Giải pháp phục hồi du lịch nông thôn và làng nghề

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 15/12/2022 10:37

(VHQN) - Hội An là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu ở châu Á, mỗi năm đón khoảng 6 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, tạo ra nguồn thu chiếm đến 73% GRDP của thành phố. Khi đại dịch xảy ra, hoạt động du lịch bị đình trệ, khiến kinh tế và xã hội của địa phương này bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là đối với một bộ phận dân cư lấy hoạt động du lịch làm sinh kế chính.

Du lịch nông thôn sẽ được ưu tiên lựa chọn để tái đầu tư sau đại dịch Covid.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du lịch nông thôn sẽ được ưu tiên lựa chọn để tái đầu tư sau đại dịch Covid.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu gồm TS. Hoàng Thị Diệu Thúy (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế), TS. Phạm Thị Duyên Anh (Trường Đại học Queensland, Úc) và TS. Lê Tuấn Anh (Trường Quản lý Quốc tế, Sydney, Úc), dưới dự hỗ trợ tài chính của Quỹ hỗ trợ cựu sinh viên Úc (AAGF), thuộc Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills), đã triển khai dự án nghiên cứu nâng cao khả năng thích nghi với những thay đổi do dịch bệnh Covid-19 của các hộ kinh doanh nhỏ phụ thuộc du lịch ở khu vực nông thôn  Quảng Nam, và Hội An là nơi nhóm nghiên cứu lựa chọn để thực hiện đề án.

Kết quả nghiên cứu đề án trên đã được trình bày tại hội thảo Du lịch nông thôn và làng nghề Hội An: Thích nghi với tình hình mới, do UBND TP.Hội An và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) phối hợp tổ chức hôm 22.4 tại Hội An. 

Du lịch làng nghề sẽ được ưu tiên lựa chọn để tái đầu tư sau đại dịch Covid. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du lịch làng nghề sẽ được ưu tiên lựa chọn để tái đầu tư sau đại dịch Covid. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

TS. Hoàng Thị Diệu Thúy, tác giả báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu và hành vi của khách du lịch Việt Nam thời Covid-19 cho biết: qua khảo sát, đa số du khách Việt Nam đều sẵn sàng đi du lịch trở lại ngay sau khi đại dịch được kiểm soát, và các điểm đến trong nước là lựa chọn hàng đầu.

Sau khi trải qua các đợt dịch bệnh, du khách Việt quan tâm nhiều hơn đến rủi ro, chú trọng nhiều nhất đến các biện pháp bảo vệ sức khỏe và an toàn khi đi du lịch, luôn cập nhật thông tin về rủi ro tại các điểm đến du lịch, quan tâm tìm kiếm các chính sách hoãn hủy, hoàn tiền của các nhà cung cấp khi đặt dịch vụ. Du khách cũng có nhiều thay đổi về các hành vi du lịch: lựa chọn các chuyến ngắn ngày, đi vào mùa thấp điểm và du lịch nhóm nhỏ (chủ yếu với người thân, bạn bè).

Từ kết quả khảo sát này, TS. Hoàng Thị Diệu Thúy có các đề xuất cho ngành du lịch ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung. Đó là: Cơ cấu lại thị trường khách, đầu tư các sản phẩm dịch vụ phù hợp; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và nền tảng trực tuyến; tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro; và mở thêm các chương trình ưu đãi, khuyến mãi về giá và các chính sách hoãn hủy, hoàn tiền linh hoạt hợp lý trong ngắn hạn.

TS. Phạm Thị Duyên Anh đã cùng các cộng sự tiến hành khảo sát 188 hộ kinh doanh du lịch và phỏng vấn sâu 33 hộ tại 4 xã và 11 cán bộ quản lý du lịch trên địa bàn Hội An về tác động của đại dịch Covid-19 đến các hộ kinh doanh du lịch ở các làng nghề Hội An và khả năng thích ứng, phục hồi ngay trong thời điểm đại dịch vừa tạm lắng ở Hội An.

Kết quả cho thấy: 93 % hộ tham gia khảo sát cho biết sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có khách du lịch. Trong đó, 130/188 (69%) hộ bị ảnh hưởng rất lớn và phải thay đổi về kinh doanh do đại dịch Covid-19; 67% số hộ (cung cấp dịch vụ hướng dẫn tham quan, ăn uống và bán lẻ) phải ngưng hoạt động; 31% số hộ (sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ và ăn uống) duy trì hoạt động nhưng thu hẹp quy mô sản xuất và tìm thị trường mới; trong khi hầu hết số hộ tìm kiếm sinh kế khác như làm nông, trồng trọt, đánh bắt cá, công nhân nhà máy, thợ xây dựng, bán hàng ăn vặt, làm thuê ở chợ… để tồn tại.

Từ những nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Thị Duyên Anh đã đề xuất 7 yếu tố nhằm góp phần xây dựng năng lực thích ứng và phục hồi kinh doanh du lịch trong tình hình mới. Đó là: sản phẩm; tiếp thị; con người; tài chính; năng lực quản lý phòng chống dịch bệnh; vốn xã hội; và tình yêu, sự gắn bó với quê hương và nghề nghiệp. 

Tại hội thảo, các chuyên gia du lịch, đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam và đại diện các hộ dân kinh doanh du lịch ở các làng nghề đều cho rằng: Covid-19 đã gây ra hậu quả nặng nề cho hoạt động du lịch ở Hội An, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, sức khỏe và tâm lý của người dân, làm giảm nguồn thu của thành phố.

Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội để chính quyền và người dân nhìn nhận lại hoạt động du lịch ở Hội An, từ đó tiến hành tái cấu trúc cơ cấu kinh tế của địa phương, vạch ra chiến lược mới để giúp người dân vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra, định hướng phát triển du lịch trong tình hình mới là “du lịch xanh, sáng tạo và bền vững”.

Theo đó, “du lịch nông thôn” và “du lịch làng nghề”, vốn là những sản phẩm du lịch trọng yếu của Hội An, sẽ được ưu tiên lựa chọn để tái đầu tư và phát triển thành những sản phẩm tinh hoa, mang bản sắc riêng của Hội An và của Quảng Nam nói chung, để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Hội An nhiều hơn trong thời kỳ hậu đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải pháp phục hồi du lịch nông thôn và làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO