Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy chế khen thưởng thành tích đoạt giải tại các hội thi, kỳ thi quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh trên các lĩnh vực bộc lộ nhiều bất cập, vì thế, Sở Nội vụ đã dự thảo nghị quyết về vấn đề này nhưng vẫn chưa hoàn thiện ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
UBND tỉnh khen thưởng văn nghệ sĩ đoạt giải cao trong các cuộc thi. Ảnh: AN DÂN |
Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND tỉnh lại có nhiều vướng mắc ở các lĩnh vực, trong đó có văn học - nghệ thuật (VH-NT). Vì thế Sở Nội vụ đã xây dựng dự thảo nghị quyết về quy định chính sách khuyến khích đối với các tập thể, cá nhân lập được thành tích cao tại các cuộc thi, kỳ thi thế giới, châu lục, khu vực Đông Nam Á và toàn quốc trong các lĩnh vực (gọi tắt là dự thảo nghị quyết). Để có cơ sở thông qua nghị quyết, Sở Nội vụ đã lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành. Và vấn đề khiến không ít cơ quan, đơn vị còn nhiều băn khoăn là những quy định về khen thưởng và định mức thưởng. Cụ thể, ở Điều 2, mục 4 quy định “Phải có văn bản của bộ, ban, ngành TW hoặc cơ quan có thẩm quyền ở TW đồng ý cử đại diện cho Việt Nam đi tham dự. Đối với các tập thể, cá nhân đoạt giải tại các cuộc thi, kỳ thi quốc gia phải có văn bản của UBND tỉnh đồng ý cử đi tham dự, hoặc phải có trong chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh hàng năm giao cho đơn vị”, điều đó quá phức tạp và gây khó cho người tham gia.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Dương Phú Tâm, để động viên các hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ, chỉ cần quy định: Đối với các cuộc thi mang tính không định kỳ, hồ sơ đề nghị khen thưởng cần phải kèm theo thông báo chuyển tiếp (đối với các cuộc thi quốc tế, châu lục, khu vực…) hoặc thông báo chính thức (đối với các cuộc thi trong nước) của các cơ quan, ngành ở trung ương. NSNA Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng chi hội Nhiếp ảnh (Hội VH-NT tỉnh) cho rằng, dự thảo nghị quyết quy định quá phức tạp và gây khó cho người tham gia các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế ở đặc thù chuyên ngành nhiếp ảnh, Theo Nghị định 72/2016/NĐ-CP về hoạt động nhiếp ảnh của Chính phủ ban hành ngày 1.7.2016, khoản 2, điều 10, chương 3 quy định về việc đưa tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan, chỉ quy định buộc phải được cấp phép đối với tổ chức (bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương) đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan với danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam. Đối với cá nhân không bị ràng buộc bởi điều khoản này. Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh của Bộ VH-TT&DL cũng không bố trí cán bộ chuyên trách xét duyệt ảnh dự thi của cá nhân vì không phù hợp quy định, vậy thì các cá nhân dự thi ảnh quốc tế phải xin phép ở đâu?
Cũng theo Nghị định 72/2016/NĐ-CP, khoản 4b, điều 11, chương 3, quy định thẩm quyền UBND cấp tỉnh cấp giấy phép đối với triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh chứ không phải tác phẩm dự thi các cấp. Đa số các cuộc thi nhiếp ảnh từ khi được phát động đến kết thúc trong khoảng thời gian ngắn chỉ vài tháng, cá biệt ở các cuộc thi ảnh marathon có thời gian 24 - 48 giờ. Do đó việc quy định đăng ký kế hoạch dự thi hằng năm đối với cuộc thi quốc tế là không thực hiện được. Ngoài ra, một số hội chuyên ngành như Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam… cũng như một số hội chuyên ngành khác không tổ chức các cuộc thi hàng năm mà xét giải hàng năm... Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Âm nhạc Việt Nam, hàng năm đều tổ chức liên hoan, triển lãm... Tuy nhiên, theo dự thảo nghị quyết, tại điều 6, mục 2 quy định: “Đối với các giải khu vực trong nước được công nhận là toàn quốc…”. Câu này khó hiểu, vì giải khu vực là khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hoặc Nam miền Trung và Tây Nguyên”, chứ không có “giải khu vực trong nước được công nhận là toàn quốc”.
Theo định nghĩa “Biểu diễn nghệ thuật” tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quy định biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, quy định: “Biểu diễn nghệ thuật là trình diễn chương trình, tiết mục, vở diễn trực tiếp trước công chúng của người biểu diễn. Loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm: Tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối, bài chòi, kịch nói, kịch dân ca, kịch câm, nhạc kịch, giao hưởng, ca, múa, nhạc, ngâm thơ, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác”. Bởi vậy, trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thì không có lĩnh vực hội họa, điêu khắc, kiến trúc. Nhạc sĩ Phan Văn Minh băn khoăn: “Cần làm rõ khái niệm “tập thể” ở các đối tượng, bởi trong thể thao có một số thể thức thi đấu như đôi nam, đôi nữ…; trong nghệ thuật có một số tiết mục biểu diễn như hợp xướng, tốp ca... Vậy 2 người có được coi là tập thể không? Nghị quyết này có áp dụng đối với các Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học - kỹ thuật và VH-NT hay không?”.
Đối với lĩnh vực VH-NT mang tính đặc thù nên cần bảo tồn, phát huy và xứng đáng được tôn vinh. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét lại những bất cập để khi ban hành nghị quyết, việc triển khai thực hiện không gặp phải những khó khăn vướng mắc...
AN DÂN