Doanh nghiệp du lịch về đâu?

VĨNH LỘC 25/08/2020 08:56

(QNO) - Dù chưa có thống kê chính thức về số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh phá sản hoặc rao bán, chuyển nhượng, nhưng hậu quả dịch Covid-19 gây ra cho ngành du lịch Quảng Nam thời gian qua khá nặng nề. Tương lai nào cho doanh nghiệp du lịch vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Đại dịch Covi-19 khiến hoạt động du lịch bị đình trệ
Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch đình trệ. Ảnh: VĨNH LỘC

Đứt gãy hoạt động

Chính thức khai trương từ tháng 3.2017, Silk Sence Hội An River Reort là khách sạn 4 sao có quy mô và lượng khách đăng ký lưu trú tương đối lớn. Tuy nhiên từ tháng 3 đến nay cơ sở này phải 2 lần đóng cửa dừng hoạt động vì dịch Covid-19, đồng nghĩa hơn 150 nhân viên phải tiếp tục nghỉ việc. Ông Trần Thái Do - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas, chủ đầu tư Silk Sence Hội An River Reort thừa nhận, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khó thể biết khi nào khách sạn mở cửa hoạt động trở lại.

Silk Sence Hội An River Reort chỉ là một trong hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp du lịch tại Hội An đóng cửa trong đại dịch Covid-19. Từ đầu tháng 5 khi trạng thái bình thường mới được thiết lập trở lại, hoạt động du lịch bắt đầu khởi động, nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn. Dịch tái bùng phát đã khiến mọi nỗ lực sụp đổ hoàn toàn, thời gian 2 tháng quá ít ỏi để doanh nghiệp du lịch kịp phục hồi nguồn lực đủ sức chống chịu trước đợt dịch lần này.

Các cơ sở kinh doanh tại Hội An đều đóng cửa hoạt động
Cơ sở kinh doanh tại Hội An đều đóng cửa hoạt động. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, với diễn biến dịch bệnh phức tạp và kéo dài như hiện nay, khó doanh nghiệp nào đủ sức chịu đựng, kể cả có quỹ tài chính dự phòng. Tại Công ty Hoa Hồng, lúc cao điểm số lao động làm việc hơn 100 người, nhưng hiện chỉ còn duy trì khoảng 20 nhân viên, chủ yếu làm các công việc bảo dưỡng, vệ sinh dọn dẹp... Số lao động nghỉ việc ngoài hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu đủ thời gian), công ty sẽ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, đây cũng là cố gắng rất lớn từ phía doanh nghiệp trong tình cảnh không có nguồn thu như hiện nay.

Ông Dũng cho rằng, bây giờ doanh nghiệp du lịch Hội An hầu như bó gối chịu trận, bởi phần lớn là quy mô nhỏ, nguồn lực yếu, chưa kể vừa hoạt động vừa tái đầu tư, trong khi thị trường Hội An quá hẹp, nhu cầu tiêu dùng thấp nên việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh cũng rất khó khăn. “Nếu dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng cửa, bởi mùa khách nội địa đã hết, lạc quan lắm cũng phải năm sau, nhưng đến lúc đó khó biết được doanh nghiệp nào còn tồn tại. Chưa kể áp lực từ ngân hàng, hiện tại ngoài giảm lãi suất, một số ngân hàng vẫn duy trì bắt buộc doanh nghiệp trả lãi, gốc hằng tháng, hoặc khoanh gốc trả lãi” - ông Dũng chia sẻ. 

Tương lai u ám

Có thể khẳng định, đại dịch Covid-19 là “thảm họa” ngoài dự lường của ngành du lịch nên sự ứng phó của doanh nghiệp cũng rất lúng túng. Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nếu dịch Covid-19 chưa được diệt trừ thì mọi giải pháp đều vô nghĩa. “Bây giờ khó thể nói rút ra được bài học gì, vì điều này chưa có tiền lệ, kể cả nếu doanh nghiệp có quỹ dự phòng tài chính thì cũng chỉ duy trì thời gian ngắn 3 đến 6 tháng. Trong khi dịch bệnh chưa biết khi nào chấm dứt, nên doanh nghiệp khó thể cầm cự được lâu dài” - ông Thanh phân tích.

Trước dịch Covid-19, Công ty TNHH Emic Hospitality do ông Phan Xuân Thanh làm Tổng Giám đốc quản lý 3 nhà hàng với 150 nhân viên, nhưng hiện chỉ còn 40 nhân sự, phần lớn trong số 110 nhân viên đã nghỉ không lương. Ông Thanh thú nhận, bài học doanh nghiệp rút ra sau dịch chính là phải đưa công nghệ vào điều hành nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nhân sự. Đặc biệt, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng chống rủi ro về tài chính và con người, tránh trường hợp khủng hoảng tài chính và nhân sự như hiện nay.

Du lịch Hội An chưa biết khi nào mới phục hồi trở lại
Du lịch Hội An chưa biết khi nào phục hồi trở lại. Ảnh: VĨNH LỘC

Một khảo sát nhanh của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam mới đây cho biết, đa số doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Hội An kiệt quệ nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp hoàn toàn đóng cửa. Doanh nghiệp quy mô lớn cũng chỉ đủ sức giữ lại nhân sự chủ chốt. Trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP) chưa trở thành hiện thực. Đến nay, mới chỉ khoảng 15 đơn vị thành viên thuộc Hiệp hội du lịch Quảng Nam có người lao động được hưởng trợ cấp tháng 4 theo gói hỗ trợ nêu trên, nhưng tiền vẫn chưa đến tay người lao động.

Thời gian này, trên mạng xã hội nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm tìm hướng đi cho người lao động và doanh nghiệp du lịch Hội An như thiết lập trang website giới thiệu việc làm, đào tạo online… Tuy nhiên theo ông Phan Xuân Thanh, những hoạt động trên cũng chủ yếu mang tính khuấy động phong trào, giúp doanh nghiệp và người lao động giữ lửa nghề, còn hiện tại doanh nghiệp du lịch chỉ biết chờ đợi và hy vọng dịch Covid-19 sớm chấm dứt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp du lịch về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO