Quy hoạch không gian du lịch Điện Bàn

VĨNH LỘC 26/12/2022 07:34

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 17 (ngày 20/4/2017) của Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển ngành du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, thị xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực và nhận diện rõ những hạn chế cần khắc phục.

Nhiều sản phẩm, điểm đến du lịch Điện Bàn thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: V.L
Nhiều sản phẩm, điểm đến du lịch Điện Bàn thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: V.L

Chưa tương xứng tiềm năng

Ngày 18/3/2022, Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (Điện Phong, Điện Bàn) được UBND tỉnh công nhận là Điểm du lịch cộng đồng của tỉnh.

Qua hơn 9 tháng mở cửa, thông qua sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành, khoảng 1.200 lượt khách đã đến tham quan, lưu trú tại Cẩm Phú, trong đó có hàng trăm lượt khách nước ngoài.

Dù mới chỉ bắt đầu, nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của du lịch Điện Bàn theo hướng du lịch sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 17 về phát triển du lịch Điện Bàn, bên cạnh các dự án du lịch lớn ven biển đã và đang triển khai, nhiều sản phẩm du lịch mới cũng được hình hành, nổi bật có thể kể đến Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (xã Điện Phương).

Từ năm 2017 đến 2022, lượng khách lưu trú trên địa bàn thị xã ước đạt hơn 150 nghìn lượt, tổng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 2,2%/năm.

Để đạt được kết quả này, thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối đối tác, doanh nghiệp luôn được Điện Bàn triển khai quyết liệt. Nhiều đoàn famtrips, preestrip đã đến khảo sát du lịch tại một số điểm như Triêm Tây, Cẩm Phú, khu vực Gò Nổi, dọc sông Thu Bồn... qua đó hình thành nên các tour tuyến du lịch đặc thù.

Theo ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Thị ủy, cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch.

Công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch được quan tâm chú trọng. Hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư, bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng mới, mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy vậy, phát triển du lịch Điện Bàn nhìn chung không ổn định, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Mặc dù phát triển du lịch đã được Điện Bàn đặt ra từ rất sớm với mục tiêu hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng con số đạt được quá nhỏ bé so với toàn ngành kinh tế.

Vì vậy, đã đến lúc xây dựng các chiến lược, quy hoạch cụ thể để Điện Bàn trở thành điểm đến, kết nối với các trung tâm du lịch trong vùng như Hội An, Đà Nẵng dựa trên những lợi thế vị trí, tiềm năng văn hóa, thiên nhiên, nhất là lợi thế về bờ biển, tạo điểm thu hút các phân khúc khách, tránh sự phát triển manh mún.

Đồng bộ quy hoạch du lịch

Mới đây, Điện Bàn tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 17 về phát triển du lịch. Một nguyên nhân khiến du lịch chưa phát triển như kỳ vọng được các đại biểu chỉ ra đó là chưa làm tốt công tác quy hoạch, trong đó câu chuyện về làng du lịch cộng đồng Triêm Tây là điển hình về thiếu quy hoạch đồng bộ trong phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhiều sản phẩm, điểm đến du lịch Điện Bàn thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: V.L
Nhiều sản phẩm, điểm đến du lịch Điện Bàn thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: V.L

Bà Phan Thị Thái Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT và TT-TH Điện Bàn khẳng định, chỉ khi làm tốt quy hoạch, phân vùng phát triển du lịch mới có thể thúc đẩy du lịch phát triển đồng bộ hiệu quả.

Việc thiếu cán bộ quản lý nhà nước chuyên trách hay hạn chế nguồn lực đầu tư dành cho du lịch cũng là nguyên nhân khiến du lịch Điện Bàn phát triển chưa tương xứng.

Theo ông Phạm Văn Ba - Trưởng phòng VH-TT Điện Bàn, nhiều năm nay nguồn kinh phí dành cho hoạt động sự nghiệp du lịch rất hạn chế. Cụ thể, qua 3 năm thực hiện đề án phát triển du lịch (2019 - 2022), nguồn kinh phí cấp cho phòng chỉ khoảng 290 triệu đồng (theo đề án) và 120 triệu đồng chi thường xuyên về du lịch. Một số dự án du lịch trên địa bàn vướng mắc về thủ tục đầu tư nên chậm triển khai…

Ông Phan Minh Dũng cho biết, để du lịch Điện Bàn phát triển hiệu quả, thời gian tới cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt phải nhanh chóng thực hiện các nội dung về quy hoạch phát triển du lịch vào quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thị xã phải phát triển đa dạng loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch sông nước kết hợp du lịch cộng đồng, sinh thái, homestay; phát triển thương hiệu du lịch làng nghề, ẩm thực địa phương.

Theo ông Dũng, cần đầu tư, thu hút đầu tư hoàn thiện các bãi tắm công cộng (Viêm Đông, Hà My, Thống Nhất), xây dựng Công viên biển theo quy hoạch. Muốn phát triển sản phẩm du lịch sông nước, trước hết phải phát triển giao thông đường thủy phục vụ cho du lịch, nhất là sau khi sông Cổ Cò được nạo vét, khơi thông.

Địa phương sẽ huy động nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, kết nối không gian giữa các điểm du lịch, tuyến ven biển, kể cả hợp tác xây dựng sản phẩm và hệ thống tuyến điểm du lịch chung Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Mỹ Sơn, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để các dự án du lịch, dịch vụ ven biển cũng như trên địa bàn thị xã được triển khai đầu tư, hoạt động hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch không gian du lịch Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO