Nghịch lý thị trường lao động du lịch

VĨNH LỘC 20/06/2022 10:37

(QNO) - Doanh nghiệp lo lắng thiếu nhân viên trong khi người lao động mòn mỏi chờ việc làm. Nghịch lý đang diễn ra tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn TP.Hội An.

Lao động ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi du lịch Quảng Nam. Ảnh: V.L
Lao động ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi du lịch Quảng Nam. Ảnh: V.L

Dè dặt tuyển dụng

Chị Lê Thu Trang tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị khách sạn gần 3 năm trước và đã làm việc trong một số cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng, Hội An. Dịch Covid-19 bùng phát, chị thất nghiệp ở nhà. Đầu tháng 5.2022 nghe tin một số khách sạn trên địa bàn Hội An tuyển dụng nhân viên, chị nộp hồ sơ. Dù vậy hơn 1 tháng qua vẫn chưa nhận được lịch hẹn phỏng vấn.

“Tôi thấy nhiều khách sạn đăng tin tuyển dụng nhưng khi nộp đơn chỗ thì nói đã tuyển đủ, chỗ nói làm trả công nhật, chỗ chờ gọi phỏng vấn, cuối cùng chẳng thấy gì” - chị Trang chán nản.

Nhiều người lao động như chị Lê Thu Trang đã phải thất vọng khi nộp đơn ứng tuyển vào các cơ sở lưu trú du lịch thời gian qua. Không ít ý kiến cho rằng, việc đăng tin tuyển dụng trên mạng xã hội giống như hình thức quảng cáo… hình ảnh doanh nghiệp, thực chất chẳng có tuyển dụng nào cả.

Du khách đã trở lại Hội An khiến nhu cầu tuyển dụng nhân sự du lịch thay đổi. Ảnh: V.L
Du khách đã trở lại Hội An khiến nhu cầu tuyển dụng nhân sự du lịch thay đổi. Ảnh: V.L

Năm 2019, tổng số lao động làm việc trong ngành du lịch Quảng Nam khoảng 18 nghìn người, trong đó 14 nghìn lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát khiến rất nhiều lao động bỏ nghề, chuyển sang các ngành nghề khác. Tại một số cơ sở lưu trú, số lượng nhân viên sụt giảm hơn 2/3, thậm chí chỉ giữ lại bộ khung nhằm tiết giảm chi phí.

Giữa tháng 3.2022, hoạt động du lịch dần trở lại trạng thái bình thường, hầu hết dự báo cho thấy ngành du lịch sẽ thiếu hụt lao động khi lượng lớn nhân viên đã chuyển việc trước đó khó quay lại. Tuy nhiên, để tuyển dụng lại lao động thì không phải doanh nghiệp nào cũng mạnh dạn.

Bà Huỳnh Thị Minh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhân sự thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, lao động nghỉ dài ngày sẽ khó khăn khi trở lại làm việc bởi quên nghề, nhất là ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn. Dù vậy, doanh nghiệp khó tuyển dụng ồ ạt vì khách du lịch chưa nhiều, nhất là khách quốc tế. Do đó đa số cơ sở ưu tiên những vị trí cần thiết như buồng phòng, kỹ thuật; riêng bộ phận phục vụ, nhà hàng được thuê công nhật, trả tiền theo ngày.

“Tất nhiên, với những nhân viên này khó thể đòi hỏi chuyên nghiệp được, nhưng vì thời điểm hiện tại chủ yếu khách Việt nên cũng tạm chấp nhận. Khi nào khách quốc tế quay lại đông các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng bài bản hơn, kể cả đào tạo lại” - bà Minh giải thích.   

Nâng cao chất lượng lao động

Mặc dù hoạt động du lịch đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại, nhưng thực tế chỉ mới tập trung vào những ngày cuối tuần nên tỷ lệ lấp phòng tại các cơ sở lưu trú khá thấp, bình quân khoảng 25%.

Thậm chí, một số khách sạn lớn ở Hội An đến nay vẫn chưa dám mở cửa do nguồn thu không đủ chi phí vận hành. Đặc biệt, một số doanh nghiệp cũng đang trong quá trình tái cơ cấu bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, đưa công nghệ vào quản lý… càng khiến thị trường lao động chưa thể ổn định.

Theo đại diện khách sạn Hoàng Gia Hội An, thời gian này đơn vị đang hoàn thiện lại bộ máy nhân sự theo chuẩn quy định trước khi đón khách quay lại. “Nhân sự Hoàng Gia phải luôn đáp ứng quy trình bắt buộc của khách sạn 5 sao và quy chuẩn vận hành của đối tác nước ngoài nên chúng tôi có những yêu cầu bắt buộc cao với nhân viên. Vì thế không thể vội vàng được” - vị đại diện này nói.

Nâng cao chất lượng lao động ngành du lịch phù hợp với thị trường khách trong giai đoạn mới. Ảnh: V.L
Nâng cao chất lượng lao động ngành du lịch để phù hợp với thị trường khách trong giai đoạn mới. Ảnh: V.L

Ông Nguyễn Duy Quang - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng khẳng định, lao động du lịch đóng vai trò mấu chốt trong tất cả hoạt động, phát triển của doanh nghiệp. Với các cơ sở lưu trú, dịch vụ, điều này càng quan trọng. Vậy nên, trong thời điểm hiện tại nếu doanh nghiệp không chuẩn bị kế hoạch nhân sự chắc chắn sẽ đối diện nhiều khó khăn, kể cả cạnh tranh với đối thủ trong thời gian tới.

Năm học 2022 - 2023, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu tuyển sinh 700 sinh viên 2 hệ cao đẳng và trung cấp thuộc các nhóm ngành như Quản trị khách sạn, Quản trị khu resort, Quản trị nhà hàng, Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Quản trị du lịch MICE… Đây được xem là những ngành “hot” trong thời gian tới.

“Quan điểm của chúng tôi là gắn đào tạo với nhu cầu thực tế. Cụ thể, với hệ cao đẳng chúng tôi xây dựng chương trình theo hướng bố trí 2/5 học kỳ cho hoạt động thực hành tại doanh nghiệp nên khi sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay. Hiện nay trường cũng đã kết nối với nhiều doanh nghiệp để sinh viên đến thực tập, học việc, trên cơ sở thực tế sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng sau khi sinh viên tốt nghiệp” - ông Quang cho biết.

Năm học 2021 - 2022, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã kết nối với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng một số doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn tỉnh như Four Seasons, Vinpearl Nam Hội An, Fivitel Hội An… đưa gần 100 sinh viên đến học việc, thực tập và làm việc tại doanh nghiệp.

Thiếu hụt nhân lực lao động ngành du lịch không chỉ mới xuất hiện sau đại dịch Covid-19 mà đã từ vài năm trước, tuy vậy giữa những cảnh báo của chuyên gia, ngành du lịch với toan tính của doanh nghiệp luôn chênh nhau.

Một số ý kiến cho rằng, do phần lớn doanh nghiệp du lịch Hội An nhỏ và vừa nên áp lực về lao động không quá lớn, vì vậy việc tuyển dụng lao động trả công theo ngày như một số doanh nghiệp đang làm hiện nay có vẻ phù hợp. Nhưng để có lực lượng lao động chuyên nghiệp, ổn định và hiệu quả cần một chiến lược, toan tính dài lâu của ngành du lịch. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghịch lý thị trường lao động du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO