Du lịch xanh bao giờ hết “thí điểm”?

QUỐC TUẤN 28/02/2023 06:38

Dù đã đạt được vài dấu ấn bước đầu nhưng tiến trình phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam vẫn đang loay hoay trên đường bứt khỏi “giai đoạn thí điểm”.

Quang cảnh hội thảo “Tăng cường hỗ trợ nhằm phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Nam” diễn ra tại TP.Hội An cuối tuần qua. Ảnh: Q.T
Quang cảnh hội thảo “Tăng cường hỗ trợ nhằm phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Nam” diễn ra tại TP.Hội An cuối tuần qua. Ảnh: Q.T

Hội thảo “Tăng cường hỗ trợ nhằm phát triển du lịch xanh Quảng Nam” do Sở VH-TT&DL phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) tổ chức cuối tuần qua tại TP.Hội An đã ghi nhận nhiều thông tin vướng mắc về phát triển du lịch xanh trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Quảng Nam là địa phương đầu tiên cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh cho 6 chủ thể: du lịch cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay. Năm 2022, đã có 11 doanh nghiệp, đơn vị được UBND tỉnh cấp chứng nhận du lịch xanh. Dù vậy con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hàng nghìn doanh nghiệp, đơn vị, điểm đến du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, kế hoạch phát triển du lịch xanh là một chủ trương đúng đắn nhưng việc triển khai thực hiện đang ở “giai đoạn thí điểm”, còn ở mức vận động, khuyến khích nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị vẫn còn mơ hồ với bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.

“Họ vẫn băn khoăn chúng ta làm du lịch xanh để làm gì hay nói cách khác du lịch xanh sẽ mang lại cho doanh nghiệp những gì nếu so với việc vận hành thông thường như lâu nay. Hầu hết cấp quản lý du lịch ở cơ sở cũng còn khá mơ hồ về du lịch xanh” - ông Sơn nói.

Khủng hoảng COVID-19 là thách thức rất lớn với ngành du lịch nói chung, du lịch Quảng Nam nói riêng và dư âm nó vẫn còn kéo dài. Đến nay, đã có hàng chục doanh nghiệp từng tiên phong tham gia thực hiện khung chương kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải vào năm 2019 phải bỏ ngỏ việc tham gia du lịch xanh vì khó khăn bởi tác động của đại dịch.

Ông Trần Thái Do - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas, chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort - một đơn vị đã được cấp chứng nhận du lịch xanh nhận định, những định hướng về du lịch xanh của Quảng Nam đang triển khai sẽ thu được nhiều kết quả tốt về mặt dài hạn.

Tuy nhiên để doanh nghiệp có động lực theo đuổi quá trình này thì cần đề cập rõ một số lợi ích trong ngắn hạn, như lợi ích về marketing hoặc nguồn khách hàng mà họ có thể nhận được khi tham gia du lịch xanh, từ đó mới dần hướng đến lâu dài. Có thể điều này chưa rõ ràng nên lượng đơn vị du lịch tham gia còn khiêm tốn.

Thiếu cơ chế, nguồn lực

Hiện nay, các chương trình hành động lan tỏa du lịch xanh đến cộng đồng chủ yếu thông qua vận động từ các tổ chức như SSTP hay UNESCO nhưng cũng có giới hạn.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thông tin, hiệp hội không có nhiều nguồn tài chính cũng như chưa tiếp cận được ngân sách để triển khai các hoạt động đến cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp du lịch tiên phong chuyển đổi cũng đã mất nhiều phí tổn nhưng chưa có cơ chế chính sách tạo động lực cho việc chuyển đổi.

Hiện mới có 11 đơn vị được cấp chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam, tỷ lệ rất thấp so với tổng số đơn vị du lịch hoạt động trên toàn tỉnh. Trong ảnh: La Siesta Hoi An Resort & Spa, một trong số các đơn vị đã được cấp chứng nhận du lịch xanh. Ảnh: Q.T
Hiện mới có 11 đơn vị được cấp chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam, tỷ lệ rất thấp so với tổng số đơn vị du lịch hoạt động trên toàn tỉnh. Trong ảnh: La Siesta Hoi An Resort & Spa, một trong số các đơn vị đã được cấp chứng nhận du lịch xanh. Ảnh: Q.T

“Hội đồng thẩm định, đánh giá du lịch xanh Quảng Nam hiện không có kinh phí vận hành, nguồn tài chính hỗ trợ. Hội đồng này có thành viên thuộc các sở, ban ngành và có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh nên cũng phải thông qua nhiều kênh, dẫn đến nhiều rào cản, rất cần chính sách thúc đẩy, mà cụ thể ở đây là sự tự chủ trong huy động cộng đồng du lịch làm du lịch xanh. Ở đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ đồng hành tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp làm chủ thể trong việc cấp chứng nhận” - ông Thanh nói.

Nhiều đề xuất, góp ý cũng được đưa ra phục vụ cho mục tiêu tạo đột phá trong phát triển du lịch xanh Quảng Nam. Có thể kể đến việc xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp và du lịch xanh Quảng Nam; Hội đồng thẩm định, đánh giá du lịch xanh là một đơn vị tư vấn, đánh giá độc lập và có chi phí vận hành; xây dựng và ban hành tiêu chí du lịch xanh ở lĩnh vực nhà hàng; cần chương trình hành động hậu chứng nhận du lịch xanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp đạt tiêu chí xanh tiếp cận được nguồn tín dụng xanh…

Ông Văn Bá Sơn nhìn nhận, việc vận hành Hội đồng thẩm định, đánh giá du lịch xanh gặp vướng mắc bởi đây là bước đi tiên phong nên rất mới mẻ. Ngoài ra, cần phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh hấp dẫn doanh nghiệp tham gia thực hành du lịch xanh. Việc hoàn thiện cơ chế hậu kiểm du lịch xanh cũng hết sức quan trọng để đảm bảo tiến trình theo đuổi du lịch xanh xuyên suốt, không bỏ dở sau khi được cấp chứng nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch xanh bao giờ hết “thí điểm”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO