Doanh nghiệp du lịch giữa bộn bề gian khó

TRỊNH DŨNG - QUỐC TUẤN 15/05/2022 07:23

Có thể thấy tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của ngành du lịch trong 2 tháng gần đây. Nhưng chừng đó là chưa đủ để bù đắp khó khăn 2 năm qua và sẽ cần nhiều hơn sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với nỗ lực tự thân của doanh nghiệp du lịch.

Du lịch Hội An phần nào khởi sắc từ đầu năm 2022 nhờ lượng khách nội địa tăng trưởng tốt. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du lịch Hội An phần nào khởi sắc từ đầu năm 2022 nhờ lượng khách nội địa tăng trưởng tốt. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

TRỞ MÌNH TRONG GIAN KHÓ

Du lịch mở cửa thoáng dần, du khách hết e dè, nhiều doanh nghiệp du lịch bắt đầu được tiếp “một ít oxy” để trở mình. Dù vậy lắm bộn bề khó khăn vẫn bủa vây những người làm du lịch, mà khó lòng có thể khắc phục trong một sớm, một chiều.

Những ngày  khấp khởi

Thời điểm 15.3.2022 được nhớ đến không chỉ là lúc nước ta chính thức mở cửa du lịch quốc tế trở lại sau 2 năm mà được ví như cột mốc “cởi trói” cho tâm lý khách du lịch, nhất là khách nội địa. Cảm giác e dè cho một chuyến du lịch gần như đã được rũ bỏ.

Dịp Giỗ tổ Hùng Vương, Quảng Nam đón hơn 60 nghìn lượt khách tham quan, lưu trú. Đến dịp lễ 30.4 & 1.5, con số này tăng vọt lên khoảng 200 nghìn lượt. Trong đó, riêng lượng khách lưu trú đã gần bằng so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Thống kê tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng thu từ dịch vụ lưu trú - ăn uống trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.795 tỷ đồng (tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021).

 

Nhận thấy sự “ấm lên” của thị trường lưu trú, từ đầu tháng 3 đến nay, hầu hết khách sạn, resort cao cấp trên địa bàn tỉnh đều vận hành trở lại hoặc ra mắt. Các cơ sở lưu trú còn lại cũng cố gắng đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp để kịp đón khách trong mùa hè này.

Bà Phạm Thị Linh Chi - Chủ tịch Chi hội Villas & Homestay Quảng Nam (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) chia sẻ: “Đã rất lâu những người kinh doanh dịch vụ lưu trú địa phương mới có lại cảm giác như thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Các biệt thự du lịch hầu như kín phòng trước một tuần, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật, kết nối phòng trống từ các đơn vị trong chi hội để đáp ứng nhu cầu của khách”. 

Đúng như dự tính, Hội An vẫn là điểm đến truyền thống ưu tiên của du khách quốc tế cho chuyến du lịch hậu đại dịch. Rất nhiều nhóm khách lẻ ở châu Âu, châu Á đã trở lại ngay sau khi đáp ứng các quy định trong điều kiện bình thường mới.

Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… là những thị trường tiên phong trở lại với miền Trung nói chung và nhất là Đà Nẵng - Hội An nói riêng. Không chỉ là khách du lịch đơn thuần mà còn có nhiều đơn vị lữ hành, các đoàn famtrip nước bạn để thúc đẩy kết nối, khơi lại cung đường du lịch miền di sản đầy thú vị.

Khó khăn vẫn bủa vây

So với các ngành nghề khác, nhóm doanh nghiệp du lịch chịu tổn thất nặng nề nhất vì hoạt động bị ngưng trệ gần như từ năm 2020 đến nay. Và đến thời điểm này doanh nghiệp du lịch Quảng Nam vẫn chưa hết khó.

Chỉ một số nhóm doanh nghiệp về lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí… phần nào đã “dễ thở” hơn. Còn nhóm khác, nhất là lữ hành vẫn vô cùng chật vật bởi thị trường truyền thống lâu nay của Quảng Nam nghiêng về khách quốc tế.

Lượng khách quốc tế ít ỏi chưa thể khiến ngành du lịch Quảng Nam vận hành ổn định trở lại. Ảnh: D.T
Lượng khách quốc tế ít ỏi chưa thể khiến ngành du lịch Quảng Nam vận hành ổn định trở lại. Ảnh: D.T

Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc điều hành Công ty Hội An Express cho hay: “Quy trình vận hành đón khách quốc tế vẫn chưa hoàn toàn trở lại trạng thái như thời điểm năm 2019.

Đơn cử như việc khách phải tự làm visa thay vì có thể giao cho công ty lữ hành như trước kia. Việc này sẽ khiến du khách mất nhiều thời gian hơn, từ đó ảnh hưởng đến việc cân nhắc cho chuyến đi đến Việt Nam”.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị trong điều kiện bình thường mới như hiện nay, cần nghiên cứu tăng thời hạn visa từ 15 lên 30 ngày, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho du khách nhập cảnh. Đồng thời sớm triển khai duyệt nhân sự, cấp visa cho khách du lịch đi lẻ.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, thêm một khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình phục hồi du lịch địa phương và định hướng thị trường.

“Chúng ta hiện không có chiến lược rõ ràng trong việc định hướng thị trường khách hậu đại dịch. Không nhất thiết cứ phải sự kiện lớn mới có thể đem khách về; có thể hành động nhỏ thôi nhưng sâu sắc sẽ mang khách đến” - ông Thanh nói. 

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, cơ sở lưu trú mở cửa hoạt động mới chỉ đạt 85%. Số còn lại chưa biết khi nào đón khách. Chuyện hồi phục của du lịch địa phương vẫn còn mong manh, khi các khó khăn “lưu cữu” của doanh nghiệp vẫn chưa thể gỡ bỏ.

ÁP LỰC ĐÈ NẶNG

Doanh nghiệp du lịch chưa thể khôi phục “sức khỏe” sau 2 năm bị suy kiệt dù thị trường du lịch đã bắt đầu rộng cửa.

Nhiều dự án du lịch trên địa bàn tỉnh đang chậm tiến độ vì những lý do khách quan lẫn chủ quan. Ảnh: D.T
Nhiều dự án du lịch trên địa bàn tỉnh đang chậm tiến độ vì những lý do khách quan lẫn chủ quan. Ảnh: D.T

Mong manh sức đề kháng

Theo nhìn nhận của giới lữ hành, kinh doanh khách sạn, cho dù đã nhận được nhiều đơn hàng, khách quốc tế đã quay trở lại, nhưng chỉ qua con đường quá cảnh Singapore. Sự bất ổn của cuộc chiến Ucraina – Nga vẫn chưa kết thúc. Các hãng bay phải tìm đường vòng tránh vùng chiến sự….

Khách quốc tế “cân nhắc” lên kế hoạch du lịch, thị trường du lịch quốc tế ảm đạm. Không dễ dàng cho khách trở lại Việt Nam như ước định. Và khi thị trường khách chưa ổn định thì “sức khỏe” doanh nghiệp du lịch vẫn hết sức mong manh.

Khảo sát của các cơ quan quản lý, hiệp hội cho thấy hầu hết doanh nghiệp đều thiếu tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, tiền thuê đất, trả tiền vay ngân hàng…

Khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do các điều kiện khắt khe, không hợp lý, quy định hướng dẫn chung chung, thiếu rõ ràng.

Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An thông tin, sau 2 năm đóng cửa, doanh nghiệp đã lỗ hơn 55 tỷ đồng. Doanh nghiệp du lịch nào cũng đang gắng gượng để duy trì hoạt động. Sẽ phải đợi ít nhất vài năm nữa mới thấy sinh khí thực sự của thị trường du lịch. 

Ông Lê Thái Vũ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Làng Lụa Hội An cho hay, doanh nghiệp đã tái hoạt động, nhưng dè dặt, chủ yếu vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Thị trường du lịch vẫn chưa thể phát triển.

Không doanh thu dù cố gắng xoay xở đủ kiểu, đủ hướng. Các khoản dự phòng đều đã được doanh nghiệp sử dụng hết trong 2 năm qua. Vài tháng mở cửa không đủ cho doanh nghiệp khôi phục. Hầu hết doanh nghiệp đều không có khả năng trả nợ đến hạn (gốc và lãi) cho tổ chức tín dụng...

Không dễ tháo gỡ khó khăn 

Các doanh nghiệp du lịch gắng gượng mở cửa. Chính quyền, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều kế hoạch khôi phục ngành du lịch, nhưng thiếu đề án, cơ chế, nguồn lực thực hiện.

Chính sách không tăng mức phí tham quan để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn nguyên giá trị cho đến giờ, nhưng chừng ấy chưa đủ để cứu những doanh nghiệp du lịch chực chờ trước nguy cơ giải thể, phá sản. 

Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay việc tăng giá thuê đất biến động quá cao hay không thể cơ cấu lại thời gian trả nợ (lãi gốc) ngân hàng trong thời điểm khó khăn là những yếu tố đẩy thêm doanh nghiệp du lịch kiệt quệ về kinh tế, gia tăng thua lỗ, mất vốn điều lệ, không có khả năng chi trả.

Không ít đơn xin miễn, giảm… được gửi đến khắp nơi, từ cơ quan quản lý đến chính quyền, đến các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ, nhưng văn bản đi vòng quanh các cơ quan hữu trách. Lý do đơn giản là không một cơ quan nào có đủ thẩm quyền để giải quyết, trừ Chính phủ, Quốc hội.

Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An nói chuyện doanh nghiệp kêu cứu, xin gia hạn thời gian ổn định giá thuê đất hay được hưởng chính sách miễn, giảm 50% giá tiền thuê đất phải nộp năm 2021 đã được xới lên tại các kỳ họp HĐND tỉnh, công văn chính quyền báo cáo Thường trực HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh giảm hệ số thuê đất cho các doanh nghiệp du lịch khi đến kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất hàng năm trong năm 2021 và 2022, trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 và những năm tiếp theo đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Nhưng cho tới giờ vẫn chưa có gì thay đổi.

Có thể thấy những kiến nghị về miễn giảm tiền thuê đất hay cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay của các doanh nghiệp vượt quá thẩm quyền địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói đã thống kê những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục giảm giá điện (nhất là các cơ sở lưu trú) cho đến hết tháng 6.2022. Cho phép doanh nghiệp du lịch đang hoạt động chậm nộp bảo hiểm xã hội, các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho người lao động đến ngày 31.12.2022.

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho doanh nghiệp. UBND tỉnh xem xét hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị để mở cửa đón khách, đào tạo lao động và giải quyết công ăn việc làm.

Áp lực phục hồi khá lớn. Không biết các doanh nghiệp du lịch có tìm thấy được “con đường sáng” nào thông qua một cuộc đối thoại (dự kiến sẽ mở vào ngày 19.5.2022)?

VẪN NGÓNG KHÁCH

Dù nhận được sự hỗ trợ nào đi chăng nữa, lối mở căn cơ nhất để doanh nghiệp du lịch phục hồi vẫn nằm ở… du khách. 

Du khách trải nghiệm đồi chè Đông Giang.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Du khách trải nghiệm đồi chè Đông Giang.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ngành du lịch Quảng Nam tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2015 - 2019 giúp du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng và trên đường hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn.

Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch bất ngờ trở thành sức ép rất lớn khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hơn 90% doanh nghiệp du lịch đóng cửa, 14 nghìn người lao động mất việc làm trong hai năm liên tục vì vắng bóng du khách. Phần đông doanh nghiệp mới chỉ vận hành với chưa đến 50% nguồn nhân lực so với trước kia, lý do cũng bởi lượng khách không đủ để đắp đổi các khoản chi phí. 

Hơn 382 nghìn lượt khách lưu trú Quảng Nam trong 4 tháng đầu năm chưa đủ để khỏa lấp đi khoảng trống so với quy mô vận hành của ngành du lịch địa phương hiện tại.

Năm 2019, Quảng Nam đón gần 8 triệu lượt du khách (tức khoảng 650 nghìn lượt mỗi tháng) nhưng nhiều cơ sở lưu trú vẫn khá chật vật khi công suất phòng chưa đến 50%. Thông tin từ các cơ sở lưu trú, tỷ lệ phòng lấp đầy cao chủ yếu vẫn vào dịp lễ và cuối tuần, còn lại cũng chỉ lai rai vì vắng bóng khách quốc tế. 

Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Jack Tran Tours (Hội An) cho biết, qua kết nối với các đối tác, để tình hình du lịch địa phương ổn định trở lại như năm 2019 thì chí ít cũng phải đến năm 2024. Riêng trong năm 2022, đơn vị chỉ mong đón được khoảng 5-10% lượng khách so với năm 2019 cũng đáng mừng rồi. 

Thời tiết thất thường cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc đón khách ở một số điểm đến. Cù Lao Chàm đã không thể đón khách trong 3/4 ngày lễ dịp 30.4 & 1.5 vì biển động.

Thời tiết mưa nắng thất thường trong suốt thời gian qua cũng khiến du khách khó lòng vượt qua các cung đèo hiểm trở để trải nghiệm các điểm đến ở vùng cao như Đỉnh Quế, ruộng bậc thang Chuôr (Tây Giang), thác Grăng (Nam Giang), đồi chè Đông Giang…

Lượng khách chưa nhiều, lại chủ yếu ở vùng trung tâm Hội An vào vài thời điểm cố định nên hầu hết điểm đến khác vẫn “hẻo” khách… Tại huyện Quế Sơn, 3 khách sạn đều có công suất sử dụng phòng rất thấp.

Một số điểm đến như Suối Tiên, Suối Nước Mát - Đèo Le cũng vắng khách, công tác kêu gọi doanh nghiệp ở lĩnh vực du lịch vào khảo sát, đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Ở khu vực phía nam và phía tây, lượng doanh nghiệp vốn đã ít ỏi hiện phần lớn cũng chỉ hoạt động cầm chừng bởi hầu hết du khách chỉ tham quan, vãn cảnh trong ngày chứ ít sử dụng dịch vụ du lịch.

PHẢI GỠ "NÚT THẮT" ĐẦU TƯ DU LỊCH

Không ít dự án đã bị rút phép, nhiều nhà đầu tư xin điều chỉnh, hoãn, giãn tiến độ và Quảng Nam cùng các bên liên quan cần hành động mạnh mẽ hơn để làn sóng đầu tư du lịch không “đóng băng”.

Hầu hết khu du lịch cao cấp trên địa bàn tỉnh bước đầu đã vận hành trở lại sau đại dịch. Trong ảnh: Khu nghỉ dưỡng Shilla Monogram QuangNam - DaNang. Ảnh: D.T
Hầu hết khu du lịch cao cấp trên địa bàn tỉnh bước đầu đã vận hành trở lại sau đại dịch. Trong ảnh: Khu nghỉ dưỡng Shilla Monogram QuangNam - DaNang. Ảnh: D.T

Chưa thể định hình

Trên suốt chiều dài 125km ven biển từ Điện Nam - Điện Ngọc tới Núi Thành đã “bùng nổ” đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Không một nhà kinh doanh du lịch nào lại muốn bỏ qua cơ hội đặt cược vào những cuộc làm ăn đầy thú vị, nên vẫn có không ít nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính nhưng tiếp tục trụ bám, chờ chuyển động hồi phục của thị trường để tiếp tục triển khai dự án như đã cam kết. “Con đường APEC” (Bắc Quảng Nam) đã trở thành một đại công trường. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, việc dừng dự án đầu tư là một quyết định khó khăn. Nhiều nhà đầu tư không lường hết khó khăn của các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai hay cơ chế, chính sách nên gặp khó. Tất cả dự án này đều phải được rà soát, xem xét. Dự án nào tiếp tục khởi động thì đẩy nhanh tiến độ. Dự án không phù hợp thực tế sẽ phải điều chỉnh. Những dự án không tốt hoặc không triển khai được nữa sẽ buộc phải dừng.

Tổ hợp khách sạn và nhà ở CYAN, khu resort & spa Marriott Hội An - Việt Nam, khu nghỉ mát Malibu Hội An hay khu nghỉ dưỡng Shilla Monogram Quangnam Danang - một thương hiệu khách sạn hạng sang hàng đầu ở Hàn Quốc và là “con đẻ” của Samsung... đã bước qua thời “tạm dừng” vì đại dịch, sẵn sàng hoàn tất những hạng mục còn lại để đưa dự án vào sử dụng trong năm nay.

Ngược với sự sôi động của miệt bắc, hơn 70km qua đại lộ Võ Chí Công dự kiến sẽ lộ diện một “thành phố resort” song hiện vẫn chỉ là các biển “quy hoạch” bạc màu mưa nắng bên những “rừng bia mộ” và cồn cát lơ thơ cây cỏ ven đường.

Hoiana hay Vinpearl đã tái mở cửa, vẫn không đủ lấp đầy diện tích mênh mông trên vùng gió cát. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, bên cạnh các nhà đầu tư yếu năng lực, tài chính, thì sự chồng chéo giữa các quy định, từ đất đai, quy hoạch, đầu tư, cơ chế thay đổi... đã khiến nhiều dự án đình trệ.

Nhiều cuộc thanh lọc dự án đã diễn ra. Các khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC, nhóm 5 dự án khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch của Tập đoàn BRG, khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương... và nhiều dự án khác (chưa thể thống kê số lượng) đã bị rút phép vì không thể triển khai dự án như mong đợi.

Gia tăng dự án điều chỉnh, hoãn, giãn tiến độ

Số lượng dự án đầu tư du lịch xúc tiến chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Không ít nhà đầu tư phải rời bỏ cuộc chơi. Số còn lại trì hoãn, xin hoãn, giãn, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Hoian D’or (Khu du lịch sinh thái Cồn Bắp, Hội An) hứa hẹn khoảng 80% diện tích dự án sẽ được lấp đầy vào cuối tháng 5.2022, song đã bị chậm tiến độ.

Ông Vũ Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp cho hay, hạn chế của vị trí địa lý đặc biệt của dự án, thay đổi về thủ tục pháp lý, dịch bệnh, thời tiết cực đoan... bất khả kháng. Nhà đầu tư xin chính quyền cho phép được giãn tiến độ đầu tư thêm 24 tháng, kể từ tháng 6.2022.

Những cuộc khảo sát mới đây hay kiến nghị của các nhà đầu tư làm đơn xin hoãn, giãn tiến độ đều cho thấy vướng mắc chủ yếu là về thủ tục đầu tư, thiếu đất sạch lẫn hạ tầng kết nối đủ điều kiện, nhưng nhà đầu tư bị buộc phải ấn định thời gian đưa dự án vào hoạt động. Hồ sơ hết chuyển qua sở này, ngành nọ để “xin ý kiến” kéo dài... Những nút thắt này đã khiến nhà đầu tư không thể đáp ứng được tiến độ đầu tư.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bồ Bồ nói dự án bị kéo dài nhiều năm không thực hiện được vì vướng đất quốc phòng, doanh nghiệp đã xin ý kiến nhiều lần nhưng chưa được chấp thuận, lại thêm tác động của dịch bệnh, buộc lòng phải xin kéo dài thêm thời gian thực hiện dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng than phiền chuyện này trên các cuộc họp về đầu tư hay xúc tiến. Ông Thanh cho rằng chưa giải phóng mặt bằng, thiếu hạ tầng kết nối đủ điều kiện, nhưng lại ấn định thời gian đưa dự án vào hoạt động là duy ý chí.

Không đủ cơ sở khẳng định được tiến độ đầu tư, dẫn đến nhiều dự án phải gia hạn tiến độ. Thiếu cơ chế phối hợp, phân công người giải quyết, đến hiện trường để đánh giá cụ thể bị động, dẫn đến một mớ bòng bong các sự vụ liên quan đến đầu tư. 

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Cần xem xét các dự án đầu tư của khối doanh nghiệp du lịch cũng được hưởng chính sách ưu đãi như các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Chứ hiện nay còn độ vênh giữa các nhà đầu tư, các ngành nghề”.

DƯ ĐỊA CHO DOANH NGHIỆP BẢN ĐỊA

Phần lớn doanh nghiệp Quảng Nam hiện vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Du lịch là một trong những “sân chơi” nhiều lợi thế cho doanh nghiệp bản địa khai thác trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.

Khách du lịch trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng ở rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh (TP.Hội An). Ảnh: D.T
Khách du lịch trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng ở rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh (TP.Hội An). Ảnh: D.T

Vẫn còn e dè

Tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, nhất là nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ, trong đó phần đông là doanh nghiệp du lịch. Tính đến tháng 4.2022, cả tỉnh chỉ có 134 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký chỉ đạt 418 tỷ đồng (giảm đến 52% so với cùng kỳ).

Theo Sở KH&ĐT, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng xem xét diễn biến thị trường. Hoặc vẫn đang chật vật tìm kiếm ý tưởng, hướng đi mới cùng với đó là chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước rồi mới tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp. 

Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới ở Quảng Nam chỉ khoảng 3 tỷ đồng. Đây được xem là nhóm doanh nghiệp “yếu thế” trên thị trường.

Doanh nghiệp do người địa phương thành lập mới và khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần phải có những ý tưởng, sản phẩm khác biệt, dựa nhiều vào đặc trưng bản địa thì mới mong “đứng chân” được trên thị trường. 

Vài năm gần đây, xu hướng người trẻ tạo lập các hợp tác xã (vốn được tổ chức hoạt động như một loại hình doanh nghiệp) gắn với phát triển du lịch đang tạo ra nét tươi mới, mở ra nhiều hy vọng về việc người bản địa phát triển tài nguyên du lịch địa phương.

Có thể kể đến, hợp tác xã nông nghiệp làng Cẩm Phú (Điện Bàn), hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Cửa Khe, hợp tác xã nông nghiệp và du lịch Trà Đỏa (Thăng Bình)… Tuy vậy, “mẫu số” khó khăn chung của các đơn vị này vẫn nằm ở việc liên kết còn lỏng lẻo, thiếu nhân lực chất lượng, chưa định vị được phân khúc thị trường… 

Mở cơ hội sau khủng hoảng

Những năm đầu thế kỷ 21, khi du lịch Hội An manh nha phát triển mạnh, đã có một lớp doanh nghiệp trẻ ở địa phương nhìn thấy, nắm bắt được cơ hội và đến nay vẫn duy trì và phát triển thương hiệu vững chắc với tài nguyên bản địa như lụa, tre, lồng đèn, cánh đồng lúa… So hai thời điểm khác nhau là khá khập khiễng nhưng để thấy lối đi cho doanh nghiệp du lịch thành lập mới ở địa phương vẫn rộng mở.

Theo ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, đại dịch Covid-19 làm thị trường du lịch Việt Nam bị khủng hoảng, nhưng sau khủng hoảng đôi khi là dư địa rất lớn để các doanh nghiệp mới nắm bắt, nếu đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho xu thế du lịch mới, phát triển sở hữu trí tuệ, thương hiệu địa phương, giải pháp kinh doanh số…

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay: “Lúc này là cơ hội cho doanh nghiệp nếu làm ra sản phẩm khác biệt. Cái chính là người lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ có sáng tạo, bứt phá được hay không.

Kể cả có nguồn vốn lớn mà không có giá trị khác biệt thì cũng rất khó để cạnh tranh. Cần có những diễn đàn có tính chuyên môn cao để khơi gợi hướng đi riêng cho nhóm doanh nghiệp này. Quỹ Phát triển du lịch nếu hình thành thì cũng sẽ hỗ trợ thêm phần nào việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp bản địa”.

Quảng Nam đã triển khai kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025. Liệu doanh nghiệp mới có thể tìm được lối mở từ định hướng này?

Theo bà Hoàng Quế Nga - chuyên gia chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ, đây là thời điểm hợp lý để các doanh nghiệp nhỏ mới hình thành tiếp cận, vận hành theo tiêu chí xanh bởi bộ tiêu chí cũng vừa ở giai đoạn khởi động.

“Khi các doanh nghiệp Quảng Nam đạt được đến mức cao của bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam thì chúng ta hoàn toàn tự tin về khả năng nâng cấp để đạt được chứng nhận xanh quốc tế. Đây là bước đường đi từ dễ đến khó để giúp bất cứ doanh nghiệp bản địa nhỏ nào bắt đầu từ ngày hôm nay, đó là lý do ra đời bộ tiêu chí này” - bà Nga nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp du lịch giữa bộn bề gian khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO