Về Bạc Liêu, nhớ một ngôi sao biển...

THẢO AN 26/03/2023 07:10

Kiên Giang và Bạc Liêu là hai trong số những vùng đất đặc sắc bậc nhất ở miền Tây Nam Bộ mà chúng tôi từng đến. Ở Bạc Liêu có Gành Hào trong bài ca nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Và đó cũng thêm một lý do để chúng tôi về xứ sở này...

Theo đường Cao Văn Lầu đi về phía biển, du khách sẽ tới “cánh đồng điện gió Bạc Liêu“. ảnh: P.V
Theo đường Cao Văn Lầu đi về phía biển, du khách sẽ tới “cánh đồng điện gió Bạc Liêu“. ảnh: P.V

Từ Cà Mau, điểm cuối của đất nước, có hai tỉnh kế cận mà du khách có thể đi là Kiên Giang và Bạc Liêu nằm trên một trục tam giác, nối bởi đường Xuyên Á từ Rạch Giá đến Cà Mau và quốc lộ 1 nối từ Năm Căn, cắt ngang TP.Bạc Liêu.

Đến Bạc Liêu, bạn sẽ thấy rất khác so Cần Thơ hoặc Cà Mau. Bạc Liêu mang dáng vẻ kiến trúc phương Tây và có nét mượt mà của những khu nhà vườn ở Huế. Vậy nên với chúng tôi, Bạc Liêu có lẽ là thành phố dễ chịu nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Đến Bạc Liêu, hẳn ai cũng sẽ ghé về dinh thự công tử Bạc Liêu để xem những thứ đã từng một thời xa hoa nay thành hoài niệm và thậm chí là quên lãng. Nhớ ngày còn nhỏ, mấy gánh hát lô tô hay về thị trấn Ái Nghĩa của tôi mỗi dịp tết và kiểu gì cũng không thể thiếu mấy câu: “Nghe danh công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu”.

Người ta kể rất nhiều giai thoại về cậu Ba Huy, tức công tử Bạc Liêu, nhưng tôi tin đâu đó trong những giai thoại có phần hơi thêm thắt ấy, hẳn ẩn chứa một đời sống vô cùng hào sảng của người Bạc Liêu.

Nhưng, điều làm Bạc Liêu hấp dẫn với tôi không chỉ có vậy. Tôi đến với Bạc Liêu để đến gần hơn với đờn ca tài tử và "Dạ cổ hoài lang". Chuyện kể rằng ông Cao Văn Lầu sinh ra ở Long An, nhưng gia đình chuyển vào xứ cơ cầu Bạc Liêu từ khi còn nhỏ.

Sau mấy hồi lận đận khẩn hoang rồi làm thuê, đi hết từ Gia Hội cho tới Giá Rai, sau này chẳng may bị địa chủ chiếm đất, may mắn dạt về gần đến Xóm Rạch, được cho vào chùa Vĩnh Phước An (nay nằm trên đường mang chính tên Cao Văn Lầu).

Tại đây, ông được học chữ nho và đặc biệt là học đàn, bước đi đầu tiên để sau này ông sáng tác bài vọng cổ "Dạ cổ hoài lang", vốn xuất phát từ niềm thương nhớ người vợ hiền đã xa cách.

"Dạ cổ hoài lang" vốn mang quá nhiều dấu ấn trong đời sống tinh thần của bà con miền Nam. Tôi vốn chẳng am hiểu về nghệ thuật lắm, nhưng chỉ cần mỗi lần nghe các ca sĩ gạo cội hát bài này, đều như thấu tận tâm can.

Bạn bè phương xa nếu có về thăm Bạc Liêu, nhớ ghé đến Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu để hiểu thêm về "Dạ cổ hoài lang" và nét tình nghĩa của người dân Bạc Liêu cũng như đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đó gần như là nét tình nghĩa của người dân Tây Nam Bộ, vùng đất mới chỉ mấy trăm năm nhưng có đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Với tôi, Bạc Liêu có đặc trưng không lẫn vào đâu và là một miền Tây thu nhỏ.

Một góc Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. ảnh: Internet
Một góc Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. ảnh: Internet

Tôi nhớ có lần theo đội phượt, chúng tôi xuất phát từ Cà Mau, theo quốc lộ 1, trước khi về TP.Bạc Liêu, đi qua huyện Giá Rai thì rẽ về Đông Hải. Đông Hải vốn dĩ là tên được đổi lại sau khi sáp nhập một phần từ Giá Rai.

Còn lý do chúng tôi chạy về Đông Hải là vì muốn đến Gành Hào, vốn được nghe qua bài hát "Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang" của nhạc sĩ quê tôi - Vũ Đức Sao Biển.

Đường từ Giá Rai về Gành Hào, chúng tôi chạy xe trong hơi mát lạnh buổi chiều mùa xuân, qua một đoạn 40 cây số chỉ lác đác vài nhà dân xứ biển, lâu lâu mới thấy một xe chạy ngược chiều. Đến khi mặt trời gần xuống, thì tới được Gành Hào.

Khác hẳn với những thị trấn khác, Gành Hào vốn là thị trấn miền biển, nên người dân nơi này chủ yếu sống bằng nghề đánh cá. Mỗi năm cùng ngày với giỗ tổ Hùng Vương, nơi đây sẽ tổ chức lễ hội Nghinh ông Gành Hào để cầu cho mưa thuận gió hòa.

Dạo một vòng quanh Gành Hào, chúng tôi thấy lạ vì đường sá ở đây có vẻ hơi chật chội, quán xá đông đúc, dăm ba quán nhậu mái lá nhỏ xíu được cái có cả chương trình đờn ca vọng cổ dù mới chỉ buổi chiều. Nhưng cũng y hệt cảm giác khi đến Đất Mũi, Gành Hào gần như tách biệt với phần còn lại. Miền thị tứ ấy vắt mình cô đơn trên cái mỏm nhỏ xíu ngoài biển, như trôi lơ lửng về phương Đông.

Lang thang dọc sông Gành Hào ra tận cửa biển, nhìn thấy mênh mông đất trời, cuồn cuộn màu nước phù sa đổ dài về khơi xa, dần chìm trong bóng tối đen kịt, bỗng văng vẳng đâu đó lời ca từ mấy loa kẹo kéo bán hàng rong xa xa, mới thấy một nỗi buồn và cô đơn như nửa đêm ai hát lên câu hoài lang: "Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào trọn như chiếc gương"...

Đêm ở Gành Hào, nhớ một ngôi sao biển đã tắt, mà nghĩ đến câu "Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ".

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về Bạc Liêu, nhớ một ngôi sao biển...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO