Dư nợ tạm ứng quá hạn của dự án: Nguy cơ mất vốn ngân sách

TRỊNH DŨNG 12/12/2019 11:12

Số lượng dự án dư nợ tạm ứng quá hạn ngày càng nhiều. Có những dự án nợ kéo dài đến 15 năm vẫn chưa thể xử lý. Vốn ngân sách có thể bị mất là điều đã được dự báo. Liệu có thể có một cơ chế, giải pháp nào để thu hồi hay xóa nợ thông qua kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm hay không là điều dư luận quan tâm.

Dự án đường Thanh niên ven biển do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tư đã kết thúc từ lâu nhưng vẫn còn treo nợ tạm ứng.Ảnh: T.D
Dự án đường Thanh niên ven biển do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tư đã kết thúc từ lâu nhưng vẫn còn treo nợ tạm ứng.Ảnh: T.D

Nợ tạm ứng quá hạn nhiều

Bến số 3 cảng Kỳ Hà, đường Thanh niên ven biển chạy từ An Lương (Duy Hải) đến Tam Kỳ… đã ngừng thi công. Khu dân cư, khu tái định cư Tam Quang, đường nối khu dân cư Tam Hiệp đến khu dân cư Chợ Trạm (Núi Thành) dang dở nhiều năm… Không ít nhà tư vấn, nhà thầu bỏ đi, để lại số dư tạm ứng không đủ hồ sơ, thiếu thủ tục hoàn ứng cho ngân sách nhà nước.

Kho bạc Nhà nước Quảng Nam công bố hiện số dư tạm ứng từ năm 2004 đến 2018 là hơn 1.278 tỷ đồng (ngân sách tỉnh gần 573 tỷ đồng và tại Kho bạc Nhà nước các huyện, thị, thành phố hơn 705 tỷ đồng). Nếu như khoảng 1.003,5 tỷ đồng dư nợ còn trong thời hạn tạm ứng có thể kiểm soát, chờ khi thanh quyết toán, hoàn ứng sẽ gỡ bỏ được số dư này hơn 274,5 tỷ đồng đã quá hạn (hơn 55,5 tỷ đồng thuộc ngân sách tỉnh và 219 tỷ đồng tại các kho bạc huyện, thị, thành phố), hết thời gian thực hiện dự án vẫn chưa thấy chủ đầu tư nào đến thanh toán hay hoàn ứng.

Trong số 103 dự án dư nợ tạm ứng, chiếm nhiều nhất là các dự án thuộc trách nhiệm của Sở Y tế (25 dự án) và của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (22 dự án). Còn tại các địa phương, chỉ có 6 địa phương không còn số dư tạm ứng (Hội An, Điện Bàn, Đông Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tây Giang), 12 huyện, thành phố còn lại đều “lâm nợ”. Nhiều nhất là Núi Thành còn nợ quá hạn đến gần 124 tỷ đồng, Tam Kỳ hơn 52,2 tỷ đồng, Nam Trà My hơn 19,3 tỷ đồng, Tiên Phước hơn 13,2 tỷ đồng và thấp nhất là Thăng Bình 192 triệu đồng. Đó là chưa kể đến số dư ứng trước kế hoạch vốn năm sau của năm 2018 chuyển qua 2019 là hơn 463,6 tỷ đồng, nhưng chỉ mới bố trí hơn 238,7 tỷ đồng thu hồi. Số còn lại hơn 224,8 tỷ đồng chưa bố trí được nguồn để thu hồi. Có thể sẽ treo vì ngân sách không đủ để trang trải tất cả mọi thứ, kể cả trả nợ!

Theo ông Phạm Văn Phong – Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, không cần đến kho bạc, chỉ cần máy tính, thậm chí một điện thoại kết nối internet là đã có thể mở những cuộc giao dịch với kho bạc, nhưng không nhiều chủ đầu tư có dư nợ quá hạn thực hiện. Năm 2019 sau khi rà soát số liệu tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư toàn hệ thống, Kho bạc Nhà nước Quảng Nam đã báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo, xử lý đối với những dự án có số dư quá hạn kéo dài, đồng thời ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thường xuyên phối hợp với nhà thầu tìm các giải pháp hoàn ứng, đề nghị chủ đầu tư thực hiện báo cáo tình hình tạm ứng, nêu rõ nguyên nhân quá hạn. Tuy nhiên, đến nay kết quả thanh toán, thu hồi tạm ứng quá hạn vẫn chưa chuyển biến tích cực

Có thể bị mất vốn ngân sách

Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay số nợ tạm ứng dù đã được giảm dần qua các năm nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều dự án nợ đọng không thể thu hồi. Sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư hay sự kiên quyết của cơ quan cấp phát hoặc tính lãi trên số dư chỉ “tác động” đến những nhà thầu “thiện chí”, còn các đơn vị khác cố tình lảng tránh hay chây ì hiện vẫn chưa thể có cách giải quyết hữu hiệu.

Không chỉ số dư nợ tạm ứng tồn đọng hơn 14 tỷ đồng từ 2010 trở về trước không thể thu hồi thì không ai có thể đoan chắc được số nợ quá hạn (103 dự án) nêu trên có thể thu hồi hoàn ứng được không? Các chủ đầu tư, ban quản lý tiếp tục vin lý do các dự án, gói thầu đã ngừng thi công, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể… không thể tìm ra địa chỉ. Ngay những bản án đã được thi hành vẫn không thể xác định được tài sản và không biết kêu ai tới tòa! Nhiều chủ đầu tư đã gửi đơn xin xóa nợ các nhà thầu, tư vấn đã giải thể, nhưng không ai đủ thẩm quyền để xử lý.

Câu chuyện thu hồi nợ tạm ứng một lần nữa đặt trên bàn nghị sự. Ông Đặng Tấn Phương – Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh yêu cầu nêu cụ thể số nợ tạm ứng mất khả năng thanh toán bao nhiêu. Cơ quan cấp phát có thể đề xuất phương án nào để thu hồi hay không? Sự minh bạch, công bằng là điều phải được đặt lên hàng đầu của chính quyền và tài chính công. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vũ Văn Thẩm lo ngại nếu không tăng thu thì lấy gì bù vào số vốn ứng trước. Không lẽ cứ treo mãi trên các báo cáo?

Ông Phạm Văn Phong – Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay một trong những biện pháp thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn là sẽ rà soát, tổng hợp chi tiết các dự án, gửi văn bản đến từng chủ đầu tư nêu rõ lý do quá hạn, trình UBND tỉnh có các biện pháp chế tài xử lý. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam chỉ còn cách quản lý, giám sát chặt số dư tạm ứng các hợp đồng còn hiệu lực, buộc các chủ đầu tư, nhà thầu nhanh chóng thi công, nghiệm thu công trình và hoàn ứng đúng hạn. Hạn chế thấp nhất việc phát sinh số dư tạm ứng tồn đọng khi hợp đồng đã hết hiệu lực trong thời gian đến.

“Không ai đưa ra giải pháp thu hồi cụ thể. Không luật, không cơ chế, không ai dám xóa nên số nợ cứ treo trên báo cáo. Xóa không xóa, thu không được thì biết làm sao. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam không đủ thẩm quyền quyết định hay đưa ra các giải pháp mạnh. Nhất là số tiền 14 tỷ đồng có thể bị mất hay nợ tạm ứng lưu cữu là câu chuyện dài kỳ, không có kết thúc, trừ khi có quyết định xóa nợ, không thể mãi treo lơ lửng được!” – ông Phong nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dư nợ tạm ứng quá hạn của dự án: Nguy cơ mất vốn ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO