất, tỉnh cần hỗ trợ thành phố khảo sát, quy hoạch, hoàn chỉnh hạ tầng để phát huy các sản phẩm du lịch đường thủy nội địa tại Hội An và từ Hội An lan tỏa đi các địa phương vùng tây qua Thu Bồn và về phía nam bằng ngả sông Trường Giang.

Còn ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, văn hóa sông đối với Hội An nói riêng và cả tỉnh nói chung rất quan trọng. Nhiều chợ, làng mạc, đô thị, thương cảng đều hình thành bên sông nên đã lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo, đó là điều du khách rất mong muốn khám phá khi du lịch đến đây.  

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh gợi mở, khi thí điểm đón khách quốc tế trở lại về các khu lưu trú biệt lập trong thời gian sắp tới có thể nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du ngoạn đường sông và tổ chức không gian sinh hoạt, trải nghiệm ngay trên các gò bãi. Điều này vừa thân thiện với thiên nhiên, vừa an toàn cho cộng đồng, đồng thời tạo ra được sản phẩm mới mới mẻ cho ngành du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bỏ ngỏ du lịch đường sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO