Khát khao mở lối du lịch

QUỐC TUẤN 21/09/2022 06:21

Hội tụ điều kiện thuận lợi để thu hút du khách, vùng đất Dinh trấn Thanh Chiêm xưa (xã Điện Phương, Điện Bàn ngày nay) vẫn cần cách tiếp cận mới để hòa nhịp cùng con đường phát triển du lịch trên hành lang di sản.

Khu vực xung quanh Dinh trấn Thanh Chiêm xưa (xã Điện Phương ngày nay) có nhiều tài nguyên đặc sắc có thể hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Ảnh: Q.T
Khu vực xung quanh Dinh trấn Thanh Chiêm xưa (xã Điện Phương ngày nay) có nhiều tài nguyên đặc sắc có thể hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Ảnh: Q.T

Cú hích từ công viên Dinh trấn và Chữ Quốc ngữ

Do di tích dinh trấn chỉ còn một vài dấu vết, Điện Bàn đã tính đến phương án phục dựng mô hình của dinh trấn xưa để phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, biến nơi đây thành điểm dừng chân đặc sắc với du khách.

Trên khu đất khoảng 1,9ha, công trình Công viên văn hóa lịch sử Dinh trấn Thanh Chiêm và Chữ quốc ngữ (viết tắt là CV Dinh trấn) dự kiến sẽ có các hạng mục chính như: khu vườn tượng, hồ nước, bia - phù điêu, tượng đài Chữ Quốc ngữ, nhà trưng bày Chữ Quốc ngữ, thư viện, hội trường…

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, do công trình có tầm vóc lớn về văn hóa lịch sử nên theo chỉ đạo của tỉnh, thị xã đang chuẩn bị tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, lịch sử, quy hoạch, không gian kiến trúc để cập nhật, bổ sung tư liệu, hiện vật, hình ảnh kiến trúc một cách toàn diện nhất.

Dù vẫn đang trong quá trình sơ khởi, dự án CV Dinh trấn ấp ủ khát vọng hình thành một điểm nhấn chuyên biệt, tái hiện ký ức đầy tự hào của đất, người Thanh Chiêm khi thành tựu, giá trị của di sản này mang ý nghĩa xuyên suốt cho đến hôm nay.

Dù dấu xưa của dinh trấn đã phai nhạt, dường như vẻ đẹp của thời gian vẫn lắng đọng nơi làng quê thanh bình này. Gói gọn trong một vùng đất nhỏ, hiếm có khu vực nào sở hữu nhiều giá trị văn hóa, thiên nhiên đặc sắc như Điện Phương.

Vỏn vẹn trong vài cây số đường chim bay, du khách có thể rong chơi làng cộng đồng Triêm Tây thơ mộng, ghé xem nét tinh xảo của nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều.

Vùng đất của dinh trấn xưa còn nức tiếng với du khách gần xa nhờ ẩm thực. Thật khó cưỡng với tô mỳ quảng Phú Chiêm hay đĩa bê thui Cầu Mống đậm đà vị quê nhà. Và CV Dinh trấn được chờ đợi là cú hích đủ mạnh để du khách có thêm lý do phải ghé Điện Phương để thưởng thức tinh hoa của nguồn cội…

Hòa nhịp cung đường du lịch di sản

Trong định hướng phát triển du lịch theo lãnh thổ của dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực đông bắc của tỉnh gồm Điện Bàn, Duy Xuyên và trung tâm là đô thị du lịch Hội An sẽ phát triển mạnh loại hình du lịch di sản văn hóa - lịch sử.

 

Hiện cán cân du khách đến hai di sản thế giới quá chênh lệch (năm 2019 Hội An đón 5,3 triệu lượt trong khi khu đền tháp Mỹ Sơn chỉ đón khoảng 420 nghìn lượt), do đó du khách cần thêm những điểm đến đặc sắc ở vùng phụ cận và trên một cung đường để tăng sức hút cho hành trình du lịch di sản Quảng Nam.

Đây sẽ là cơ hội của vùng đất Dinh trấn Thanh Chiêm. Khu vực này chính là gạch nối giữa đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Câu chuyện điểm đến ở Điện Bàn hoạch định kết nối vào hành trình Hội An - Mỹ Sơn không mới. Không gian nhà Việt hoặc làng đúc đồng Phước Kiều… từng cố gắng trở thành một phần trong tour tuyến trên nhưng đã không thể tạo ra sức hút với lữ hành và du khách.

Nếu Hội An được xem là biểu tượng cho sự bang giao mở cửa trong quá khứ của xứ Đàng Trong thì Dinh trấn Thanh Chiêm chính là vùng đất mang sứ mệnh “chiếc chìa khóa” kiến tạo tư duy mở, góp phần giúp thương cảng Hội An định vị trên mạng lưới giao thương quốc tế.

Với xu thế du lịch trải nghiệm đang được ưa chuộng, một khi chuyển tải được mối kết nối lịch sử giữa Hội An và Thanh Chiêm, du lịch khu vực sẽ lan tỏa và có sinh khí mới là điều trong tầm tay.

Và khi câu chuyện được chuyển tiếp dài hơi hơn, với những chi tiết hấp dẫn hơn thì nhiều du khách sẽ phải lòng với một chuyến ngược dòng sông Thu lên chuyến đò “ngược dòng thời gian” của xứ Quảng từ Hội An đến Thanh Chiêm rồi lên Mỹ Sơn để thẩm thấu tường tận vẻ đẹp vượt thời gian của vùng đất này qua hơi thở của di sản.

Tất nhiên với “vốn liếng” vết tích và hiện vật hầu như đã tản mát, đây không phải là điều dễ thành hiện thực trong một sớm, một chiều. Để CV Dinh trấn hình thành, cùng với đó là cả hệ sinh thái văn hóa - tự nhiên của vùng đất trở nên tương thích với du lịch thì rất cần thúc đẩy mạnh mẽ các liên kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khát khao mở lối du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO