Doanh nghiệp du lịch “thấm đòn” Covid-19

VĨNH LỘC 04/03/2020 10:24

Sau hơn 2 tháng bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, một số cơ sở dịch vụ, lưu trú du lịch trên địa bàn TP.Hội An đã đóng cửa. Dự báo, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn khi dịch bệnh đang bắt đầu lan rộng ra toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Âu.

Khách sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, shop lưu niệm ở Hội An dừng hoạt động.Ảnh: VĨNH LỘC
Khách sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, shop lưu niệm ở Hội An dừng hoạt động.Ảnh: VĨNH LỘC

Tạm ngưng hoạt động

Hơn nửa tháng nay Khu du lịch sinh thái Vạn Dừa (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) ngừng hoạt động do vắng khách. Theo ông Lê Quân – Giám đốc Khu du lịch sinh thái Vạn Dừa, dù bất khả kháng nhưng việc đóng cửa là cách tốt nhất để tiết giảm chi phi. “Nếu duy trì hoạt động, mỗi tháng chúng tôi phải chi trả từ 160 – 180 triệu đồng tiền lương thưởng nhân viên, điện nước, thuế má…” - ông Quân nói.

Nếu trước đây, bình quân mỗi ngày Khu du lịch sinh thái Vạn Dừa đón từ 200 – 300 khách thì từ lúc dịch Covid-19 xuất hiện, số khách chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, “thấm đòn” nặng nhất phải kể đến các cơ sở lưu trú, dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng qua khảo sát sơ bộ, số khách sạn, homestay, biệt thự du lịch trên địa bàn TP.Hội An đã và sẽ đóng cửa xuất hiện ngày càng nhiều. Ông Đỗ Như Châu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Như cho biết, từ đầu tháng 3.2020 công ty đã tạm đóng cửa một khách sạn trong chuỗi hệ thống khách sạn Le Pavillon Hoi An để sáp nhập nhân viên lại và chia sẻ công việc, dù vậy công suất đón khách của các khách sạn hiện tại cũng chỉ trên dưới 15%.

“Từ sau tết đến giờ công ty gặp rất nhiều khó khăn nhưng mình không thể cho anh em nghỉ việc vì ai cũng có gia đình con cái, nên dù đóng cửa một khách sạn nhưng anh em vẫn được đi làm một tháng 20 ngày để có thu nhập” - ông Châu chia sẻ.

Những ngày này dạo quanh các tuyến đường phố cổ Hội An dễ dàng nhận thấy nhiều shop lưu niệm, nhà hàng đã đóng cửa hoạt động hoặc cắt giảm nhân viên. Doanh thu sụt giảm cộng với tiền thuê nhà quá cao khiến nhiều doanh nghiệp như ngồi trên lửa, không biết sẽ cầm cự đến bao giờ. Thậm chí, để trấn an khách, một số cơ sở đã mạo hiểm “nhắc” nhân viên hạn chế đeo khẩu trang khi tiếp xúc khách hàng, mặc dù biết việc làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro với dịch bệnh.

“Mình nói Hội An an toàn nhưng lại đeo khẩu trang khách sao tin được, nên tôi bảo nhân viên cố gắng không đeo khẩu trang trong lúc giao tiếp để tạo cảm giác tin tưởng cho khách” - một chủ shop thời trang trên đường Trần Phú chia sẻ.

Khách sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, shop lưu niệm ở Hội An dừng hoạt động.Ảnh: VĨNH LỘC
Khách sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, shop lưu niệm ở Hội An dừng hoạt động.Ảnh: VĨNH LỘC

Chờ hỗ trợ

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã giảm giá các sản phẩm, dịch vụ nhưng vẫn không có khách. Thậm chí, dự báo trong 3 tháng tới lượng khách sẽ còn giảm sâu hơn khi nhiều tour đăng ký đã bị hủy. Theo ông Đỗ Như Châu, nỗi lo lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là duy trì hoạt động, nhưng điều này rất khó vì vắng khách, trong khi các chi phí, nghĩa vụ với Nhà nước vẫn phải thực hiện.

“Ngân hàng thì đã đồng ý khoanh nợ rồi, nhưng bên thuế và bảo hiểm xã hội thì chưa thấy động thái hỗ trợ gì. Đặc biệt là bảo hiểm xã hội, bởi đây là khoản đóng rất lớn với doanh nghiệp” - ông Châu cho biết. Với gần 350 nhân viên, mỗi tháng số tiền đóng bảo hiểm xã hội của Công ty TNHH Hoàng Như khoảng 300 triệu đồng.

Trước đó, ngày 25.2.2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành liên quan nhằm tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tại đây, những kiến nghị của doanh nghiệp về giãn thuế, bảo hiểm xã hội; khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng… đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía các cơ quan hữu trách.

Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam cho rằng, điều này đồng nghĩa các khoản thuế, bảo hiểm… trong tháng 3 doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục phải đóng. “Thật ra, thuế cũng không bao nhiêu, quan trọng nhất là nợ, lãi vay ngân hàng, nếu Nhà nước không nhanh chóng có quyết định hỗ trợ thì việc doanh nghiệp đóng cửa chắc chắn sẽ nhiều hơn” - ông Thuận nói.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, trong phạm vi chức năng của hiệp hội cũng chỉ kiến nghị, đề xuất còn quyết định thế nào phụ thuộc vào Nhà nước, nên chỉ mong các cấp ngành liên quan sớm có văn bản phản hồi.

“Doanh nghiệp cũng hết cách rồi, bây giờ ngoài mong dịch sớm qua thì chỉ còn trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhưng đến thời điểm này Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vẫn chưa nhận được thông báo cuộc họp, mặc dù cũng đã nhiều lần điện hỏi” - ông Thanh chia sẻ.

Ông Thanh cho biết, trước mắt phải thông báo cuộc họp, sau đó doanh nghiệp mới có thể làm việc, tác động tiếp các bên liên quan, còn hiện tại thì cố gắng đến đâu hay đó, đặc biệt vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp du lịch “thấm đòn” Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO