Thúc đẩy du lịch phía nam Quảng Nam: Loay hoay khai mở tiềm năng

QUỐC TUẤN 26/12/2021 06:21

Chính sách hỗ trợ, kinh phí đầu tư để thúc đẩy du lịch phía nam của tỉnh thời gian qua không ít, nhưng kết quả thu được không mấy khả quan. Vẫn còn quá nhiều trở lực để khu vực này trở thành một “cực” mới trong phát triển du lịch Quảng Nam. Đại diện lãnh đạo ngành du lịch, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp du lịch đưa ra nhiều nhận định, góc nhìn với mong muốn du lịch phía nam sớm khởi sắc.

Bãi Sậy Sông Đầm (Tam Kỳ) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Bãi Sậy Sông Đầm (Tam Kỳ) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

ÔNG LÊ NGỌC TƯỜNG - PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL: CẦN LIÊN KẾT KHAI MỞ “TÀI NGUYÊN DU LỊCH”

Phát triển du lịch phía nam nói chung và 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh nói riêng là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa cho việc phát triển du lịch tỉnh nhà. Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch đến năm 2025 có yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch về phía nam.

Trong chiến lược lâu dài, Tỉnh ủy cũng có mục tiêu phát triển đô thị Tam Kỳ và một phần Núi Thành - Phú Ninh thành đô thị loại 1, trong đó giao Sở VH-TT&DL và các địa phương có một  chiến lược phát triển du lịch cho khu vực này. 

Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ) là công trình văn hóa lịch sử thiêng liêng, mang bản sắc, riêng có. Khu vực này cũng còn một số tài nguyên du lịch cấp vùng, quốc gia như hồ Phú Ninh, địa đạo Kỳ Anh, đảo Tam Hải… Tuy nhiên, lâu nay nhiều địa phương, đơn vị ở phía nam đầu tư nhiều mà lại đón rất ít khách.

Liên kết ở khu vực này còn rất rời rạc. Đà Nẵng có 200 - 300 đơn vị lữ hành nhưng cả Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh chỉ có 4 đơn vị. Quảng bá xúc tiến cũng không chuyên nghiệp.

Cần phải xem lại cơ chế vận hành hỗ trợ phát triển du lịch của 3 địa phương, mỗi địa phương làm một kiểu thì không ra được. Đơn cử một công ty đưa khách đến nhưng chỉ làm việc với 1 địa phương còn 2 địa phương còn lại khúc mắc thì rất khó phát triển.

Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh phải ngồi lại nhiều hơn để thảo luận định hướng phát triển không gian du lịch, quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đưa khách đến nam Quảng Nam.

Cơ chế thu hút đầu tư, nhất là hợp tác công tư cũng còn vướng. Cách đây mấy năm, có một đơn vị Hàn Quốc đề nghị hợp tác khai thác địa đạo Kỳ Anh và cam kết mỗi ngày đưa đến 500 khách nhưng các bên bàn không ra cơ chế để giao điểm đến này cho doanh nghiệp.

Sản phẩm còn nghèo nàn dẫn đến việc khu vực phía nam rất khó thu hút khách lưu trú.
Sản phẩm còn nghèo nàn dẫn đến việc khu vực phía nam rất khó thu hút khách lưu trú.

ÔNG NGUYỄN HỒNG LAI - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP.TAM KỲ: CẦN CÓ QUY HOẠCH DU LỊCH 3 ĐỊA PHƯƠNG PHÍA NAM 

Tam Kỳ hiện có khá nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa thể khai thác được. Tam Kỳ có nhiều sông với cảnh quan đẹp nhưng hầu như chưa có sản phẩm gì. Hai làng nghề rèn Hồng Lư và chiếu cói Thạch Tân thì người dân không sống được với nghề.

Tam Kỳ vừa thông qua đề án chuyển đổi số từ nay đến năm 2025 với khoản kinh phí 308 tỷ đồng, trong đó du lịch là một trong những nội dung quan trọng chuyển đổi số. 

Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đã có quy hoạch du lịch. Vậy nên nghiên cứu một quy hoạch cho du lịch 3 địa phương phía nam, từ đó có chiến lược bài bản để mỗi địa phương định hướng phát triển du lịch trên thế mạnh của mình để tạo dựng sản phẩm không trùng lặp.

Đơn cử như làng bích họa Tam Thanh ban đầu rất hút khách nhưng nhiều làng biển trong khu vực cũng có sản phẩm như vậy thì sẽ khiến du khách nhanh chóng nhàm chán.

Những năm tới, Tam Kỳ sẽ trồng rừng gỗ lớn trong thành phố để làm điểm picnic, nghỉ mát cho người dân, du khách. Thành phố cũng đang quy hoạch dọc tuyến Điện Biên Phủ và Bạch Đằng một điểm dừng chân bài bản cho khách du lịch. Trong kế hoạch thu hút khách quốc tế giai đoạn tới, Tam Kỳ đặt trọng tâm vào khách Hàn Quốc.

Bởi thị trường này trước khi dịch Covid-19 bùng phát cũng là thị trường tiềm năng với các điểm đến tại thành phố. Hiện có nhiều địa phương của Hàn Quốc đề nghị kết nghĩa với Tam Kỳ. Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng phát triển làng Hoa Sen thành một điểm đến của người Hàn Quốc.

Các giá trị văn hóa ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành) cần được bảo tồn, phát huy phục vụ du lịch cộng đồng.Ảnh: Q.T
Các giá trị văn hóa ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành) cần được bảo tồn, phát huy phục vụ du lịch cộng đồng.Ảnh: Q.T

ÔNG NGUYỄN CHÍ DÂN - PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN NÚI THÀNH: BỐ TRÍ NGUỒN LỰC CỤ THỂ ĐẦU TƯ CHO TÀI NGUYÊN DU LỊCH GIAI ĐOẠN MỚI

Trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, Núi Thành bố trí nguồn lực 35 tỷ đồng đầu tư khai thác các tài nguyên du lịch vừa được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, huyện sẽ dành hơn 32 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch.

Núi Thành sẽ đầu tư nâng cao sản phẩm du lịch đang khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch mới, từ đó hình thành liên kết các sản phẩm có chất lượng trên nền tảng hệ thống các điểm đến sinh thái, văn hóa, lịch sử của huyện.

Trong đó sẽ ưu tiên nguồn lực cho những sản phẩm đã xác định là sản phẩm chủ lực cần phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm: xã đảo Tam Hải, biển Rạng, bãi tắm Tam Tiến, hố Giang Thơm, suối Nà Nghệ, rừng dừa nước thôn Tịch Tây và di tích chiến thắng Núi Thành. Chúng tôi kỳ vọng trong vài năm tới du khách đến Núi Thành sẽ có những ấn tượng về sự thay đổi. 

Trước mắt, huyện nghiên cứu hình thành tour du lịch nội vùng “Dấu ấn Núi Thành”: Di tích chiến thắng Núi Thành - rừng dừa nước Tịch Tây - biển Rạng - xã đảo Tam Hải.

Núi Thành cũng xúc tiến nhanh việc lập quy hoạch bài bản, chất lượng tại một số điểm nhiều tiềm năng có thể khai thác du lịch trong tương lai như: cụm danh thắng ghềnh đá Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa, thác Ba Tầng, vườn trái cây xã Tam Mỹ Tây…

Chúng tôi sẽ tích cực kết nối, thông tin thường xuyên đến doanh nghiệp du lịch về những điều cải thiện được trong môi trường du lịch. Ví dụ như việc xử lý ô nhiễm rác thải, đúng là chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng quản lý, xử lý hiệu quả khiến doanh nghiệp khó lòng đưa du khách đến được và Núi Thành sẽ sớm cải thiện vấn đề này.

Trải nghiệm ngâm chân khoáng nóng ở khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh. Ảnh: Q.T
Trải nghiệm ngâm chân khoáng nóng ở khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh. Ảnh: Q.T

ÔNG TRẦN QUỐC DANH - PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN PHÚ NINH: CẦN CÁC ĐƠN VỊ GIÀU TIỀM LỰC ĐẦU TƯ HỒ PHÚ NINH

Địa phương xem hồ Phú Ninh là điểm trọng tâm phát triển du lịch. Hiện nay mới chỉ có Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường khai thác khoảng 60ha. Tuy nhiên việc đầu tư các sản phẩm của đơn vị này cũng chưa hoàn thiện như dự án ban đầu.

Phú Ninh cũng vừa thông qua nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh du lịch hồ Phú Ninh. Qua đó, huyện tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư, chào mời các doanh nghiệp có tiềm lực vào những khu vực còn lại. 

Lâu nay, việc tiếp cận đầu tư du lịch ở hồ Phú Ninh rất khó khăn do chồng chéo nhiều quy định, cơ quan quản lý. Hiện nay, nút thắt đã phần nào được tháo gỡ khi có định hướng cho thuê đất, xây dựng, tổ chức hoạt động dưới tán rừng...

Hồ Phú Ninh hiện có 7 phân khu và doanh nghiệp chỉ mới đầu tư ở 1 phân khu. Việc khai thác ở các điểm đến tiềm năng khác hiện cũng bỏ ngỏ bởi tính pháp lý chưa rõ ràng, cụ thể là mỏ vàng Bồng Miêu. Việc phát triển du lịch, nếu có thì phải đến sau khi địa phương kêu gọi được doanh nghiệp khác có công nghệ hiện đại khai thác mỏ vàng Bồng Miêu.

Khoảng từ năm 2022 đến 2025, Phú Ninh có dự án mở rộng, xây dựng nhà tưởng niệm cụ Phan Châu Trinh. Nhưng chúng tôi cũng chưa vội kêu gọi xúc tiến du lịch ở những điểm đến khác ngoài hồ Phú Ninh. Nói chung, trong ngắn hạn huyện chỉ tập trung vào việc phát triển bài bản điểm đến hồ Phú Ninh thay vì bỏ ngỏ như hiện nay.

Một số khu vực ở làng bích họa Tam Thanh đã bị xuống cấp. Ảnh: Q.T
Một số khu vực ở làng bích họa Tam Thanh đã bị xuống cấp. Ảnh: Q.T

BÀ LÊ THỊ KIM CHI - TRƯỞNG PHÒNG DU LỊCH MICE - CÔNG TY CP VIETNAM TRAVELMART: CẦN ĐẦU TƯ CÓ TRỌNG ĐIỂM

Xu hướng du lịch phát triển, thay đổi liên tục nên chúng ta phải tiếp cận vấn đề cởi mở, thực sự hiện đại. Ở góc nhìn doanh nghiệp làm lữ hành tôi cho rằng ba địa phương nên phát triển theo trọng điểm, không nên dàn trải. Ở giai đoạn này, chúng ta tập trung vào nguồn khách nào, thị trường nào chứ chỉ đề cập kế hoạch vĩ mô hoặc chung chung thì rất khó tạo sự chuyển biến.

Trước mắt, có lợi thế kết nối rất dễ làm chính là dựa vào Hội An. Khi khách lưu trú tại Hội An, với sự hỗ trợ của tỉnh, 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh sẽ đưa ra một gói trải nghiệm trong ngày hoặc 2 ngày - 1 đêm để du khách lựa chọn.

Có một tồn tại lâu nay không chỉ ở khu vực này ở mặt quản lý nhà nước. Đó là phòng VH-TT cấp huyện phụ trách luôn mảng du lịch, nhưng làm du lịch thì chúng ta phải tiếp cận, giải quyết vấn đề trên góc độ chuyên nghiệp mới thành công.

Theo tôi, nên tận dụng những gì sẵn có của địa phương để phát triển với sự phối hợp của doanh nghiệp lữ hành tại địa phương. Chúng ta chưa có sản phẩm cung cấp quanh năm thì nên phát triển theo từng giai đoạn hoặc theo mùa. Hồ Phú Ninh cần một điểm nhấn mới để khi quảng bá thì có cái gì đó mới thu hút được cả khách hàng cũ lẫn mới.

Về Tam Kỳ, chúng ta nên đi vào trọng điểm tour lịch sử truyền thống. Với Núi Thành, cụ thể là Tam Hải đừng nên bê tông hóa, đầu tư quá nhiều nguồn lực mà cần tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển du lịch cộng đồng.

Nếu không cải thiện được chất lượng môi trường thì rất khó để thúc đẩy du lịch phía nam. Ảnh: Q.T
Nếu không cải thiện được chất lượng môi trường thì rất khó để thúc đẩy du lịch phía nam. Ảnh: Q.T

ÔNG NGUYỄN SƠN THỦY - PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH QUẢNG NAM: GỠ NÚT THẮT HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỐI NGOẠI 

Trước đây khu vực phía nam gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông… tuy nhiên đến thời điểm này rào cản đã được cải thiện. Khoảng cách đi lại giữa các điểm đến trong tỉnh, thậm chí từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi chỉ chừng 60 phút nên rất thuận tiện cho việc kết nối các sản phẩm với nhau. 

Mặc dù vậy, khu vực này đang gặp khó một số vấn đề về mặt vĩ mô. Nếu không đề xuất, hành động từ bây giờ thì sẽ lỡ cơ hội. Sân bay Chu Lai đã có chủ trương phát triển thành sân bay quốc tế, có nhà đầu tư tiềm lực lớn, có trong quy hoạch phát triển của Bộ GT-VT thành cảng hàng không hàng đầu cả nước.

Chúng ta cần xúc tiến nhanh việc đưa Chu Lai thành sân bay quốc tế, mở rộng nhiều chuyến bay hơn nữa. Du lịch với hàng không là hai cánh bay. Muốn khai thông khách vào phía nam thì phải khai thông đường hàng không thì mới sớm tạo đòn bẩy cho du lịch phía nam. Một minh chứng trước mắt là khi sân bay Đà Nẵng phát triển thì Hội An cũng đón lượng khách tăng trưởng rất lớn. 

Về đường sắt, ga Tam Kỳ nằm trên trục đường sắt Bắc - Nam. Trong tương lai, địa phương cũng cần nghiên cứu để tạo điều kiện cho khách du lịch đi đường sắt có điều kiện dừng lại ở Tam Kỳ.

Về đường biển, chúng tôi từng khảo sát nhiều lần và nhận thấy mọi điều kiện ở Chu Lai - Kỳ Hà đều đã xong rồi chỉ còn chờ giấy phép cho tàu biển du lịch vào với độ dài 72m. Có doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ nếu thủ tục được thông suốt thì người ta đưa khách vào khu vực này ngay sau 2 năm.

Đề cập để thấy, nếu các bên liên quan mở được “nút thắt” giao thông đối ngoại của sân bay, ga, cảng biển thì cả vùng phía nam sẽ trỗi dậy thành một “cực” du lịch mới của phía nam. Nếu không nâng cấp lên, không mở rộng ra thì không cách gì có thể giúp du lịch 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh phát triển được. 

Cách xúc tiến du lịch cũng cần có sự thay đổi. Đơn cử việc đặt hàng cho các đơn vị du lịch lớn với cơ chế, lợi ích kinh tế rõ ràng thì tôi nghĩ các đơn vị lữ hành sẽ ủng hộ thay vì chỉ nói tăng cường hỗ trợ chung chung như hiện nay.

Chính quyền địa phương ngoài việc tạo hành lang, cơ chế mà cần chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp thì chúng ta mới nâng tầm được mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở khu vực phía nam Quảng Nam lên.

Các sản phẩm cần có sự khác biệt nếu không sẽ dễ khiến du khách nhàm chán trong hành trình du lịch liên địa phương. Ảnh: Q.T
Các sản phẩm cần có sự khác biệt nếu không sẽ dễ khiến du khách nhàm chán trong hành trình du lịch liên địa phương. Ảnh: Q.T

ÔNG TRẦN LỰC - PHÓ GIÁM ĐỐC SAIGONTOURIST CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG: SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ QUÁ NGHÈO NÀN

Vài năm gần đây, Quàng Nam tiến hành quảng bá, xúc tiến du lịch khu vực phía nam rất nhiều nhưng hiệu quả không được như mong đợi. Chúng ta cần xem lại gốc rễ vấn đề nằm ở đâu? Chúng ta đã đầu tư đúng chỗ, đúng nhu cầu du khách chưa? Suốt dọc Việt Nam hầu như nơi nào cũng có biển nên nói thuận lợi là bãi biển dài thực ra cũng không phải là điều khác biệt.

Khi xúc tiến du lịch, chính quyền địa phương nên kết hợp kêu gọi xúc tiến đầu tư. Những nhà đầu tư có tiềm lực sẽ thấy địa phương đang cần cái gì. Hiện nay quỹ đất, hạ tầng giao thông ở 3 địa phương khá tốt vì vậy chúng ta cần nghĩ đến phương án quy hoạch một điểm trung tâm cho du lịch phát triển làm điểm nhấn.

Phải nói thêm là sản phẩm của khu vực phía nam nghèo nàn quá, một trong những yếu tố cốt lõi mà du khách rất thích là được tương tác với cộng đồng bản địa. Nhưng ở hầu hết điểm đến không có gì để du khách tương tác.

Dịch vụ hỗ trợ cũng là điều quan trọng. Nói hơi buồn một chút nhưng môi trường ở một số điểm, nhất là Tam Hải thực sự là không thể chấp nhận được để làm du lịch. Khi chúng ta giải quyết được căn cơ vấn đề môi trường thì may ra mới nghĩ đến chuyện phát triển du lịch. 

Chúng ta thường trăn trở vì sao khách ghé Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh thường chỉ vài tiếng đồng hồ rồi đi luôn. Vấn đề nằm ở sản phẩm. Kể cả ở hồ Phú Ninh, hệ thống sản phẩm vẫn chưa đủ để níu chân du khách lưu trú dài ngày. Tất nhiên các công ty du lịch hoạt động mục tiêu chung là lợi nhuận. Nhưng không phải lợi nhuận quyết định tất cả, lợi nhuận sẽ đến khi chúng ta có khách.

Chúng ta có khách là nhờ vào các địa phương, điểm đến có sản phẩm tốt. Ngoài chính sách cho nhà lữ hành, chúng ta nên nghiên cứu chính sách ưu đãi cho cả du khách nữa. Việc giảm vé tham quan hay một số thứ khác thì nằm trong giá tour rồi.

Việc làm thương hiệu, tạo lập hình ảnh thân thiện từ chính quyền đến người dân khi khách đến tạo cảm giác hào hứng cho khách. Ví dụ như, lãnh đạo địa phương ra đón, tặng hoa một đoàn khách số lượng lớn. Cũng không có gì to tát nhưng một động thái như vậy khiến du khách rất phấn khích.

UBND 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh vừa tổ chức ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2025. Các bên sẽ hợp tác với 4 nội dung chính: quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm và cơ sở hạ tầng du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch. Qua từng năm sẽ đánh giá chương trình liên kết, với cơ chế trưởng nhóm được thay đổi luân phiên.

Để hỗ trợ 3 địa phương, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức các đoàn farmtrip, presstrip, vận động các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách đến khu vực này. Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia gói kích cầu du lịch, miễn giảm vé tham quan các khu, điểm du lịch, giới thiệu chương trình du lịch 3 địa phương đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.  

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy du lịch phía nam Quảng Nam: Loay hoay khai mở tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO