Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022: "Thắp lửa" đường phục hồi

HÀ SẤU 29/12/2022 09:07

(VHQN) - Trong bối cảnh ngành du lịch đang gượng dậy sau đại dịch COVID-19, Năm du lịch quốc gia 2022 đã giúp Quảng Nam trình làng một số sản phẩm mới cũng như tạo tiền đề về những liên kết chiến lược, tạo đột phá cho lĩnh vực này trong tương lai.

Chương trình “Sắc màu của lụa” diễn ra ở TP.Hội An. Ảnh: H.S
Chương trình “Sắc màu của lụa” diễn ra ở TP.Hội An. Ảnh: H.S

Gầy dựng sản phẩm mới

Năm du lịch quốc gia 2022 là cơ hội để trình làng một số sản phẩm mới đến với du khách và không gian nổi bật nhất để chuyển tải các sự kiện liên quan vẫn là Hội An. Xuyên suốt trong năm, nhiều sự kiện chưa từng diễn ra trước đó đã tạo ra dấu ấn lớn trong lòng du khách, đối tác và cũng tạo ra sự khác biệt cho Năm du lịch quốc gia. Đó là chương trình nghệ thuật “Đêm Hoài giang”, “Sắc màu của lụa” hay Hội chợ du lịch xanh Quảng Nam 2022…

 Ngay từ chủ đề của các chương trình đã cho thấy đặc trưng và thương hiệu mà du lịch địa phương đang hướng đến. Và đặc biệt hơn, các chương trình này dự kiến đều sẽ tổ chức thường xuyên, thường niên để đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương và định vị thương hiệu du lịch xanh Quảng Nam. Từ những gợi mở của Năm du lịch quốc gia 2022, một vùng đất của sự kiện du lịch hoàn toàn có thể sớm được xác lập với những gam màu đặc sắc ở miền di sản.

Ở khu vực phía nam, ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP TM-DV Tâm Group cho biết: “Trong năm, đơn vị đã phối hợp với địa phương hình thành được tour nội vùng Tam Kỳ. Trong đó, khách sẽ tham gia 2 ngày, 1 đêm, ngoài các điểm đến nổi bật còn được hướng đến trải nghiệm kéo lưới và đan chiếu ở không gian mở. Việc thiết lập tour giữa 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh cũng đã có hoạch định và chúng tôi mong muốn có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền các địa phương”.

Năm du lịch quốc gia 2022 là cơ hội để Quảng Nam trình làng một số sản phẩm du lịch mới theo định hướng du lịch xanh.
Năm du lịch quốc gia 2022 là cơ hội để Quảng Nam trình làng một số sản phẩm du lịch mới theo định hướng du lịch xanh.

Năm 2022 cũng chứng kiến sự trở mình của du lịch cộng đồng, trong đó có sự ra đời của Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (Điện Bàn). Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Emic Travel - đơn vị hỗ trợ điểm đến này cho hay, sau quá trình ra mắt và vận hành điểm đến tương đối ổn, những người làm du lịch ở làng đã cải tạo lại cảnh quan ở đây theo hướng thích ứng lâu dài với khí hậu và phù hợp đặc trưng địa phương. Tháng 1/2023 sẽ có những đoàn khách đầu tiên trở lại làng để khám phá nhiều điều mới mẻ của vùng đất này.

Mơ những “hành lang” du lịch

Tạm phác thảo về bản đồ tuyến điểm du lịch Quảng Nam, có thể hình thành đến 5 tuyến theo hướng đông - tây với điểm xuất phát từ Hội An. Tuyến đầu tiên là từ Hội An - đồi chè Đông Giang - làng Bhơ Hôồng - Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang - Đỉnh Quế, rừng Pơmu di sản.

Tuyến thứ hai: Hội An - Khu bảo tồn Sông Thanh - thác Grăng - cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Tuyến thứ ba: Hội An - Trà Kiệu - Khu đền tháp Mỹ Sơn - làng trái cây Đại Bình. Tuyến thứ tư: Hội An - Hòn Kẽm Đá Dừng - đèo Lò Xo. Tuyến thứ năm: Hội An - tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - hồ Phú Ninh - làng cổ Lộc Yên - vườn sâm Nam Trà My.

Trong số các tuyến này, theo đại diện liên danh tư vấn đồ án quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, việc liên kết Hội An với Duy Xuyên, Nông Sơn và đường Đông Trường Sơn để tạo thành hành lang phát triển du lịch từ biển lên núi theo quốc lộ 14H là một trong những mục tiêu chiến lược mà địa phương cần triển khai để tạo đột phá cho du lịch liên vùng.

Khá thú vị khi điều này tương đồng với nhóm các hành lang mà Quảng Nam hoạch định trong dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Và phải chăng, hạ tầng khung theo hướng đông - tây của Quảng Nam còn khá yếu kém, không tương xứng với hạ tầng hướng bắc - nam là lực cản lớn trên du lịch chưa thể lan tỏa rộng khắp.

Ông Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) cho rằng, trong định hướng phát triển thương hiệu du lịch Quảng Nam, cần làm sao để biến Hội An trở thành “hub” (trung tâm hệ sinh thái du lịch), để từ đó khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Hội An sẽ tỏa đi các điểm đến khác trong tỉnh.

Hiện tại vẫn có nhiều người làm du lịch không biết Quảng Nam có gì ngoài Hội An và Mỹ Sơn, thậm chí có người vẫn nhầm lẫn Hội An không thuộc Quảng Nam. Điều này sẽ khiến năng lực tự chủ đón khách của địa phương gặp nhiều hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022: "Thắp lửa" đường phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO