Cơ hội nào cho "vùng lõm" du lịch?

QUỐC TUẤN 03/01/2023 06:33

(VHQN) - Tín hiệu tích cực từ Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 vẫn chưa đủ để trở thành cú hích kéo một số điểm đến, danh thắng ở phía nam, phía tây của tỉnh vào vòng quay du lịch.

Nhiều danh thắng nằm xa khu vực có hoạt động du lịch phát triển rất khó tạo ra sức bật do tính mùa vụ cao cũng như không định vị được phân khúc khách hàng tiềm năng. Trong ảnh: Một góc thác Suối Mưa ở Hiệp Đức. Ảnh: Q.T
Nhiều danh thắng nằm xa khu vực có hoạt động du lịch phát triển rất khó tạo ra sức bật do tính mùa vụ cao cũng như không định vị được phân khúc khách hàng tiềm năng. Trong ảnh: Một góc thác Suối Mưa ở Hiệp Đức. Ảnh: Q.T

Ngày vui một thoáng

Xét về tài nguyên, Quảng Nam nhìn đâu cũng thấy di tích, danh lam thắng cảnh (Quảng Nam có 125 tài nguyên du lịch) để khai phá, thúc đẩy du lịch. Từ lâu, tỉnh cũng đã có chủ trương lan tỏa du lịch về phía nam và phía tây để góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Dù vậy, nhìn tổng thể, du lịch địa phương vẫn chưa thể thoát khỏi “tấm áo” du lịch di sản với hai hạt nhân là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, dù cho Năm du lịch quốc gia đã thổi một “làn gió mát” qua nhiều điểm đến.

Không kể TP.Hội An, mỗi sự kiện du lịch là một cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh ở điểm đến vốn chưa in dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách. Nhờ chuỗi hoạt động Năm du lịch quốc gia, làng Pơr’ning (Tây Giang) đã có một ngày vui khi được đón nhiều cơ quan truyền thông trên khắp thế giới đến tham gia chương trình “Trải nghiệm Quảng Nam” đợt tháng 6/2022.

Hay đến tháng 8, làng du lịch cộng đồng Đại Bình ở một vài thời điểm đã rơi vào trạng thái quá tải sức chứa khi du khách dập dìu về trẩy hội “Ngày hội văn hóa - du lịch Đại Bình”…

Nhưng có thực tế đáng suy ngẫm, sau khi sự kiện tàn cuộc thì hầu hết điểm đến lại rơi vào trạng thái im ắng. Hơn 4,4 triệu lượt du khách đến Quảng Nam trong năm vẫn tập trung vào TP.Hội An cũng như tại các sự kiện thuộc Năm du lịch quốc gia 2022. Dịch bệnh COVID-19 là một lý do nhưng không thể khỏa lấp hết những rào cản hiện nay nơi các điểm đến mới của Quảng Nam.

 Không phải là không có những động thái kết nối cũng như sự hỗ trợ tích cực từ các bên liên quan. Đơn cử, sự đồng hành của tổ chức phi chính phủ với một số điểm đến ở Tây Giang; xúc tiến liên kết với doanh nghiệp từ UBND huyện Nông Sơn; hay như 3 địa phương Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành cũng tích cực hợp tác, làm việc cùng đơn vị tư vấn để định vị lại đường đi cho du lịch phía nam. Dù vậy đến nay kết quả vẫn chưa khả quan.

Gian nan con đường khai phá tiềm năng

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, điểm nghẽn lớn hiện nay ở các khu vực “lõm” du lịch của tỉnh là hầu như chưa có doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp bản địa nào dấn thân để khai phá các giá trị đặc sắc ở đây.

Trẩy hội Thu Bồn. Ảnh: Đặng Kế Đông
Trẩy hội Thu Bồn. Ảnh: Đặng Kế Đông

Thời gian qua, ngành du lịch đã tích cực xúc tiến quảng bá các điểm đến tiềm năng của tỉnh ở nhiều nơi nhưng những chủ thể làm du lịch ở các khu vực này cũng chưa mặn mà đồng hành.

Khá đáng tiếc khi vừa qua, đề án “Hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam đến năm 2025” vốn được kỳ vọng tạo ra thêm sức bật cho các điểm đến tiềm năng đã không được thông qua.

Theo ông Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam), ở các vùng giàu tiềm năng nhưng du lịch chưa thực sự phát triển thì chúng ta vẫn đang ở thế khó với bài toán du lịch có trước hay hạ tầng có trước.

“Nên chăng các điểm đến ở vùng sâu, vùng xa còn ít người biết tại Quảng Nam cần hướng đến tệp khách du lịch phượt thích khám phá thiên nhiên và văn hóa. Từng bước một, phân khúc khách này sẽ lan tỏa và giúp điểm đến hoàn thiện hơn.

Dần dần, chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương sẽ cảm nhận được lợi ích và giá trị từ du lịch mang lại để thích ứng và đưa ra quyết định phù hợp về việc có thực sự cần phát triển du lịch hay không” - ông Lê Quốc Việt gợi mở.

Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên - chuyên gia phát triển các sản phẩm du lịch, Viện Phát triển công nghệ xanh (đơn vị tư vấn phát triển liên kết du lịch Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành) cho rằng, danh lam thắng cảnh hay tài nguyên văn hóa giàu bản sắc thì mới chỉ là tài nguyên du lịch “cứng”.

Bây giờ muốn xây dựng phong phú các chương trình, tô điểm thêm từ các giá trị đó thì cần sản phẩm bổ trợ từ cộng đồng. Chính cộng đồng tham gia hoạt động du lịch mới tạo ra, duy trì nội lực cho điểm đến.

“Khi phát triển du lịch ở các khu vực này trước hết phải hướng đến bảo vệ môi trường, bảo tồn nguyên bản các giá trị văn hóa địa phương thì mới có cơ hội tiếp cận kinh tế du lịch bền vững.

Cần làm sao để du khách đến không chỉ nhìn, nghe, thưởng thức mà còn được tham gia những hoạt động đặc trưng nhất của vùng đất đó, mới chạm đến cảm xúc nơi du khách, từ đó lan tỏa điểm đến một cách bền vững” - bà Nguyên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội nào cho "vùng lõm" du lịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO