Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Cần quan tâm hơn lĩnh vực nông nghiệp và GD-ĐT

HÀN GIANG 28/09/2015 09:34

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến của ủy viên ủy ban và thành viên các hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Tham gia góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, do MTTQ tỉnh tổ chức, đại biểu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và GD-ĐT. Ảnh: HÀN GIANG
Tham gia góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, do MTTQ tỉnh tổ chức, đại biểu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và GD-ĐT. Ảnh: HÀN GIANG

Đa số đại biểu nhất trí cao với nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng và cho rằng dự thảo các văn kiện được xây dựng công phu, chặt chẽ, bố cục chia thành các chuyên đề lớn dễ theo dõi, nắm bắt. Góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, nhiều đại biểu kiến nghị bổ sung vào các phần phương hướng, giải pháp thực hiện trong 5 năm tới, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và GD-ĐT.

Tìm đầu ra cho nông nghiệp

Ông Phan Khắc Chưởng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh kiến nghị, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng cần quan tâm hơn nữa về công tác bảo vệ môi trường, nhất là có những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng sông suối ở thượng nguồn đang kiệt nước vì đập thủy điện. Bởi, hệ lụy kéo theo sau đó là thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất cho nông nghiệp ở hạ du, và nhất định trong tương lai sẽ diễn ra gay gắt hơn. Thiếu nước tưới thì không thể sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Ông Chưởng nói: “Trong phương hướng, giải pháp của 5 năm tới, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần phải có những giải pháp hiệu quả trong việc tìm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Đầu ra ổn định, người dân mới yên tâm sản xuất, từng bước cải thiện cuộc sống và làm giàu. Lâu nay cứ phải đối mặt với tình cảnh “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa” thì cuộc sống của người dân bao giờ mới khá lên được”.

Còn theo ông Võ Bảy - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường đã được khẳng định. Vì vậy việc khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng là phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện nay. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới thời gian qua cho thấy, chúng ta cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào khu vực nông thôn bằng các cơ chế chính sách hợp lý. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra động lực để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển qua việc tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhìn từ góc độ ngành, ông Võ Bảy kiến nghị: “Hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, và để tăng giá trị sản phẩm đòi hỏi việc sản xuất phải mang tính tập trung, quy mô lớn. Do vậy, nhu cầu đặt ra là chúng ta cần sớm có chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển”.

Đào tạo phải gắn với sử dụng

Về công tác xây dựng Đảng, bà Sương kiến nghị bổ sung thêm từ “có chức có quyền” vào sau nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, như vậy sẽ đúng địa chỉ hơn. Đồng thời nên có cơ chế kiểm soát quyền lực, quan tâm nhiều hơn đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. “Đã bắt được bệnh, thuốc đã được cắt, vậy ai sẽ là người uống thuốc để chữa bệnh?” - bà Sương đặt vấn đề. Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh góp ý: “Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng cần nhấn mạnh việc coi trọng chất lượng phát triển đảng viên hiện nay”.

Đánh giá về những kết quả quan trọng đã đạt được trong lĩnh vực GD-ĐT, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII cũng nhìn nhận: chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp... Góp ý vào phần nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang lo đào tạo “thầy” mà chưa chú trọng đào tạo “thợ”. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang diễn ra ngày càng trầm trọng, hàng nghìn cử nhân ra trường không có việc làm gây nên sự lãng phí xã hội rất lớn. Trong khi đó, nền sản xuất trong nước lại đang rất “khát” lao động chất lượng cao. Đứng trước xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ càng bức thiết. Vì vậy, giải pháp đặt ra cho GD-ĐT trong 5 năm tới là đào tạo phải gắn với sử dụng lao động, ưu tiên cho đào tạo “thợ” có liên kết chặt chẽ với địa chỉ sử dụng lao động. Có như vậy mới từng bước khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Theo bà Hà Thị Thu Sương - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, những tồn tại trong GD-ĐT rất đáng báo động. Nếu không thay đổi được nhận thức của xã hội là con em mình bắt buộc phải vào đại học; và cứ lo đào tạo “thầy” mà không quan tâm đào tạo “thợ”, thì việc giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên sẽ thêm khó khăn. Con số thống kê cử nhân ra trường không xin được việc làm sẽ ngày một tăng thêm. “Chúng ta luôn kêu gọi thực hiện xã hội hóa giáo dục. Vậy trong thời gian tới, chúng ta có những giải pháp cụ thể nào để thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục? Cần định hướng chính sách tài chính, định hướng phát triển giáo dục ngoài công lập ở các cấp sẽ như thế nào để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào lĩnh vực GD-ĐT” - bà Sương nói.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca khẳng định: “Việc tổ chức góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm động viên, tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Góp phần làm cho các văn kiện thực sự trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI: Chủ đề dự thảo báo cáo thu hút sự quan tâm

Với chủ đề “ĐẨY MẠNH HƠN NỮA CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, PHÁT HUY DÂN CHỦ, BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG; HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC, QUYẾT TÂM ĐƯA QUẢNG NAM PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH TỈNH GIÀU MẠNH TRONG KHU VỰC DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG”, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Nhiều ý kiến mà Báo Quảng Nam nhận được đều thống nhất với chủ đề của dự thảo báo cáo chính trị, khi đã thể hiện rõ nhiệm vụ chính trị, mục tiêu trọng tâm xuyên suốt và sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, của tỉnh trong nhiệm kỳ tới.

Để làm sáng rõ hơn chủ đề của dự thảo, có ý kiến đề nghị thêm từ “dân tộc” sau cụm từ “bản sắc văn hóa” thành “bản sắc văn hóa dân tộc”. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nên thay cụm từ “bản sắc văn hóa” bằng từ “nội lực”.

Có ý kiến đề nghị thêm cụm từ “kỷ cương, đổi mới” vào sau cụm từ “phát huy dân chủ”, vì vấn đề kỷ cương cần phải được đề cao, rèn luyện và chấn chỉnh hàng ngày; vấn đề đổi mới là vấn đề cốt lõi có ý nghĩa quyết định đến sống còn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, không đổi mới đồng nghĩa với trì trệ, tụt hậu, mất dần niềm tin của nhân dân với Đảng. Có ý kiến cho rằng cụm từ “truyền thống cách mạng” còn chung chung, do đó cần nêu rõ là “truyền thống anh hùng đất Quảng”... Cũng có ý kiến đề nghị cần xem xét lợi thế phát triển của Quảng Nam là du lịch để đưa phát triển du lịch vào chủ đề đại hội. Trong khi đó có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu để chủ đề ngắn gọn, súc tích hơn nữa.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Cần quan tâm hơn lĩnh vực nông nghiệp và GD-ĐT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO