"Mở đường" chờ đón khách quốc tế: Bắt tay cùng phát triển

XUÂN HIỀN 01/01/2023 08:15

Liên kết là quy luật tất yếu của nhu cầu phát triển, quảng bá du lịch. Tạo sự khác biệt cho sản phẩm du lịch từ những lần bắt tay liên kết tại các tỉnh miền Trung là điều đang được tính toán triển khai.

Ngày 9/12/2022, tại TP.Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch TP.Đà Nẵng khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2022 - VITM 2022. Ảnh: T.L
Ngày 9/12/2022, tại TP.Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch TP.Đà Nẵng khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2022 - VITM 2022. Ảnh: T.L

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết, tạo một bộ nhận diện chung, một slogan cho du lịch các tỉnh miền Trung là điều được các địa phương trong vùng nghĩ đến. "Miền di sản diệu kỳ" - tên gọi chung các sản phẩm cho khối liên kết 5 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình đang được xem xét để tiếp tục phát triển mạnh hơn.

Được biết, cuối năm 2021, các địa phương đã bắt tay để triển khai chương trình liên kết phát triển du lịch trong năm 2022. Và trong năm qua, nhóm liên kết, hợp tác phát triển du lịch 5 địa phương phối hợp triển khai hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, sản phẩm, dịch vụ, tạo hiệu ứng lan truyền trong quảng bá, xúc tiến du lịch của điểm đến 5 địa phương tới thị trường khách trong nước và quốc tế.

Theo đó, các doanh nghiệp của 5 địa phương đã có thời gian và không gian thuận tiện để trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc sắc của mình. Hình ảnh du lịch địa phương được thể hiện cả qua bàn trưng bày ấn phẩm và màn hình LED tại tất cả sự kiện.

Bên cạnh đó, việc truyền thông, quảng bá hoạt động cũng như hình ảnh của khối liên kết rất hiệu quả, từ livestream trên Fanpage Amazing Centre Heritage (fanpage chung của 5 địa phương), Fanpage Quảng Bình tourism và fanpage du lịch của mỗi địa phương, đăng tin hoạt động quảng bá trên các báo, tạp chí, truyền hình trung ương và địa phương.

Thông tin, hình ảnh du lịch 5 địa phương được đẩy mạnh, quảng bá, giới thiệu qua nhiều kênh, hình thức khác nhau. Qua đó, doanh nghiệp du lịch các địa phương đã có nhiều cơ hội để kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài nước.

Quảng Nam tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2022 - VITM 2022 tại TP.Đà Nẵng, tổ chức ngày 9/12/2022. Ảnh: T.L
Quảng Nam tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2022 - VITM 2022 tại TP.Đà Nẵng, tổ chức ngày 9/12/2022. Ảnh: T.L

Tại TP.Đà Nẵng, đầu năm 2022, địa phương này đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với quan điểm chuyển từ "điểm du lịch" sang "vùng du lịch", từ "số lượng" sang "chất lượng", có trọng tâm, trọng điểm.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành khác.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, trong năm 2022, dù lượt khách đến Đà Nẵng tăng mạnh nhưng số khách quốc tế chỉ chiếm 10%. Từ nay đến cuối tháng 3/2023, Đà Nẵng có thêm 9 hãng hàng không khai thác khoảng 2.700 chuyến bay quốc tế đi và đến Đà Nẵng.

Bà Hạnh cho biết, Sở Du lịch đang tích cực phối hợp cùng các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch triển khai các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá điểm đến.

Một sự phối hợp giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành (tour) và hệ thống vận tải cùng vai trò của mối liên kết vùng từ cơ quan quản lý sẽ tạo cú hích để du lịch miền Trung được lựa chọn là điểm đến của khách quốc tế trong tương lai.

CỦNG CỐ NGUỒN KHÁCH

Những ý kiến ghi nhận từ các hãng lữ hành lẫn nhà quản lý về câu chuyện xây dựng sản phẩm và củng cố nguồn khách truyền thống.

Khách quốc tế tham quan Festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển Hội An. Ảnh: Q.T
Khách quốc tế tham quan Festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển Hội An. Ảnh: Q.T

Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Emic Travel: Sản phẩm du lịch xanh đang được thị trường đón nhận

Tại Hội chợ du lịch xanh vừa diễn ra mới đây với sự tham dự của các hãng lữ hành đến từ hai đầu đất nước và miền Trung cho thấy tín hiệu rất mừng khi những công ty này đã tìm thấy những sản phẩm phù hợp với thị trường khách Âu - Mỹ cũng như phù hợp với xu hướng du lịch trách nhiệm trên thế giới, từ đó thiết lập các chương trình chi tiết, cụ thể và phù hợp bán cho khách hàng.

Đặc biệt, với nhiều hoạt động trải nghiệm, famtrip, hội chợ du lịch trong Năm du lịch quốc gia 2022 đã góp phần giới thiệu những sản phẩm cụ thể, mang tính bền vững, qua đó giúp các doanh nghiệp lữ hành, đối tác nhận diện du lịch xanh rõ ràng hơn.

Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được 15 bộ sản phẩm du lịch xanh và các công ty lữ hành đối tác cũng đã lồng ghép sản phẩm du lịch xanh của Emic vào bán trong mùa du lịch năm 2023.

Thị trường hướng đến chủ yếu khách Âu - Mỹ - Úc, ngoài ra chúng tôi cũng đang nghiên cứu chào bán đến thị trường châu Á, Hàn Quốc thông qua các chương trình roadshow.

Điều này có cơ sở, khi những tháng cuối năm này lượng khách rất đông, mặc dù với các sản phẩm du lịch xanh mới chỉ chiếm khoảng 10%. Dự kiến, năm 2023 thị trường du lịch xanh sẽ tăng, kể cả dòng khách MICE. Hiện nay, một số tour dành cho khách MICE tham gia chương trình làm sản phẩm tái chế cũng đã được đơn vị ký kết với đối tác và sẽ triển khai vào tháng 2/2023. GIA KHANG (ghi)

Sản phẩm du lịch xanh được đánh giá là “điểm cộng” thu hút khách quốc tế. Ảnh: X.H
Sản phẩm du lịch xanh được đánh giá là “điểm cộng” thu hút khách quốc tế. Ảnh: X.H

Bà Phạm Thị Quế Anh - Giám đốc Công ty Du lịch Hội An Express: Vừa khai thác vừa hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ

Trước đây, du lịch xanh mới chỉ là định hướng không rõ nét, nhưng từ 2022, khi Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia với chủ đề "Quảng Nam: Điểm đến du lịch xanh" thì mọi hoạt động đều hướng vào mục tiêu này.

Trong đó, việc tạo dựng sản phẩm xanh, điểm đến xanh đã được doanh nghiệp, địa phương, ngành du lịch quan tâm, tập trung nguồn lực, giúp hình thành các sản phẩm, dịch vụ rõ nét, đồng bộ hơn, được các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước đánh giá cao, mở ra cơ hội tốt cho doanh nghiệp du lịch Quảng Nam khai thác hiệu quả nhóm sản phẩm du lịch này với thị trường khách quốc tế.

Với Hội An Express, đến nay chúng tôi đã có 14 sản phẩm du lịch xanh. Tất nhiên, để có một sản phẩm hoàn chỉnh phải cần thời gian, kể cả cơ sở hạ tầng cũng phải hoàn thiện đáp ứng yêu cầu. Thị trường khách trải nghiệm các sản phẩm này chủ yếu vẫn là khách quốc tế.

Tuy nhiên, trong tình hình các dịch vụ điểm đến chưa hoàn thiện như hiện nay, trước mắt chúng tôi chỉ tổ chức những tour số lượng khách lẻ để vừa hạn chế sai sót trong quá trình đón tiếp, phục vụ khách, vừa giúp người dân hoàn thiện chất lượng dịch vụ điểm đến, khi nào sản phẩm, dịch vụ chỉn chu, chuyên nghiệp, Hội An Express sẽ đưa khách đoàn đến tham quan, trải nghiệm. VĨNH LỘC (ghi)

Lượng khách quốc tế đến Khu đền tháp Mỹ Sơn đang dần tăng trưởng tốt trong những ngày cuối năm 2022. Ảnh: Q.T
Lượng khách quốc tế đến Khu đền tháp Mỹ Sơn đang dần tăng trưởng tốt trong những ngày cuối năm 2022. Ảnh: Q.T

Bà Văn Thị Cẩm Tú - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn: Củng cố nguồn khách truyền thống, tiếp cận thị trường tiềm năng

Trong gần 3 năm trầm lắng bởi tác động của dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã có nhiều giải pháp để nâng cao sức hút điểm đến Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đó là chuyển đổi số để khai thác sản phẩm thực tế ảo 360, hoàn chỉnh sản phẩm thuyết minh đa ngôn ngữ bằng mã quét QR, ra mắt sản phẩm “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”, phối hợp khảo sát mở tour du lịch kết nối vùng phụ cận…

Những ngày cuối năm 2022, lượng khách quốc tế đến với Mỹ Sơn dần có sự tăng trưởng khá tốt. Đây là bước đệm để kỳ vọng vào năm 2023 sẽ có khởi sắc mạnh mẽ.

Đã có một số công ty du lịch khai thác dòng khách có chi tiêu cao đặt hàng nên trong năm 2023 đơn vị sẽ tập trung biểu diễn sản phẩm “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” với những đơn vị đặt tour, tiến tới biểu diễn định kỳ vào ngày 16 âm lịch hàng tháng.

Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng sẽ tăng cường các điểm check-in tại các khu vực cảnh quan trong khu di tích nhằm phục vụ nhu cầu, thị hiếu đa dạng của các thị trường khách…

Năm 2023, Khu đền tháp Mỹ Sơn đặt mục tiêu đón khoảng 180 nghìn lượt khách, trong đó có 130 nghìn lượt khách quốc tế. Đây là thời kỳ mà Mỹ Sơn củng cố nguồn khách truyền thống, khách châu Âu, Úc, Hoa Kỳ, chuẩn bị điều kiện để mở rộng tiếp cận nguồn khách Đông Bắc Á khi thị trường này mở cửa.

Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ có xu hướng tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2022 nên cũng rất tiềm năng. Về công tác xúc tiến, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nối cung cấp thông tin du lịch cho đối tác, mở rộng việc xây dựng hình ảnh pano quảng bá tại các điểm du lịch. QUỐC TUẤN (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Mở đường" chờ đón khách quốc tế: Bắt tay cùng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO