Khai thác giá trị văn hóa tạo sản phẩm du lịch

KHÁNH LINH 29/05/2022 05:33

Làng chài được xem là nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng ngư dân với những giá trị đặc trưng vùng biển. Khai thác giá trị làng chài như một sản phẩm du lịch cũng chính là cách nuôi dưỡng, bảo tồn văn hóa trong tiến trình phát triển xã hội.

Các lễ hội văn hóa - thể thao vùng biển có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch độc đáo tại các làng chài.
Các lễ hội văn hóa - thể thao vùng biển có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch độc đáo tại các làng chài.

Gần 15 năm trước, những homestay đầu tiên xuất hiện ở An Bàng (Hội An) như một sản phẩm du lịch mới lạ. Lưu trú tại đây, du khách được trải nghiệm cuộc sống, lao động người dân dựa trên hình thức 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tham gia các hoạt động chài lưới, đánh bắt cá).

Từ một làng chài bình yên, An Bàng dần đông đúc, trở thành điểm du lịch nổi tiếng và không thể thiếu của khách khi tới Hội An. Tiền đề làm nên thành công này chính là những giá trị văn hóa làng chài và cảnh quan bãi biển. An Bàng hầu như không có khu resort nghỉ dưỡng cao cấp nào ven biển.

Giữa tháng 5, phường Điện Dương (Điện Bàn) tổ chức lễ hội cầu ngư. Đây là dịp để ngư dân địa phương gửi gắm khát vọng về những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, vụ mùa bội thu; bày tỏ lòng tri ân các vị thần Nam Hải đã phù hộ, độ trì làng chài mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng.

Trong 2 ngày lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trình diễn dân gian như hát múa bả trạo, dáy thúng, bóng chuyền, kéo co trên biển… diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo người dân tham gia. Vài doanh nghiệp du lịch tỏ ra tiếc nuối vì không biết đến lễ hội này.

Lễ cầu ngư phường Điện Dương không phải lần đầu được tổ chức mà đã thành thông lệ thường niên của ngư dân ở đây. Dù vậy, tất cả mới chỉ dừng lại ở hoạt động văn hóa tâm linh quy mô gói gọn trong địa phương do khả năng truyền thông và sự kết nối doanh nghiệp lữ hành chưa rộng rãi.

 

Nằm giữa 2 trung tâm du lịch Đà Nẵng và Hội An, các bãi biển Điện Bàn là sự kết nối tuyệt vời của du khách trên hành trình khám phá miền Trung. Nơi đây vẫn còn nhiều bãi biển xinh đẹp hoang sơ và các làng chài, làng nghề truyền thống như nước mắm làng Hà Quảng, bãi tắm Thống Nhất, Viêm Đông, Hà My được xem là những dư địa quý giá để phát triển các loại hình du lịch làng biển.

Điện Bàn đã sớm ban hành và triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch giai đoạn 2007 - 2015 tầm nhìn 2020; trong đó, du lịch biển được xác định là loại hình du lịch mũi nhọn được ưu tiên đầu tư.

Tuy nhiên, những năm qua phát triển du lịch biển Điện Bàn chỉ mới tập trung vào các dự án lưu trú, nghỉ dưỡng, việc khai thác sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa bản địa với sự tham gia của người dân vẫn chưa được quan tâm và truyền thông đúng mức.

Cùng với 2 di sản văn hóa thế giới, nhiều năm qua biển, đảo luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển góp phần làm lên thương hiệu du lịch Quảng Nam. Thống kê trước dịch Covid-19 cho thấy, các khách sạn ven biển Hội An luôn chiếm khoảng 30% tổng lượng khách lưu trú trên địa bàn thành phố.

Phát triển du lịch biển đảo đã trở thành chiến lược trọng tâm của Hội An và được xác định như “cánh tay nối dài” trong việc xây dựng các loại hình, sản phẩm kết hợp giữa đất liền với biển đảo; giữa di sản văn hóa với môi trường sinh thái, thiên nhiên; giữa du lịch trải nghiệm với du lịch hưởng thụ nhằm tạo nên sự phong phú, đa dạng cho khách.

Quảng Nam có 125km bờ biển mới chủ yếu tập trung  đầu tư hạ tầng, lưu trú, còn việc xác định những giá trị văn hóa, kết nối doanh nghiệp, truyền thông thị trường… dường như chưa được các địa phương ven biển chú trọng đúng mức. Không ít làng chài với những giá trị đặc trưng và lễ hội đang đối diện nguy cơ mất đi trước quá trình đô thị hóa.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, tiềm năng du lịch biển Quảng Nam rất lớn, bởi đó không chỉ là những bờ biển mà còn là các giá trị văn hóa làng chài gắn với cuộc sống lao động người dân.

Nhiều năm qua, phát triển du lịch biển đã được ngành du lịch và các địa phương khai thác hiệu quả, kể cả đưa vào trong các quy hoạch, định hướng. Trong xu hướng hiện nay, sản phẩm du lịch biển phải đạt được các tiêu chí về du lịch xanh đã ban hành, bao gồm khu nghỉ dưỡng, đội ngũ lao động các tour du lịch…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác giá trị văn hóa tạo sản phẩm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO