Nốt trầm trên "công trường" dự án du lịch

QUỐC TUẤN 22/01/2022 06:29

Bên cạnh nỗi buồn “đóng băng” vì dịch bệnh, việc phát triển du lịch Quảng Nam cũng đang gặp nhiều thách thức bởi nhìn đâu cũng thấy những dự án ì ạch tiến độ trong thời gian dài.

Khá nhiều dự án du lịch ở vùng Đông của tỉnh thời gian qua bị chậm tiến độ. Ảnh: Q.T
Khá nhiều dự án du lịch ở vùng Đông của tỉnh thời gian qua bị chậm tiến độ. Ảnh: Q.T

Muôn kiểu dở dang

Vùng Đông Quảng Nam thời gian qua thực sự là “thỏi nam châm” với các dự án. Đáng tiếc là rất nhiều trong số đó đều triển khai dang dở. Đơn cử, có dự án du lịch đã được giãn tiến độ đến hai lần nhưng đến nay vẫn chưa ra mắt.

Có dự án đã sang tên đổi chủ hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư liên tục và cũng không thấy sản phẩm đâu. Và cũng nhiều dự án cơ quan chức năng buộc phải thu hồi sau thời gian dài tạo điều kiện hết mức. “Mẫu số” khó khăn chung các nhà đầu tư đề cập trọng tâm vẫn bởi dịch bệnh và vướng giải phóng mặt bằng.

Ở khu vực ven biển Điện Bàn, lúc ra mắt, hầu hết dự án đều hứa hẹn về những sản phẩm du lịch tinh hoa khi hợp tác vận hành quản lý khách sạn với thương hiệu du lịch hàng đầu thế giới như Accor… rồi đến nay cũng chỉ ở trên giấy.

Hay như dự án Khu vui chơi văn hóa giải trí nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái Thiên Đường Cổ Cò cuối năm ngoái đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh tên dự án thành khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí Cổ Cò cùng nhiều nội dung, hạng mục được thu hẹp để đảm bảo tính khả thi của dự án bởi kéo dài gần 10 năm qua.

Trong khi đó, có dự án ở vùng đông nam của tỉnh nói như ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường là “sắp trải dài qua 4 thời kỳ Luật Đất đai vì đã dang dở 18 năm”.

Không chỉ khu vực ven biển, nhiều dự án khác với tham vọng khai mở hệ sinh thái tự nhiên quý giá ở vùng Nam, vùng Tây của tỉnh cũng khiến cơ quan chức năng “sốt ruột” vì ì ạch.

Điểm riêng những dự án gắn với các mỏ khoáng nóng, khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng (Đông Giang) vừa tiếp tục bị thúc tiến độ. Trước đó, dự án khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng Tây Viên (Nông Sơn) cũng bị thu hồi đất sau 13 năm treo lơ lửng.

Tại cuộc họp về giải quyết vướng mắc cho một dự án nghỉ dưỡng du lịch, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, cũng cần thông cảm cho khó khăn các doanh nghiệp du lịch, bởi dự án nếu có đúng tiến độ đưa vào vận hành thì cũng không đào đâu ra khách để phục vụ và việc bù đắp chi phí vận hành sẽ rất lớn.

Dấu hỏi về bản sắc sản phẩm

Một vài dự án tầm cỡ ở vùng Đông như Hoiana, Vinpearl Nam Hội An, TUI Blue Nam Hội An đi vào hoạt động đã định hình thương hiệu với sản phẩm golf, casino hay khu vui chơi chủ đề.

Chưa có dự báo nào về việc “khủng hoảng thừa” phân khúc lưu trú ven biển nhưng liệu kịch bản này có xảy ra khi hàng chục dự án sẽ đi vào hoạt động trong tương lai với các sản phẩm đều na ná như nhau?

Ở phần còn lại, dễ nhận thấy phần nhiều khách sạn, resort được đánh giá nằm ở phân khúc cao cấp của Quảng Nam vẫn đơn thuần là sản phẩm lưu trú chứ chưa có thiết kế sản phẩm mang tính đột phá, tạo động lực cho phát triển vùng.

Các dự án du lịch cao cấp cần có thêm điểm nhấn ngoài lưu trú đơn thuần để tạo ra sự khác biệt. Ảnh: Q.T
Các dự án du lịch cao cấp cần có thêm điểm nhấn ngoài lưu trú đơn thuần để tạo ra sự khác biệt. Ảnh: Q.T

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: “Vừa qua, một dự án dự kiến sẽ luôn lấp đầy công suất phòng và đón gần 120 nghìn lượt khách lưu trú hàng năm khi đi vào hoạt động ở vùng Nam Quảng Nam là không khả thi”.

Còn ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch (Sở Xây dựng) cho hay, ở góc độ cơ quan nhà nước quản lý về quy hoạch, đơn vị luôn mong muốn các nhà đầu tư có những ý tưởng mới, đẳng cấp bởi khu vực vùng Đông cực kỳ đắc địa. Có dự án ven biển khi lập quy hoạch thì có khu du lịch cộng đồng nhưng thực sự ý tưởng rất qua loa, không có yếu tố hoặc sản phẩm gắn với cộng đồng thực chất.

Nguồn lực đất đai, nhất là đất đai phục vụ phát triển du lịch là hữu hạn, nên mỗi dự án đều cần có những điểm nhấn riêng biệt tạo thành bức tranh chung đa màu sắc của du lịch Quảng Nam.

Ông Hoàng Châu Sơn - Phó Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam nhận định: “Các phần diện tích sát biển trên địa bàn tỉnh rất quý, vì vậy mặc dù tôn trọng phương án đầu tư của các doanh nghiệp nhưng mỗi dự án du lịch đều cần phải chú trọng hình thành những sản phẩm đặc thù”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nốt trầm trên "công trường" dự án du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO