Triển vọng thị trường khách Đông Nam Á

QUỐC TUẤN - TẤN CHÂU 17/07/2022 06:36

Chưa thuộc nhóm thị trường khách chủ lực, tuy nhiên tín hiệu khai thác từ một số thị trường Đông Nam Á thời gian qua rất tích cực và mở lối giúp Quảng Nam đa dạng hóa thị trường khách.

Đoàn famtrip của Thái Lan khảo sát du lịch Quảng Nam sau dịch Covid-19. Ảnh: Q.T
Đoàn famtrip của Thái Lan khảo sát du lịch Quảng Nam sau dịch Covid-19. Ảnh: Q.T

Tín hiệu tích cực

Từ những năm 2015 - 2016, trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế, ngành du lịch Quảng Nam đã xác định một số thị trường ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan… là mục tiêu quan trọng để tăng cường xúc tiến, thu hút.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2016 - 2019, 2 thị trường này đều có những bước tăng trưởng ấn tượng. Từ chỗ năm 2016 có khoảng 5,8 nghìn khách Malaysia và 5,2 nghìn khách Thái Lan lưu trú (chỉ chiếm hơn 1% tổng khách quốc tế lưu trú tại Quảng Nam).

Đến năm 2019, tổng lượng khách lưu trú của 2 thị trường Malaysia và Thái Lan đã tăng lên gần 108 nghìn lượt (chiếm hơn 6% tổng khách quốc tế lưu trú tại Quảng Nam). Nhờ đó, cả 2 thị trường đã lọt vào top 10 thị trường khách quốc tế lưu trú cao nhất ở địa phương.

Ngoài ra, một số thị trường khác như Singapore, Lào, Campuchia… cũng rất tiềm năng để tiếp tục đẩy mạnh thu hút. Những lợi thế lớn để lý giải cho việc thị trường khách Đông Nam Á đang dần phát triển mạnh tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng là về khoảng cách địa lý, thuận lợi về chính sách thị thực và ngày càng có thêm những cung đường du lịch tự nhiên - văn hóa - di sản gắn liền giữa các quốc gia…

Chia sẻ tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp Quảng Nam - Thái Lan diễn ra mới đây tại TP.Hội An, ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH du lịch Duy Nhất Đông Dương cho biết, chúng tôi đã khai thác khách Thái Lan từ những ngày đầu thành lập và hiện vẫn là một trong những thị trường hàng đầu của công ty.

Tiềm năng, nhu cầu của khách Thái Lan nói riêng và khách Đông Nam Á nói chung vẫn còn rất lớn và hứa hẹn sẽ bùng nổ sau đại dịch nên Quảng Nam cần kích hoạt, nắm lấy cơ hội.

Tăng cường xúc tiến

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, từ đầu năm 2022, Đông Nam Á đang là một trong những khu vực quan trọng đóng góp vào việc đón hơn 91 nghìn lượt khách quốc tế của Quảng Nam.

Các chuyến bay thương mại từ Đà Nẵng đến Thái Lan, Singapore… được nối lại sớm nhất góp phần đáng kể để kích hoạt trở lại nhu cầu du lịch miền Trung của khách Đông Nam Á.

Việc xúc tiến du lịch cũng được các bên liên quan đẩy mạnh. Từ cuối tháng 3.2022, đã có những đoàn famtrip của các quốc gia Đông Nam Á khảo sát du lịch tại Quảng Nam.

Ở chiều ngược lại, giữa tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp du lịch miền Trung cũng xúc tiến chương trình khảo sát, kết nối thị trường miền Trung đến Singapore và Malaysia…

Thái Lan đang là một trong những thị trường khách triển vọng nhất của du lịch Quảng Nam ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Q.T
Thái Lan đang là một trong những thị trường khách triển vọng nhất của du lịch Quảng Nam ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Q.T

Ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều Việt - Thái, cho hay: “Thông qua diễn đàn kết nối doanh nghiệp Quảng Nam - Thái Lan, chúng tôi đã kết nối được nhiều vấn đề cụ thể; trong đó ký kết bản ghi nhớ đưa khách Thái Lan sang Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, có nhiều cách để thúc đẩy kết nối giữa hai bên, có thể là trực tiếp doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp thông qua các hiệp hội, hoặc doanh nghiệp thông qua tham tán thương mại.

Trong tháng 8 hoặc tháng 9, lãnh đạo tỉnh sẽ dẫn đầu đoàn công tác đến Thái Lan và tiếp tục tìm kiếm thêm cơ hội xúc tiến khác trong những năm tiếp theo. Địa phương sẽ tích cực phối hợp với doanh nghiệp cũng như các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy giao thương, du lịch Quảng Nam với Thái Lan ngày càng thuận lợi hơn.

Tháng 10 tới đây, tại TP.Hội An sẽ diễn ra diễn đàn du lịch Mê Kông 2022, trong khuôn khổ chương trình Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022.

Dự kiến tại diễn đàn sẽ có rất nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch khu vực Đông Nam Á như chương trình khảo sát du lịch địa phương dành cho các đại biểu, phiên họp nhóm công tác du lịch GMS lần thứ 50, phiên họp nhóm công tác du lịch Việt Nam - Campuchia, thảo luận du lịch Mê Kông - phục hồi nhanh với chuyển đổi số…

Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm những xúc tác để phục hồi, phát triển nhanh, bền vững du lịch tiểu vùng Mê Kông, trong đó phần lớn là các quốc gia thuộc Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng thị trường khách Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO