Du ngoạn muộn màng

HỨA XUYÊN HUỲNH 18/06/2023 14:50

Phải có duyên mới du ngoạn thắng cảnh. Nhưng đôi khi, du ngoạn sớm (hoặc trễ) biết đâu lại được thắng cảnh “kể” cho ta nghe một câu chuyện khác, qua một lăng kính khác, với độ lùi thời gian…

Cặp đôi chụp ảnh lưu niệm trên bãi cát nơi chân đảo Ti Tốp, tức đảo Cát Nàng xưa. Ảnh: H.X.H
Cặp đôi chụp ảnh lưu niệm trên bãi cát nơi chân đảo Ti Tốp, tức đảo Cát Nàng xưa. Ảnh: H.X.H

1. Phải ngoài 60 tuổi, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mới đến thăm vịnh Hạ Long. Ấy là tôi tự làm một phép tính, lấy thời điểm ông viết bài nhàn đàm có tựa “Rồng Hạ Long” (năm 1998) in trong cuốn “Người ham chơi”, rồi trừ đi năm sinh của ông được công bố (năm 1937).

Chính nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không giấu giếm chuyện đi thăm di sản thế giới Hạ Long quá trễ. Ông viết rõ ngay đầu bài nhàn đàm: “Lâu nay, ngộ lỡ có ai hỏi tôi về Hạ Long, tôi đều gật đầu bảo rằng tôi đã tới đó rồi. Ấy là nói bịa cho đỡ quê, chẳng lẽ một đời lãng du tới ngần này tuổi đầu vẫn chưa thấy vịnh Hạ Long?”.

Nếu so sánh độ tuổi của một người lần đầu đến thăm vịnh Hạ Long, xem ra tôi vẫn đi sớm hơn cả chục năm so với “người ham chơi” Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi vừa theo ca nô ra thăm vịnh hồi giữa đầu tháng 6 năm nay, và cảm xúc đầu tiên cũng giống với những gì mà nhà văn đã thốt lên cách đây một phần tư thế kỷ: “Hạ Long đẹp, đẹp ngoài sức tưởng tượng”…

Ngày thường, có hơn vạn du khách ra vịnh Hạ Long tham quan, nên không thể đong đếm hết những dấu chân mới chồng lên dấu chân cũ. Nhưng vẫn có những chuyến đi in dấu vĩnh viễn. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ ấy khi đứng cạnh bức tượng bán thân của nhà du hành vũ trụ người Liên Xô trên đảo Ti Tốp nhìn ra bãi cát trắng.

Năm 1962, Bác Hồ cùng nhà du hành vũ trụ người Liên Xô, Giéc-man Ti-tốp (Gherman Titov, tên đầy đủ là Gherman Stepanovich Titov) lên thăm hòn đảo này. Để ghi dấu chuyến đi, Bác Hồ đặt tên cho hòn đảo là “đảo Ti Tốp” (Titop Island), và địa danh này trở thành một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô. Đến năm 2015, bức tượng bán thân của G.S.Titov cũng được xây dựng tại đảo, trở thành điểm tham quan và check-in của du khách mỗi khi đặt chân lên đảo.

Tôi nhắc đến bãi cát trắng mịn hình vành trăng lưỡi liềm ôm trọn chân đảo Ti Tốp, vì chính bãi cát này đã làm nên tên gọi cho hòn đảo trong quá khứ: đảo Cát Nàng. Dân gian chọn tên này, bởi đây là chốn dừng thuyền để các cô gái vạn chài tắm mát. Giờ thì đảo Cát Nàng đã được thay bằng tên mới, đảo Ti Tốp, kể từ sau chuyến thăm của Bác Hồ cùng vị khách ngoại quốc đặc biệt.

2. Chuyến ca nô ra vịnh Hạ Long từ 25 năm đã đưa nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ghé thăm một trong 2 thạch động nổi tiếng, hang Giấu Gỗ. Ông viết, thạch động có tên lạ này bởi các nhà khảo cổ từng tìm thấy những cọc gỗ lim bịt sắt vốn dùng để bày trận trên sông Bạch Đằng thời chống quân Nguyên. Trong động còn có tấm bia đá ghi bút tích của vua Khải Định khi du lãm Hạ Long…

Trên các diễn đàn du lịch, hang Giấu Gỗ còn được gọi bằng một tên khác: hang Đầu Gỗ. Theo truyền thuyết, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ngài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở hang này. Sau đó, rất nhiều mẩu gỗ sót lại, nên hang mang tên Đầu Gỗ…

Chuyến ra vịnh muộn màng của tôi không kịp thăm hang Giấu Gỗ. Nhưng độ lùi thời gian lại “bù đắp” cho tôi bằng những trải nghiệm khác và khoảng cách về không gian (khi đi dần về phía nam) tôi “gặp” những cọc gỗ mới so với những gì đã ghi nhận trước đó. Trong khuôn viên rộng lớn của cụm di tích Bạch Đằng Giang ở Hải Phòng, tôi dừng chân khá lâu trước gian trưng bày của khu bảo tàng. Chính 2 chiếc cọc gỗ dài với tấm biển ghi chú “Cọc gỗ Bạch Đằng tại bãi cọc Cao Quỳ, Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng” đã níu tôi lại.

Lặng thầm bên trong khung kính, những chiếc cọc gỗ này đang nhận lãnh vai trò của một sứ giả… Có nhiều lý do để giới nghiên cứu lịch sử cho rằng, với những cọc gỗ vừa phát hiện ở bãi cọc Cao Quỳ hồi cuối năm 2019 này, lịch sử cuộc chiến có thể được “vẽ” lại, thậm chí có thể làm thay đổi những hiểu biết về trận thủy chiến Bạch Đằng vang dội hồi năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Tính đến nay, 2 bãi cọc gỗ Bạch Đằng phát hiện trong các năm 2019 - 2020 ở địa phận Hải Phòng (bãi cọc Cao Quỳ, bãi cọc Đầm Thượng) đã mở rộng không gian trận hải chiến. Bởi trước đó, giới nghiên cứu chỉ ghi nhận 3 bãi cọc khác và đều nằm ở Quảng Ninh, với bãi cọc đầm Nhử phát hiện đầu tiên từ năm 1953 (sau có thêm các bãi cọc đồng Vạn Muối, đồng Má Ngựa). Các bãi cọc ở Quảng Ninh được cho là có liên quan đến trận chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 1288 do ngài Trần Quốc Tuấn lãnh đạo chống quân Nguyên Mông.

Nhưng sự xuất hiện của bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ (Hải Phòng) được các chuyên gia dự đoán đây có thể là một phần của trận Bạch Đằng năm 1288. Bãi cọc này ngăn không cho quân Nguyên Mông tiến vào khu vực sông Giá và trung tâm chỉ huy của Trần Hưng Đạo, buộc quân địch phải đi theo sông Đá Bạc để tiến vào sông Bạch Đằng, sau đó rơi vào bãi cọc chính đã bố trí. Giới nghiên cứu cho rằng, khi phát hiện thêm bãi cọc mới tại Hải Phòng, có nghĩa trận Bạch Đằng xưa không chỉ là một trận đánh mà có thể là một chiến dịch quy mô lớn…

Hỏi sao những chiếc cọc gỗ Bạch Đằng tưởng chừng vô tri cất giữ ở bảo tàng không “đánh động” tôi.

“Phải có duyên mới được du ngoạn thắng cảnh; nếu duyên chưa tới thì dù ở cách thắng cảnh chỉ vài chục dặm cũng không nhàn nhã mà đi được”. Thi thoảng tôi dẫn lại câu cách ngôn này của Trương Trào, thi sĩ Trung Hoa, để tự biện hộ về lần rong chơi bất thành nào đó. Nhưng với biển trời Hạ Long và sóng nước Bạch Đằng giang, giờ đây chữ “duyên” trong tôi còn bao hàm cả yếu tố thời gian. Mỗi sự gặp gỡ, sớm hay muộn, đều mang theo một câu chuyện thầm kín…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du ngoạn muộn màng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO