Suy ngẫm trên con đường du lịch xanh Quảng Nam

QUỐC TUẤN 28/03/2022 05:47

Du lịch xanh là lối đi đúng đắn nhưng không hề dễ dàng. Hội thảo “Quảng Nam phát triển du lịch xanh - gìn giữ giá trị bản địa” diễn ra cuối tuần qua tại TP.Hội An đã đọng lại nhiều ý kiến tâm huyết để góp phần xây dựng thương hiệu “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”.

Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Bàn) vừa ra mắt được định hướng phát triển du lịch xanh. Ảnh: Q.T
Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Bàn) vừa ra mắt được định hướng phát triển du lịch xanh. Ảnh: Q.T

Phải phát triển du lịch xanh đúng nghĩa

Du lịch xanh theo nghĩa rộng là du lịch theo hướng bền vững, đáp ứng đồng thời cả 3 mục tiêu: tăng trưởng du lịch nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, hiểu theo nghĩa này thì du lịch xanh mang hàm ý vĩ mô, gắn với tư tưởng phát triển của cả ngành du lịch, góp phần thúc đẩy hình thành nền kinh tế xanh.

Dịp này, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam công bố thông tin tổng quan về Tuần du lịch xanh Quảng Nam năm 2022 diễn ra từ ngày 7 - 11.9. Chương trình này sẽ có hội chợ du lịch xanh quốc tế dự kiến quy tụ 200 hãng lữ hành trong nước, 100 hãng lữ hành quốc tế; diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, dự báo xu hướng du lịch xanh trên thế giới; trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch xanh, hàng hóa hữu cơ của các tỉnh thành...

Du lịch xanh là hướng đi còn tương đối mới mẻ ở Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Tại quốc đảo Maldives, các cơ sở lưu trú đều phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, không công trình nào được cao hơn ngọn dừa, số lượng nhân viên làm việc tại resort là công dân Maldives bắt buộc không dưới 45% tổng số nhân viên…

Nhờ đó, Maldives nổi lên là điển hình về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, có thể nghiên cứu áp dụng cho phát triển du lịch tại các đảo nói riêng và khu du lịch biển của nước ta nói chung.

Nhìn từ bài học của quốc đảo Maldives, ở một quy mô nhỏ hơn, có vẻ Cù Lao Chàm hội tụ đủ mọi điều kiện để phát triển du lịch xanh theo hướng này.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng: “Nhìn chung Quảng Nam đã trải qua giai đoạn đáp ứng gần như vô điều kiện các nhu cầu tour tuyến, lưu trú và các dịch vụ khác của du khách. Vì vậy, phát triển du lịch xanh là xu hướng tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu du lịch địa phương hậu đại dịch Covid-19”.

Trải nghiệm lắc thúng chai trên sông Hoài hưởng ứng lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022. Ảnh: Q.T
Trải nghiệm lắc thúng chai trên sông Hoài hưởng ứng lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022. Ảnh: Q.T

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, vấn đề rất cần lưu ý khi phát triển du lịch xanh chính là kiểm soát chặt các hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” dưới hình thức là các dự án du lịch xanh nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất, quỹ rừng.

Cần thêm trợ lực

Là một trong 14 đơn vị tiên phong chuyển đổi theo hướng du lịch xanh trên địa bàn tỉnh, khách sạn La Siesta Hội An Resort & Spa khi chuyển đổi vận hành du lịch xanh vừa tiết kiệm được 30 triệu đồng/tháng chi phí cho túi ny lon vừa không xả chất thải khó phân hủy ra môi trường.

Ông Vương Đình Mạnh - Tổng Giám đốc La Siesta Hội An Resort & Spa đề xuất, cần có chính sách cụ thể thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp bởi đây đều là những lĩnh vực mà du lịch Quảng Nam có nhiều tiềm năng.

Quảng Nam đang lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó lồng ghép nội dung du lịch xanh.

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Các cơ sở du lịch cần nghiên cứu chuyển đổi một phần hoặc toàn phần các công đoạn hướng đến du lịch xanh. Các nhà đầu tư mới hình thành cần ràng buộc một số quy định, yêu cầu thực hiện du lịch xanh trong dự án mới. Những dịch vụ du lịch xây dựng mới thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu tuân thủ tối đa Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam”.

Đại biểu tọa đàm về du lịch xanh tại hội thảo. Ảnh: Q.T
Đại biểu tọa đàm về du lịch xanh tại hội thảo. Ảnh: Q.T

Về định lượng thị trường du lịch xanh ông Tường thông tin đây là vấn đề khó, mới đây Sở VH-TT&DL đã phối hợp với một đơn vị quốc tế thực hiện nghiên cứu thị trường về du lịch xanh nhằm đánh giá nhu cầu tiêu dùng du lịch xanh của khách quốc tế lẫn khách nội địa.

Thời gian qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cố gắng đưa các nhiệm vụ khuyến khích chính sách thu hút đầu tư trong, ngoài nước để phát triển du lịch xanh. Bà Trần Minh Huế - Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay, trong giai đoạn 2012 - 2020, Quảng Nam được Bộ lựa chọn thí điểm thực hiện tăng trưởng xanh.

“Du lịch xanh sẽ là một lĩnh vực mà Bộ triển khai thí điểm trong giai đoạn tới, từ đó sẽ tính toán làm thế nào để huy động vốn, giúp Quảng Nam tiếp cận các nguồn quỹ nhằm phát triển du lịch xanh” - bà Huế nói.

Cuối tuần qua tại Hội An, Quảng Nam công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh và Tuần du lịch xanh Quảng Nam 2022. Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP), tham khảo tiêu chí của 25 bộ tiêu chí quốc tế và điều chỉnh để phù hợp thực tiễn của địa phương.

Bộ tiêu chí gồm 6 lĩnh vực cho các loại hình: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng sinh thái, điểm du lịch dựa vào cộng đồng, lữ hành và điểm tham quan. Tại chương trình công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh, lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch tặng hoa động viên, chúc mừng 14 doanh nghiệp du lịch tiên phong trên địa bàn tỉnh phát triển, vận hành theo bộ tiêu chí này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Suy ngẫm trên con đường du lịch xanh Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO