Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng: Liên kết trước hết không "giẫm chân"

PHẠM QUỐC 18/06/2022 06:46

Tăng cường tạo ra mạng lưới điểm đến mang tính kết nối, giảm thiểu tối đa các sản phẩm du lịch có tính chất tương đồng chính là lối mở để du lịch hai địa phương cùng cộng sinh phát triển bền vững.

Quảng Nam và Đà Nẵng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành một cực tăng trưởng mới của du lịch Việt Nam trong dài hạn.
Quảng Nam và Đà Nẵng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành một cực tăng trưởng mới của du lịch Việt Nam trong dài hạn.

Cực tăng trưởng tiềm năng

Khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, Quảng Nam và Đà Nẵng đều nằm trong top 5 tỉnh, thành đón khách quốc tế nhiều của cả nước. Trong cơ cấu các ngành dịch vụ của Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2019, dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng lớn thứ hai. Có thể nói, du lịch gần như là lĩnh vực duy nhất mà Quảng Nam đã chạm đến được đẳng cấp quốc tế.

Du lịch tạo động lực giúp cả dải ven biển từ phía nam đèo Hải Vân đến nam Hội An phát triển sôi động trong khoảng 20 năm qua và là chất xúc tác quan trọng để hình thành chuỗi đô thị ven biển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân bản địa.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất, ngành du lịch Việt Nam cần xác định Đà Nẵng - Quảng Nam là cực tăng trưởng mới của du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2018 - 2019, lượng khách quốc tế của 2 địa phương chiếm khoảng 20% tổng lượng khách quốc tế đến nước ta.

Trong vòng bán kính 50km từ sân bay quốc tế Đà Nẵng thì có thể nói tiềm năng phát triển ngành du lịch 2 địa phương không thua Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia)… nên dứt khoát Đà Nẵng - Quảng Nam phải là một cực tăng trưởng mới, trong dài hạn của du lịch Việt Nam.

Sông Cổ Cò khi được khơi thông sẽ là một điểm nhấn lớn trong liên kết du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: P.Q
Sông Cổ Cò khi được khơi thông sẽ là một điểm nhấn lớn trong liên kết du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: P.Q

Trên thực tế, trục liên kết du lịch Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã hình thành từ năm 2006 và qua thời gian đã định vị được thương hiệu với du khách. Cụ thể hơn vào sự kết nối giữa Quảng Nam - Đà Nẵng, hầu như các tour tuyến của du khách đến đây đều gắn liền với chuỗi điểm đến của hai địa phương.

Hai bên cùng sở hữu đa dạng loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng biển, MICE, văn hóa - sinh thái - cộng đồng… với nhiều cơ sở, điểm đến có năng lực cung cấp dịch vụ ở mức hàng đầu Việt Nam.

Cơ hội nâng tầm mối liên kết này về nhiều hướng, nhiều loại hình sản phẩm vẫn còn rộng mở. Có thể đề cập đến hướng tuyến khai thác Cù Lao Chàm, sông Cổ Cò, khu bảo tồn Bà Nà - Núi Chúa… nhưng vì nhiều lý do các hệ thống sản phẩm xoay quanh các “kho báu” tài nguyên đa giá trị này vẫn bỏ ngỏ.

Nguy cơ từ việc “giẫm chân”

Quảng Nam đón lượng khách quốc tế lớn hơn Đà Nẵng nhưng nhiều chỉ tiêu như tổng thu nhập xã hội từ du lịch, doanh thu từ tham quan và lưu trú, bình quân ngày lưu trú… đều thấp hơn đáng kể so với Đà Nẵng. Du lịch Quảng Nam cần giải quyết được 5 vấn đề: làm cho khách ở lại lâu hơn; thị trường khách đa dạng hơn; chi tiền nhiều hơn; quay trở lại nhiều lần và có nhiều câu chuyện quảng bá, lan tỏa.

Cần tính toán kỹ phương án phát triển du lịch biển để tránh tình trạng sản phẩm na ná nhau giữa Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: P.Q
Cần tính toán kỹ phương án phát triển du lịch biển để tránh tình trạng sản phẩm na ná nhau giữa Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: P.Q

Với nhiều điểm tương đồng về tài nguyên du lịch, nguy cơ các dòng sản phẩm của hai địa phương na ná nhau luôn hiển hiện, vô hình trung dẫn tới sự cạnh tranh thay vì kết nối. Dễ dàng nhận thấy điều này qua các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sự kiện - lễ hội…

Theo một lãnh đạo UBND TP.Hội An, khi một điểm đến đã tổ chức tốt, định vị được thương hiệu từ sự kiện, đơn cử như liên hoan ẩm thực quốc tế thì các địa phương khác nên tránh lặp lại chương trình này. Bởi nó sẽ làm mất đi tính đặc trưng của sự kiện cũng như tạo ra sự “giẫm chân” trong mối liên kết vùng du lịch.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, khi Đà Nẵng ngay cạnh đã phát triển hệ thống sự kiện du lịch khá bài bản thì Quảng Nam cần một lối đi khác biệt hơn, đó có thể là gắn du lịch với ngành kinh tế sáng tạo. Ở đó, có thể lấy các giá trị từ âm thanh, hình ảnh, sắc màu để tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch.

Khi Quảng Nam tăng tốc phát triển du lịch biển phía nam Hội An, định hướng phát triển các dòng sản phẩm du lịch biển khu vực này cũng rất đáng lưu tâm để phát huy hiệu quả cao nhất trong liên kết vùng.

Tại hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS.BS Võ Toàn Trung (hiện công tác ở Pháp) đề xuất, Quảng Nam có thể tính toán phát triển khu vực biển nam Hội An trở thành trung tâm du lịch sức khỏe, nghỉ dưỡng chăm sóc điều trị quốc tế, đây là một giá trị khác biệt thay vì xây dựng một dải resort chỉ lưu trú đơn thuần.

Việc xây các trung tâm y học, trung tâm phục hồi chức năng gắn với du lịch nghỉ dưỡng sẽ tạo ra hiệu quả đa mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng: Liên kết trước hết không "giẫm chân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO