Doanh nghiệp du lịch thiếu dòng tiền...

TRỊNH DŨNG – QUỐC TUẤN 31/05/2022 08:51

Giá thuê đất tăng cao, không được miễn, giảm lãi suất hay cơ cấu thời hạn trả nợ… đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch đứng bên bờ vực phá sản, cho dù 85% doanh nghiệp đã tái gia nhập thị trường.

Hoạt động du lịch dần sôi động trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó khăn vì nguồn vốn hạn hẹp. Ảnh: T.DŨNG
Hoạt động du lịch dần sôi động trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó khăn vì nguồn vốn hạn hẹp. Ảnh: T.DŨNG

Chưa thoát khó khăn

Doanh nghiệp (DN) du lịch gần như đã tái mở cửa, nhưng kinh doanh vẫn ảm đạm. Trong khi đó, những văn bản xin điều chỉnh, miễn, giảm giá thuê đất đều không được chấp nhận nên DN rất khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Những “nút thắt” này đã đẩy DN tiếp tục rơi vào khủng hoảng, có nguy cơ rời bỏ thị trường ngày một lớn hơn.

Ông Lê Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An nói hai năm qua DN đã lỗ khoảng 50 tỷ đồng. DN thiếu tài chính, mất khả năng thanh toán. DN đã gửi đơn xin gia hạn thời gian ổn định giá thuê đất (2016 - 2020) cho năm 2021 và năm 2022, xin miễn hoặc giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2021, nhưng không được chấp nhận.

Không riêng gì Công ty CP Du lịch, dịch vụ Hội An, số DN rơi vào chu kỳ điều chỉnh giá đất năm 2020 - 2021 buộc phải chi trả tiền thuê đất tăng đột biến. Có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tăng 15%, Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, Công ty TNHH Sài Gòn tăng 9 lần, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch & thương mại Vĩnh Hưng tăng 10,73 lần…

Các DN này đều thừa nhận sự cần thiết về điều chỉnh giá thuê đất theo chu kỳ ổn định 5 năm. Tuy nhiên, nền kinh tế đang gặp khó khăn, DN buộc phải rời bỏ thị trường, dẫn đến việc thiếu hụt tài chính để chi trả.

Ảnh: T.DŨNG
Ảnh: T.DŨNG

Nhiều DN gửi đơn xin miễn, giảm hay chỉ xin được tính theo đơn giá đất chu kỳ cũ. Một công văn ngày 10.12.2021, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang ký, thống nhất báo cáo Thường trực HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh giảm hệ số thuê đất cho các DN du lịch khi đến kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất hàng năm trong năm 2021&2022.

Trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 và những năm tiếp theo đối với DN trong lĩnh vực du lịch. Nhưng, những văn bản gửi đi không nhận được kết quả như mong đợi: Hệ số thuê đất không được điều chỉnh (trong thẩm quyền của địa phương).

Và ngày 17.5.2022, Bộ Tài chính thông báo kiến nghị nâng tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các DN dịch vụ du lịch từ 30% lên 70% so với năm 2021 của Quảng Nam không phù hợp với một lý do là mức giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 là 30% đã cao hơn 15% so với mức giảm tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020.

Riêng kiến nghị giảm tiền thuê đất năm 2022, 2023, Bộ Tài chính cho hay đang phối hợp xây dựng chính sách miễn, giảm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Kiến nghị cơ cấu thời hạn trả nợ

Theo nhận định của cộng đồng DN du lịch, không thể trách chính quyền, cơ quan tài chính địa phương khi 2 năm qua nền kinh tế khủng hoảng, chính quyền địa phương đã sử dụng nhiều nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế.

DN ý thức phát triển phải tự bằng nội lực. Tuy nhiên, trên “hành trình gian khổ” này, họ mong muốn chính quyền, cơ quan quản lý bằng thẩm quyền hay khả năng có thể, giúp DN vượt qua khó khăn để tiếp tục hoạt động, cung cấp sinh kế cho người lao động...

Không điều chỉnh đơn giá tiền thuê đất dẫn đến DN có nguy cơ không thể hoạt động. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An nói không thể trách cơ quan thuế vì đó là quy định.

Không thể buộc chính quyền hay Ngân hàng Nhà nước địa phương tác động ngân hàng thương mại giảm lãi vay vì họ cũng là đơn vị kinh doanh. Nhưng sau 2 năm gồng gánh để tồn tại, bây giờ DN mới thực sự khó khăn. Theo bà Lan, DN rất khổ sở khi tiền thuê đất từ 1,5 tỷ đồng năm 2020 lên 7 tỷ đồng năm 2021, trong khi doanh thu giảm sút nghiêm trọng.

Bà Lan nói: “Nếu cứ tăng tiền thuê đất, khó khăn tiếp tục bủa vây thì DN không thể nào sống được. Giá đất không chỉnh được thì cho gia hạn điều chỉnh. Không thì sửa lại hợp đồng thuê đất… Chẳng lẽ thấy DN chết, không thể hoạt động được vì tiền thuê đất mà không có cách gì cứu?”.

Thiếu khả năng trả nợ tiền thuế đất dẫn đến một hệ lụy khác là sẽ bị cưỡng chế thuế. Kinh doanh thua lỗ nhiều năm thì ngân hàng nào có thể cho vay dù DN có thể có khối tài sản lớn. Vì nguyên tắc cho vay sẽ dựa vào dòng tiền trả nợ. Không kinh doanh được thì lấy gì trả nợ để ngân hàng cho vay.

Bà Lan nói: “Nộp ngân sách là trách nhiệm DN, nếu không miễn, giảm thì có thể điều chỉnh, gia hạn thời gian ổn định tiền thuê đất lên 10 năm thay vì 5 năm để DN có thể khôi phục kinh doanh, tồn tại được”.

Thời điểm này cũng là lúc DN đứng trước bài toán không có dòng tiền để tái thiết cơ sở hạ tầng. Hầu hết DN không có khả năng chi trả nợ đến hạn (gốc và lãi). Sau 2 năm ngụp lặn trong khủng hoảng, các khoản dự phòng đã gần như cạn kiệt.

Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Quảng Nam nói đã nhận được kiến nghị của 6 DN hoạt động ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn yêu cầu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. DN bị áp lực quá lớn, họ mong chính quyền kiến nghị hay làm gì đó để ngân hàng có thể cơ cấu lại nợ.

Lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp du lịch đến năm 2023, kiến nghị ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ hay không áp dụng lãi phạt chậm cho các DN du lịch bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đến tháng 6.2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp du lịch thiếu dòng tiền...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO