Thúc đẩy chia sẻ, nhiều bên cùng hưởng lợi

QUỐC TUẤN 09/07/2021 07:42

Du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến, mang lại nguồn lợi rất lớn. Thúc đẩy phát triển ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp này là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng xã hội - điều này càng ý nghĩa sau khi toàn cầu vượt qua đại dịch Covid-19.

Tạo dựng các sản phẩm trải nghiệm hấp dẫn cả về văn hóa lẫn ẩm thực là giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Ảnh: Q.T
Tạo dựng các sản phẩm trải nghiệm hấp dẫn cả về văn hóa lẫn ẩm thực là giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Ảnh: Q.T

Diện mạo mới cho nông thôn

Sau hơn 60 năm phát triển, từ một ngành kinh tế do các đơn vị trực thuộc Nhà nước vận hành ban đầu, đến nay ngành du lịch Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều thành phần, chủ thể kinh tế.

Tại Quảng Nam, năm 2019 hoạt động du lịch trực tiếp đóng góp khoảng 6% tổng GDRP trên toàn tỉnh, trong khi các hoạt động kinh tế gián tiếp của ngành du lịch như vận tải, giải trí, spa, ăn uống… cũng đóng góp thêm 4 - 6% GRDP.

Hoạt động du lịch tại TP.Hội An nhiều năm qua có thể xem là một trong những điển hình về phát triển kinh tế tổng hợp, đa dạng các chủ thể. Thống kê từ Sở VH-TT&DL, trong giai đoạn 2017 - 2019, trung bình mỗi năm nguồn thu từ bán vé của điểm tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh) khoảng 20 tỷ đồng, trong khi doanh thu của cộng đồng doanh nghiệp, dân cư khu vực này đạt 60 - 80 tỷ đồng.

Đến nay, cả 4 xã nông thôn ở Hội An gồm Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Tân Hiệp đều được lan tỏa hoạt động du lịch, giúp nâng cao đời sống người dân. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập bình quân đầu người ở 4 xã nông thôn của TP.Hội An hơn 47 triệu đồng/năm (năm 2019) tăng hơn 32 triệu đồng/người/năm so với năm 2010.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, mô hình tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (xã Tân Hiệp) là mô hình đầu tiên trên cả nước mà Nhà nước bàn giao một phần diện tích mặt nước và nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan của khu bảo tồn cho cộng đồng tự tổ chức quản lý.

Sau hơn 7 năm, mô hình đã cho thấy hiệu quả. Từ chỗ sinh kế người dân hầu như phụ thuộc vào việc khai thác hải sản, lâm nghiệp thì đến nay cộng đồng thôn Bãi Hương đã tự tổ chức quản lý, kiểm soát phương tiện khai thác trái phép; phối hợp với các bên liên quan xây dựng được các dịch vụ chất lượng để khai thác bền vững tài nguyên du lịch.

Mở rộng từ mô hình ở Bãi Hương, tại Hội An các “tổ xe ôm”, “tổ cua đá”, “tổ thuyết minh viên”, “tổ thúng chai”, “nghiệp đoàn xích lô”… lần lượt hình thành để phân phối hài hòa lợi ích. Khi lợi ích trong ngành du lịch được dung hòa, kinh tế chung sẽ phát triển nhanh, bền vững còn điểm đến sẽ tạo ra diện mạo cuốn hút, thân thiện với du khách.

Và những trăn trở

Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng: “Cộng đồng làm du lịch ở Cù Lao Chàm xứng đáng được chia sẻ nhiều hơn so với con số mới chỉ khoảng 25% trong tổng nguồn thu từ du lịch (năm 2019) trên đảo bởi những đóng góp của họ”.

Cũng theo bà Hồng, nguyên nhân của thực trạng này là do một phần không nhỏ chi phí từ du khách bỏ ra bị lãng phí bởi các khâu trung gian không cần thiết, thay vì để những chủ thể đóng góp tương xứng được thụ hưởng.

Đại diện một doanh nghiệp lữ hành địa phương chia sẻ, không chỉ Cù Lao Chàm, hệ thống sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nếu có sự liên kết chặt chẽ lại thành nhiều chuỗi giá trị thì các bên đều cùng thu được lợi ích. Tuy nhiên, việc tìm được tiếng nói chung là rất khó.

Các làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Bàn), Trà Nhiêu (Duy Xuyên) dần bị lãng quên trên bản đồ du lịch cũng bởi việc dung hòa lợi ích giữa các bên bị xem nhẹ.

Ông Lê Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói, trước khi phát triển một điểm đến, nhất là điểm đến du lịch cộng đồng, cần quy hoạch rõ vai trò của hộ, nhóm hộ kinh doanh theo từng nhóm ngành, sản phẩm phụ trợ. Như vậy mới tránh được tình trạng chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh.

Nhìn rộng hơn, du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, tuy nhiên tính liên vùng, nhất là trong nội tỉnh hiện rất mờ nhạt. Nguyên nhân được xác định là khoảng cách di chuyển lớn và sản phẩm trùng lắp. Tuy vậy, có thể thấy nhiều tài nguyên tiềm năng vẫn bị các chủ thể làm du lịch bỏ ngỏ. Như cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn, chuỗi sản phẩm dừa nước - dâu - sen… cần được khai thác sâu về thực phẩm hoặc câu chuyện văn hóa cả bằng đường bộ lẫn đường thủy để du khách trải nghiệm thay vì chỉ dừng ở tham quan như lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy chia sẻ, nhiều bên cùng hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO