Du lịch về xã An toàn khu

TÂM ĐAN - MAI NHI 08/05/2022 06:29

Về với xã An toàn khu (xã Quế Phong, huyện Quế Sơn), du khách không chỉ được ghé thăm, tìm hiểu các  địa danh, di tích lịch sử độc đáo, mà nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh phục vụ du lịch.

Hồ nước nóng Bàn Thạch (xã Quế Phong) còn khá hoang sơ, nếu được đầu tư sẽ trở thành điểm du lịch thu hút du khách khi về với xã An toàn khu.Ảnh: ĐAN NHI
Hồ nước nóng Bàn Thạch (xã Quế Phong) còn khá hoang sơ, nếu được đầu tư sẽ trở thành điểm du lịch thu hút du khách khi về với xã An toàn khu.Ảnh: ĐAN NHI

Nước nóng Bàn Thạch

Cách trung tâm xã Quế Phong hơn 1km về phía tây, hồ nước nóng Bàn Thạch, thôn Thạch Thượng (thôn Lộc Trung cũ) là địa chỉ thú vị cho du khách khi về với Quế Phong.

Người dân địa phương không biết mạch nước nóng ở đây xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng từ đời ông cha đã nghe kể về lợi ích khi được ngâm mình trong dòng nước này. Mạch nước nóng trong lòng đất trồi lên giữa cánh đồng thôn Thạch Thượng với lực chảy không mạnh nhưng quanh năm không bao giờ cạn.

Bà Lê Thị Lập - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quế Phong cho biết, định hướng phát triển du lịch của xã Quế Phong theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) là: Phát triển du lịch di tích lịch sử của xã An toàn khu, nhất là giá trị lịch sử của di tích đình làng Gia Cát, đình làng An Long và các điểm di tích khác trên địa bàn xã.

Đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái hồ An Long, hồ Hố Giếng và hồ nước nóng Bàn Thạch để triển khai loại hình du lịch trải nghiệm; kết nối không gian văn hóa, ẩm thực gắn với các điểm du lịch Suối Tiên, làng và hồ Lộc Đại của xã Quế Hiệp; hồ Hố Giang và khu lưu niệm - tưởng niệm Hòn Tàu - Đèo Le, suối Nước Mát của xã Quế Long...

Mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi gặp ông Võ Văn Duẩn (70 tuổi, thôn Tân Phong) xách 2 bình nhựa ra khu vực suối nước để lấy nước về dùng. Ở đây, người dân không chỉ tắm, ngâm mình trong nước nóng, họ còn hứng nước đem về nhà dùng, đặc biệt là tắm cho người già và trẻ nhỏ.

Ông Duẩn cho biết người dân rất quý mạch nước nóng do thiên nhiên ban tặng. Ngoài góp tiền bạc xây dựng hồ nước nóng, họ còn ý thức bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh khu vực suối.

Mọi người thường đến tắm, ngâm mình trong hồ nước nóng vào buổi sáng và chiều tối, cả ngày hè nóng bức lẫn ngày đông lạnh giá. Nhiều người ở các xã lân cận cũng tìm đến đây để tắm và lấy nước.

“Tùy sở thích mỗi người, có người khó ngủ, nhức mỏi tay chân, ngâm mình trong nước nóng sẽ dễ ngủ, bớt đau nhức. Đặc biệt, dùng nước này tắm cho trẻ con sẽ hạn chế rôm sảy” - ông Duẩn nói.

Để xây dựng được bể nước nóng này, Đoàn thanh niên xã Quế Phong đã vận động nhân dân trong vùng và những người con xa quê đóng góp gần 40 triệu đồng mua sắm vật liệu, sau đó huy động đoàn viên thanh niên trong xã tham gia ngày công thực hiện công trình.

Bể tắm được thiết kế gồm 2 ngăn nhằm điều hòa mạch nước nóng thích hợp cho người dân đến tắm. Nhiều người tìm đến Lộc Trung, ngâm mình trong nước nóng với mong ước chữa bệnh đau xương khớp, tê bì chân tay… Đây còn là nơi để mọi người gặp gỡ, trao đổi những câu chuyện thường ngày, góp phần tạo thêm niềm vui trong cuộc sống, gắn kết họ lại với nhau hơn.

Vùng đất của di tích lịch sử

Ngoài hồ nước nóng Bàn Thạch, Quế Phong còn những hồ nước ngọt với thắng cảnh hữu tình, nên thơ, như hồ An Long, hồ Hố Giếng… Nơi đây không những phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn xã mà còn là điểm du lịch trải nghiệm lý thú.

Đình làng An Long - Di tích lịch sử cấp tỉnh tại xã Quế Phong. Ảnh: CTV
Đình làng An Long - Di tích lịch sử cấp tỉnh tại xã Quế Phong. Ảnh: CTV

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Quế Phong là vùng căn cứ cách mạng, vùng giải phóng an toàn. Nhiều di tích lịch sử ở đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Đặc biệt, ở Quế Phong có đến 2 đình làng được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh (đình làng Gia Cát và đình làng An Long). Những đình làng này có lịch sử hình thành lâu đời. Đình làng An Long được hình thành vào khoảng giữa thế kỷ 17.

Tổ tiên của các dòng họ có gốc gác từ vùng Thanh - Nghệ, vào vùng đất mới Quảng Nam từ thời nhà Lê và thời chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558). Thuở ban đầu, di dân chủ yếu cư trú, khai hoang lập ấp ở vùng đồng bằng Quảng Nam. Sau đó, tiến về hướng Tây mở đất định cư, lập nên làng An Long ngày nay.

Di tích lịch sử đình làng ở Quế Phong đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của vùng đất này. Nơi đây còn cung cấp những thông tin quý giá cho việc nghiên cứu về quá trình khai phá, lập ấp và hình thành những cộng đồng dân cư trong công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam của các bậc tiền nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch về xã An toàn khu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO