Nằm nghe gió hát...

ĐĂNG NGUYÊN 23/06/2021 11:03

Chuyến ngược núi bất ngờ, chúng tôi kéo nhau đến ngọn thác Arất (thuộc địa phận thôn Ta Ry, xã Lăng, Tây Giang). Lọt thỏm giữa cánh rừng già, thác Arất đẹp tựa lưng trần thiếu nữ, mềm mại đường cong theo triền núi Trường Sơn Đông.

Trên hành trình đến với cuộc vui trải nghiệm ở vùng cao luôn có những không gian xanh ấn tượng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Trên hành trình đến với cuộc vui trải nghiệm ở vùng cao luôn có những không gian xanh ấn tượng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Đó là lần thứ 2 chúng tôi đặt chân đến đây theo hành trình du lịch trải nghiệm với những người bạn vùng cao. Pơloong Plênh, người đưa ra ý tưởng độc đáo này, cũng là chủ nhân của rất nhiều sáng kiến khác về du lịch cộng đồng tại các làng đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang.

Vài năm trước, từ việc kết nối, Pơloong Plênh kêu gọi du khách tìm đến khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa làng Cơ Tu, đón du khách trong các homestay, phục vụ ẩm thực đầy thú vị và ấn tượng.

Về với núi

Chúng tôi quây quần bên nhau trong bữa cơm đậm chất truyền thống dưới chòi duông. Lá chuối, lá vả tươi trở thành vật dụng thay thế mâm, chén, dĩa... Pơloong Plênh nói, đó là cách mà anh chọn để “sống với thiên nhiên”, với những cung bậc cảm xúc cũ về nếp sống cha ông ngày trước. Không quá cầu kỳ nhưng cũng đủ để du khách cảm nhận một sự trải nghiệm đầy lạ lẫm giữa không gian tự nhiên của mẹ rừng.

Bữa cơm gia đình đãi khách trên chòi duông của Pơloong Plênh.
Bữa cơm gia đình đãi khách trên chòi duông của Pơloong Plênh.

Nơi này không có sóng điện thoại, không điện lưới. Chúng tôi đi, bỏ lại sau lưng những ồn ào của nhịp sống. Về với núi, như cách chia sẻ hồn hậu của chủ nhân các “bữa tiệc” trong những lần du lịch trải nghiệm.

“Mình làm, bởi muốn níu giữ những gì tự nhiên nhất, muốn khôi phục và bảo tồn giá trị văn hóa lâu đời nhất của ông cha - những người đã khai sinh làng Cơ Tu ngày trước. Đó cũng là cách để quảng bá, giới thiệu và hình thành các tour du lịch “thuần tự nhiên” được du khách ưa chuộng” - Pơloong Plênh tâm sự.

Câu chuyện của Pơloong Plênh bắt nguồn từ sở thích cá nhân, cũng như xu hướng của du khách mỗi khi đặt chân đến Tây Giang. Từ những gì đơn giản nhất, dân dã nhất được Pơloong Plênh đưa vào sản phẩm du lịch cộng đồng như một cách “ôn lại truyền thống”, nào ngờ lại nhanh chóng trở thành thú vui độc đáo, thu hút rất nhiều du khách trải nghiệm. Thời điểm trước khi có dịch bệnh, gươl, moong (nhà sinh hoạt cộng đồng), chòi duông, hay thác nước… đều nằm trong danh sách “đặt hàng” của khách mỗi khi về với non ngàn.

Lợi thế có nhiều thác nước đẹp, trải dọc các xã từ vùng cao xuống vùng thấp, những năm gần đây, Tây Giang mở hướng phát triển du lịch trải nghiệm gắn với sinh thái rừng. Bằng rất nhiều sản phẩm kết hợp, những chuyến đi-về-với-núi được hình thành, phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là định hướng của địa phương trong dự án phát triển du lịch, nhằm kích cầu dịch vụ tiềm năng vốn được xem là rất nhiều lợi thế với Tây Giang và các địa phương miền núi lân cận.

Chờ du khách… trở về

Chúng tôi thức giấc ở một chòi duông, giữa rừng cao su bạt ngàn, xanh mướt. Ánh nắng xuyên qua những tán lá cây rừng, lấp lánh hình ngôi sao dưới mặt hồ đầy nước. Tiếng của những chú chim sâu, chích chòe lảnh lót, gợi lên bao hoài niệm ngày cũ.

Pơloong Plênh chọn dựng mái duông ở một không gian khá cao so với mặt nước. Có đủ đầy sạp ngủ, mền chiếu, bếp nấu ăn, không gian tắm rửa, vệ sinh… cho du khách. Một chiếc loa cỡ trung được đặt cạnh góc nhà, Pơloong Plênh nói, để thư giãn sau mỗi lần ngược núi, chủ yếu là nghe nhạc và tiếp sóng chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Từ trên cao nhìn xuống, những cánh đồng ruộng lúa vàng tươi đang vào vụ mùa gặt. Một cảm giác bình yên đến lạ. Pơloong Plênh đãi chúng tôi bữa cơm gia đình, có đủ thịt, cá và rau rừng. Tất cả được mang về trong chuyến rong ruổi dọc theo con nước của ngày hôm trước.

Cách chế biến không quá cầu kỳ, phần lớn là theo phương thức truyền thống như nướng ống và các món zará (thọc nhuyễn)… mang lại hương vị vừa lạ vừa quen như cách Pơloong Plênh muốn du khách thưởng thức, trải nghiệm.

Nhớ hôm trước đến thác nước Arất, gần chục thanh niên nam nữ Cơ Tu được huy động cùng leo núi, tìm bắt cá bằng các vật dụng thô sơ. Họ dùng vợt xúc, dùng lưới để bủa, thậm chí là dùng tay để bắt cá, mò cua.

Người Cơ Tu giỏi bắt cá, mỗi người góp một chút công sức, chẳng mấy chốc đã thấy đùm cá được mang về, cùng nhau chế biến các món ẩm thực đặc trưng. Pơloong Plênh và những người bạn của mình không muốn tác động quá nhiều vào môi trường tự nhiên, vì thế không một ai được phép chặt cây rừng hoặc dùng xung điện bắt cá.

“Bàn ăn, nơi nghỉ chân đều được tận dụng từ các bãi đá lớn. Tất cả được sắp xếp, kê cao ngay ngắn ở một góc phía chân thác nước, để lộ vòm trời trong xanh. Như thế, vừa có không gian vui chơi trải nghiệm, vừa giữ cho môi trường sinh thái luôn được tự nhiên” - Pơloong Plênh chia sẻ.

Trong suy nghĩ của Plênh, tới đây, khi mô hình “du lịch xanh” được tái sinh, trên từng thác nước, khu dừng chân sẽ được đầu tư những căn chòi một cách bài bản, phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt, thư giãn của du khách. 

Vùng cao mùa này, gió thổi ngược từ chân núi, mát lạnh như hơi sương ban sớm lúc tôi tỉnh dậy trên chòi duông. Hôm đứng ở ngọn thác cao chừng vài chục mét, gió cứ vi vu thổi, cảm giác không muốn về nhà. Chọn đặt lưng trên một tảng đá lớn cạnh ngọn thác, nghe từng cơn gió vỗ về.

Chợt miên man đến câu chuyện “du lịch xanh” ở núi, vừa chớm nở sau những nỗ lực của cộng đồng. Nhưng, niềm vui đã bị dịch bệnh và thiên tai cuốn trôi. Gần 2 năm ròng, không một bóng du khách.

Những người kết nối như Pơloong Plênh, và cả Clâu Lanh - chủ homestay Nấm’s ở Đông Giang - cũng ngậm ngùi theo câu chuyện thực tế. Chỉ cầu mong sớm hết dịch, bớt những đợt thiên tai hoành hành để lại từng ngày phục hồi mô hình “du lịch xanh” cộng đồng. Nhớ du khách, họ nói đang chờ những cuộc vui “ngày trở về”...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nằm nghe gió hát...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO