Mở rộng liên kết trong phát triển du lịch

VĂN BÁ SƠN 18/12/2021 16:06

(QNO) - Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phá sản, người lao động mất việc làm, mất thu nhập. Để vực dậy hoạt động của ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới, cần có những giải pháp mang tính đột phá dựa trên những mối quan hệ liên kết hợp tác quốc tế và khu vực.

Ngày 20.11 những du khách nước ngoài đầu tiên đã đến Hội An sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh:v.L
Những du khách nước ngoài đầu tiên đến Hội An sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.  Ảnh: V.L

Triển khai các thỏa thuận hợp tác quốc tế

Ngay sau khi phương án đón khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam được ban hành theo chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL đã có gần 400 khách du lịch từ Hàn Quốc đáp xuống sân bay Đà Nẵng, bắt đầu các chuyến du lịch theo hình thức trọn gói, khép kín. Tuy nhiên, theo ông Song Dong-jeong - Chủ tịch của tập đoàn AIbver Hàn Quốc - một tập đoàn chuyên kết nối sản phẩm giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng chia sẻ, khi tham gia các chương trình du lịch quốc tế mà mọi hoạt động tham quan, ăn uống và nghỉ dưỡng theo một chương trình hoạch định sẵn khép kín khiến cho nhiều người, trong đó có bản thân ông cảm thấy chưa thật sự thỏa mái.

Ngoài ra, cũng có ý kiến rằng việc tìm kiếm các thông tin dành cho du khách đến với Quảng Nam còn rất hạn chế kể cả ngôn ngữ, nội dung, tính cập nhật và tính xác thực.

Để hoạt động mở cửa du lịch, nhất là các nhóm khách quốc tế đến với Quảng Nam dưới hình thức “bong bóng du lịch" thực sự hiệu quả, an toàn, cần phải ưu tiên triển khai những thỏa thuận hợp tác khai thác du lịch song phương, trong đó ưu tiên thực hiện những thỏa thuận hợp tác quốc tế đã được Quảng Nam ký kết với các địa phương nước ngoài như Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Belarus và vùng Gabala của Azerbaijan.

Thông qua các cơ chế hợp tác này, cùng với các cơ quan lãnh sự, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các bên cần phải nỗ lực trong việc chia sẽ thông tin, thông báo cho nhau về các chương trình ưu đãi dành cho hoạt động tham quan, mua sắm các đặc sản địa phương, các chương trình nghệ thuật cũng như ẩm thực và lưu trú. Các ưu đãi và chính sách thị thực nhập cảnh thuận lợi hơn, kể cả việc hỗ trợ du khách xin các loại thị thực nhập cảnh nhanh vào Việt Nam.

Trên thực tế thời gian qua, kể cả trước khi các đợt dịch bùng phát, việc chia sẻ thông tin cũng như các hoạt động hợp tác xúc tiến du lịch, hợp tác thực hiện nội dung ngoại giao văn hóa giữa Quảng Nam và nhiều trong số các địa phương đã ký kết vẫn chưa được thực hiện.  

Tăng cường liên kết hợp tác với các tổ chức quốc tế

Cùng với chủ trương của tỉnh trong quy hoạch, đầu tư phía tây Quảng Nam để trở thành những điểm tham quan du lịch sinh thái cộng đồng dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm đa dạng sinh học phong phú, những năm qua, các tổ chức viện trợ nước ngoài như Tổ chức Cứu trợ - phát triển Nhật Bản (FIDR), dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ đã có một số dự án hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của thiên tai trong năm 2020 nên các mô hình du lịch sinh thái được dự án hỗ trợ chưa phát huy được hiệu quả, thu nhập mang lại cho người dân và cộng đồng còn hạn chế.

Với những tiềm năng, lợi thế vốn có du lịch Quảng Nam sẽ sớm phục hồi -Ảnh: V.L
Với những lợi thế, tiềm năng đa dạng du lịch Quảng Nam sẽ sớm phục hồi -Ảnh: V.L

Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu sự thống nhất giữa các ngành, địa phương và dự án trong việc lựa chọn địa diểm thực hiện; thiếu sự chủ động của các mô hình trong việc tìm kiếm, kết nối với địa phương và doanh nghiệp để thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm, dẫn đến thiếu kinh phí để duy trì hoạt động, trong khi hỗ trợ từ dự án đã kết thúc và nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho dịch vụ lưu trú hoặc các điểm du lịch dựa vào cộng đồng vẫn chưa có sự đầu tư, phát triển đáng kể.

Hiện nay, dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt vào tháng 4.2021) có tiểu hợp phần hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Do đó, cơ hội liên kết, hợp tác với dự án cần được tận dụng để tiếp tục duy trì các mô hình đã xây dựng.

Ngoài ra, cần phải có những cơ chế hợp tác cụ thể, thống nhất giữa các ngành, địa phương liên quan với các tổ chức quốc tế và phi chính phủ đang có dự án tại tỉnh để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm và kiến thức của các chuyên gia trong ngành du lịch để có thể phát triển, xây dựng được các khu du lịch sinh thái cộng đồng, các khu cắm trại dành cho du lịch caravan bổ sung cho các sản phẩm du lịch Quảng Nam, vừa khai thác được tiềm năng du lịch sẵn có của các khu bảo tồn thiên nhiên, đem đến cho du khách một góc nhìn khác về văn hóa và con người xứ Quảng.

Kết nối du lịch qua cửa khẩu biên giới phía tây

Khi chính phủ Việt Nam và Lào đưa cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc vào hoạt động đã mở ra cơ hội hợp tác mới không những về kinh tế và thương mại mà còn du lịch giữa vùng kinh tế trọng điểm miền trung Việt Nam với các tỉnh trung - nam của Lào và kết nối với khu vực đông - nam Thái Lan. Tiềm năng khai thác du lịch dọc trục này là rất lớn với điểm đầu là đô thị di sản thế giới Hội An, tháp cổ Mỹ Sơn, xuyên qua các điểm du lịch cộng đồng đậm văn hoá người Cơ Tu và qua bên kia biên giới là những thảo nguyên bát ngát xanh tươi với khí hậu vô cùng mát mẻ sát trung tâm huyện Đắc Chưng của tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào.

Cửa khẩu quốc tế Nam Giang kết nối với Lào - Ảnh: V.L
Cửa khẩu quốc tế Nam Giang sẽ mở ra không gian du lịch rộng lớn cho Quảng Nam về phía Tây. Ảnh: V.L

Theo bà Vilakhone Banthaver - cán bộ của Trung tâm xúc tiến đầu tư – Du lịch tỉnh Sê Kông, nơi đây đã được chính quyền địa phương phát triển thành những điểm cắm trại, du lịch trải nghiệm nổi tiếng. Điểm cuối của tuyến này là những khu rừng thưa xung quanh với những điểm du lịch nổi tiếng như thác nước Tak-la-khun (Thác đầu người), thác Faed, thác Katamtok trên dòng sông Sê Kông hiền hoà và kết thúc tại vùng đất linh thiêng của đền Watphou cổ kính.  

Như vậy, với tổng chiều dài tuyến Hội An - Watphou khoảng dưới 450km, nếu phát tuyến du lịch này được phát triển, sẽ kết nối được các điểm du lịch nổi tiếng dọc trục Đông - Tây của tỉnh Quảng Nam và các địa phương của Lào và khu vực đông bắc Thái Lan.

Với và lợi thế sẵn có về hạ tầng du lịch, tính kết nối liên vùng và quốc tế đa dạng, tính đặc sắc về văn hóa bản địa của một địa phương giàu giá trị di sản, sự hỗ trợ rất tích cực từ các tổ chức quốc tế và phi chính phủ trong và ngoài nước; sự năng động, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm của những người làm du lịch trong việc kết hợp hài hòa các nguồn lực bên trong và bên ngoài, Quảng Nam không những sẽ sớm phục hồi được các hoạt động du lịch, mà còn sẽ làm phong phú hơn các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ du khách nội địa và khách quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng liên kết trong phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO