Tam Kỳ hướng đến trung tâm du lịch phía nam

XUÂN PHÚ 10/05/2022 06:44

Để tạo ra sự đột phá trong phát triển, hướng đến trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh, TP.Tam Kỳ xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp cấp thiết, từ định hướng không gian phát triển, thị trường khách, các loại hình du lịch đến đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu.

Các đôi uyên ương chuẩn bị nhận giấy đăng ký kết hôn tại lễ hội hoa sưa. Ảnh: X.P
Các đôi uyên ương chuẩn bị nhận giấy đăng ký kết hôn tại lễ hội hoa sưa. Ảnh: X.P

Từ lễ hội hoa sưa…

Dù có sự điều chỉnh thời gian tổ chức vì điều kiện thời tiết, song lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa 2022” (tổ chức tại làng sinh thái Hương Trà, phường Hòa Hương) vẫn được coi là kỳ lễ hội thành công nhất từ trước đến nay.

Theo đề án phát triển du lịch TP.Tam Kỳ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tổng nguồn vốn đầu tư 107 tỷ đồng, trong đó nguồn sự nghiệp 28 tỷ đồng, nguồn xây dựng cơ bản gần 79 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, sản phẩm du lịch dự kiến khoảng 875 tỷ đồng (đáng chú ý như dự án sông Đầm, công viên văn hóa dịch vụ trước Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, khu thương mại dịch vụ và du lịch dọc tuyến ven biển Tỉnh Thủy - Thượng Thanh, trục cảnh quan đường Nguyễn Tất Thành...)

Cùng với mở rộng quy mô và nâng tầm công tác tổ chức theo hướng chuyên nghiệp hơn, lễ hội năm nay còn ghi dấu ấn khi thu hút lượng du khách cao kỷ lục.

Theo UBND thành phố, chỉ trong 3 ngày chính của chương trình lễ hội (8 - 10.4) đã có hơn 10.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động, còn nếu tính thời gian xuyên suốt lễ hội con số lên đến 15.000 lượt người.

Là một trong những hoạt động của thành phố hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2022 Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh, “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa 2022” được xem là lễ hội đặc trưng trong chuỗi các hoạt động của tỉnh.

Đúng với tinh thần “du lịch xanh”, lễ hội như một chỉ dấu tìm về của du khách đến một không gian làng quê yên bình với nhiều “món ngon” cả vật chất lẫn tinh thần mà bất cứ ai đang ở nơi đâu đều có thể cảm nhận khi đến Tam Kỳ.

Điều đáng tiếc nhất, có chăng đó là năm nay điều kiện thời tiết thất thường khiến vàng sưa không nở hoa đúng ngày lễ hội. Đây là một thiệt thòi pha chút hụt hẫng đối với du khách khi đến với Tam Kỳ, nhưng cũng sẽ là “cái cớ” để kéo họ trở lại vào lễ hội năm sau với tâm thế háo hức hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Nguyễn Hồng Lai chia sẻ, mùa tháng 3, tháng 4, hoa sưa đồng loạt nở vàng trên các nẻo đường của thành phố - một đặc sản riêng có của vùng đất ngã ba sông, đặc biệt là ở làng Hương Trà, nơi có hàng sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi bên dòng sông.

“Những mùa hoa ở đất Tam Kỳ luôn gợi nhắc người đi xa về quê nhà. Vì vốn dĩ, sắc vàng đặc trưng này cất giấu rất nhiều những ký ức của người dân Hương Trà và du khách đã từng đến nơi này. Từ cuộc hẹn hò của những người yêu sắc vàng sưa, trở thành một lễ hội của vùng đất, đã 5 mùa sưa, người dân Tam Kỳ đã có cho mình một lễ hội hoa” - ông Lai bày tỏ.

Đến nghị trường

Cũng trong lúc người dân thành phố trải qua lễ hội Mùa hoa sưa 2022 và nhiều địa phương trên cả tỉnh đang rộn ràng trong không khí của Năm du lịch quốc gia 2022 Quảng Nam thì Tam Kỳ mang đề án phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vào nghị trường HĐND thành phố.

Đông đảo du khách tham gia lễ hội hoa sưa 2022. Ảnh: X.P
Đông đảo du khách tham gia lễ hội hoa sưa 2022. Ảnh: X.P

Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ - ông Trần Nam Hưng, đề án này có ý nghĩa rất quan trọng, cấp thiết, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố và hướng tới việc xây dựng Tam Kỳ trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh. Vì vậy, nguồn lực đầu tư, giải pháp để thực hiện đạt các chỉ tiêu, mục tiêu của đề án là những vấn đề cần quan tâm.

Có thể nói, từ một địa phương gần như vô danh trên bản đồ du lịch của tỉnh, đến nay Tam Kỳ đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến với một số địa điểm, sản phẩm du lịch đáng chú ý như Địa đạo Kỳ Anh, Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, lễ hội hoa sưa làng Hương Trà, festival du lịch biển Tam Thanh. Dẫu vậy, chừng đó vẫn chưa đủ để kéo chân du khách và du lịch Tam Kỳ xem ra vẫn còn theo kiểu “xuân - thu nhị kỳ”.

Thế nên, định hướng không gian phát triển, xác định thị trường khách, các loại hình du lịch đến đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu không chỉ là sứ mệnh của địa phương mà cần cả sự liên kết vùng.

Theo đề án của thành phố, định hướng phát triển du lịch Tam Kỳ là du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng kết hợp với vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa, lịch sử. Thời gian tới tập trung xây dựng và nâng tầm 4 sản phẩm du lịch hiện có, bao gồm không gian biển Tam Thanh (gồm làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, Quảng trường biển và bãi tắm Hạ Thanh), di tích lịch sử Địa đạo Kỳ Anh - bãi Sậy sông Đầm, công trình văn hóa quốc gia Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, tuyến du lịch đường sông từ làng Hương Trà đến vườn sinh thái Tam Ngọc và khu du lịch hồ Phú Ninh. Mục tiêu đến năm 2030, hình thành hệ thống dịch vụ du lịch đạt chuẩn, du lịch Tam Kỳ trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Kỳ hướng đến trung tâm du lịch phía nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO