Đi nơi khác và nghĩ về chốn cũ

HOÀNG LỢI 23/06/2023 21:43

(ĐS 21/6) - Tôi có dịp được đi nhiều nơi trong và ngoài nước. Mỗi nơi một vẻ và trải nghiệm cũng ít nhiều khác nhau. Nhưng khi được hỏi những nơi nào đủ ấn tượng để mình có thể quay trở lại, thì không nhiều. Có thể kể đến Luang Prabang của Lào và Chiang Mai của Thái Lan.

Phố ở Luang Prabang. Ảnh: VIÊN TĂNG
Phố ở Luang Prabang. Ảnh: VIÊN TĂNG

Quyến rũ vì sự riêng có

Luang Prabang (Lào) một thành phố nằm ở trung lưu sông Mê Kông, phía bắc nước Lào, từng là cố đô của vương quốc Lan Xang (nước Triệu Voi). Ấn tượng đầu tiên khi đến Luang Prabang là nét rêu phong cổ kính của những con phố cổ đổ dài, trầm mặc theo bóng nắng.

Dăm hàng hoa sứ được trồng đều tắp trước mỗi nhà. Khu phố được giữ gìn tinh tươm, dù là nhà dân hay chùa chiền, dù là tiệm café hay khu phố bán bia cho khách Tây. Bảng hiệu cũng được sắp xếp vừa vặn và dễ chịu. Cây cối trước nhà hay ở các lối đi được chăm chút, cắt tỉa gọn gàng.

Dãy phố thắp đèn lồng lung linh về đêm khiến Luang Prabang giống với Hội An, Việt Nam. Những con dốc uốn lượn, dẫn lên chùa Wat Phuosy làm gợi nhớ đến những con đường đèo ở Sapa, bên dưới những quán nhỏ nghi ngút khói.

Leo lên núi còn được chiêm ngưỡng những mái ngói đỏ nhấp nhô cuộn mình theo dòng Mê Kông. Bóng mặt trời đổ xuống ngay đoạn ngã ba sông hợp lưu giữa sông Nam Khan và sông Mê Kông nhìn từ núi Wat Phousi dát vàng lên cố đô Luang Prabang đẹp đến nao lòng.

Nét quyến rũ của Luang Prabang còn nằm ở không khí và đời sống thong thả. Đường có thể đông nhưng luôn mang vóc dáng yên tĩnh. Người dân chạy xe chậm và hầu như không bao giờ nhấn còi.

Đi bộ dạo quanh Luang Prabang, thấp thoáng nhìn qua vẫn còn đó hơi thở lối sống xưa cũ. Những nhà sư mặc áo cam đi khất thực thành hàng dài qua các con phố cổ vào mỗi sáng sớm. Những cụ già Lào ngồi uống nước trông ra phố, hay chơi đùa với con nít hay trong sân chùa, các sư tiểu quét dọn chùa hay pha trò với nhau.

Một thành phố khác, Chiang Mai nằm bên bờ sông Ping, phía bắc Thái Lan, cũng từng là cố đô của vương quốc Lan Na, được xây dựng từ thế kỷ 13. Dấu tích lịch sử của kinh thành cổ vẫn còn nguyên vẹn, được quy hoạch theo bàn cờ vuông vức, những bức tường nâu cam chạy dọc theo dòng sông trung tâm.

Sự hấp dẫn của Chiang Mai còn đến từ khung cảnh xanh mướt, bình yên thơ mộng của những thung lũng màu mỡ, ruộng lúa bát ngát đan xen cùng các ngọn đồi uốn lượn.

Chiang Mai cũng là trung tâm Phật giáo khi có tới 300 ngôi đền, chùa, trong đó Wat Chiang Mai lâu đời nhất và được mệnh danh là “nền tảng của thành phố” do chính vua Mengrai xây dựng làm nơi trú ngụ vào năm 1296.

Nhưng điều ấn tượng nhất ở Chiang Mai chính là các khu làng vẫn giữ trọn vẹn nét truyền thống với trang phục bộ lạc sặc sỡ. Đời sống người dân ít nhiều vẫn giữ được sự tự nhiên, như chưa bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại.

Chiang Mai vẫn duy trì truyền thống làm thủ công nhiều mặt hàng như lụa, gỗ, bạc, gốm với giá cả phải chăng. Tại các khu chợ, giá bán sản phẩm cho khách trong nước và khách nước ngoài đều như nhau. Người dân Thái vẫn nở nụ cười và nói những câu ngọt ngào, nhẹ nhàng.

Để khách thèm trở lại

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp với nguồn thu chính từ hoạt động thương mại và dịch vụ. Khách hàng chính là những người từ nơi khác đến, muốn trải nghiệm những điều mới lạ, hay đơn giản là để chơi, để ăn, để mua sắm, nhìn ngắm cuộc sống tại địa phương, từ đó mà làm mới cảm xúc của bản thân.

Những người làm du lịch có thể dễ dàng đặt ra những tiêu chí như số lượng du khách, doanh thu các hoạt động giải trí, mua sắm, số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ nhà hàng, khách sạn, số lượng tour du lịch được tổ chức, các lễ hội được hằng năm làm thước đo cho sự thành công. Nhưng có một tiêu chí có vẻ khó khăn hơn, là sự hài lòng của khách hàng. Họ có quay trở lại không và nếu có thì vì điều gì?

Hơn hai mươi năm từ lúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, rất nhiều nỗ lực quảng bá, phát triển du lịch, Hội An đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước và trên thế giới.

Chính quyền địa phương đạt được một số thành công trong việc giữ gìn bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, duy trì cảnh quan nông nghiệp, các hoạt động văn hóa địa phương.

Thật tuyệt vời khi những thứ đặc trưng nhất của Hội An vẫn còn đó, các món ăn đặc sắc tại địa phương, kiến trúc Việt, Trung, Nhật còn lưu giữ dáng dấp trong tiến trình phát triển chung.

Văn hóa sông nước hạ nguồn Thu Bồn vẫn được gìn giữ ít nhiều từ nghề trồng lúa, trồng hoa màu, đánh bắt thủy sản, các làng nghề truyền thống như nghề làm gốm, đúc đồng... Các lễ hội truyền thống từ xa xưa được tạo điều kiện để tiếp tục dẫu không còn tự nhiên như là một phần của đời sống lao động thuở xưa. Đó dù sao cũng là điều may mắn.

Tuy nhiên, mệnh đề làm du lịch để gìn giữ hay phát triển, bền vững hay không bền vững luôn cần đặt ra, nếu không rõ ràng sẽ rơi vào kiểu làm du lịch phong trào. Trải nghiệm của khách du lịch rất có thể sẽ là thước đo chính cho thành công của người làm du lịch.

Điều đó đến từ việc họ được trải nghiệm những thứ tự nhiên, truyền thống, những văn hóa tốt đẹp, tích cực của người bản địa. Và khách có mong muốn được trở lại, thèm trở lại.

Đi nhiều nơi, chúng tôi nhận ra rằng, nếu việc tổ chức du lịch khoa học, bài bản, để mang lại những trải nghiệm đặc sắc, không chỉ quan tâm đến công việc quảng bá mà còn phát huy, bảo tồn được những đặc sắc riêng của địa phương thì du lịch ở đó thành công. Việc quy hoạch tổ chức hệ sinh thái du lịch cũng sẽ trở nên chủ động, có lộ trình, không còn bị những lúng túng, bất cập, làm xấu đi hình ảnh trong mắt du khách.

Ngoài Hội An và Mỹ Sơn, thì những điểm đến khác của Quảng Nam, bao nhiêu khách đã đến và muốn trở lại là một câu hỏi khó trả lời…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi nơi khác và nghĩ về chốn cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO