(Xuân Canh Tý) - Đầu tháng 10.2019, tin nhà thơ Du Tử Lê qua đời ở Mỹ đã truyền qua nửa vòng trái đất, lan nhanh trong giới văn nghệ và người mộ điệu văn chương xứ Việt. Tên tuổi và những câu thơ quen thuộc nhất của ông, những bài hát phổ thơ ông, đã được gợi lên, nhắc đi nhắc lại, với nhiều xúc cảm và thương tiếc.
Hãy nói về cuộc đời/ khi tôi không còn nữa…
Đời thơ của Du Tử Lê bền bỉ đến ngày cuối cùng. Khi ông nằm xuống, bạn bè thân thích đã nhận ra một con số trùng hợp thú vị: 77 năm tại thế và 77 đầu sách ông từng xuất bản. Trong số ấy, hẳn nhiên có những cuốn được tái bản nhiều lần, có văn xuôi, có khảo luận, phê bình, đủ thể loại… Nhưng thơ vẫn là thứ định danh Du Tử Lê qua ngót 60 năm cầm bút.
Tình yêu. Chiến tranh. Và thương nhớ quê hương. Có thể hình dung các chủ đề lớn trong thơ Du Tử Lê như vậy. Hai cái trước thì quen quá, nhất là cái tình yêu của Tôi và Em hầu như bao trùm lên hai chủ đề kia, nhiều khi thật khó tách bạch. Nhưng cái sau, cái tình quê hương Tổ quốc da diết ấy, mới là nơi khiến cho thơ Du Tử Lê đạt tới chỗ “lâm ly ngoạn mục” nhất. Cả về phương diện con người nghệ sĩ trong hoàn cảnh lưu vong, và theo đó là sự trau dồi ngôn ngữ thơ Việt đến trình độ “nên một” với những gì tinh túy nhất của Tiếng Việt.
Trước 1975, Du Tử Lê với giọng thơ tình tứ ngọt ngào, đôi khi gai góc cuồng ngạo như một lối chung của thế hệ mình, ông đã thành danh. Hẳn là không thể khẳng định được thơ ông sẽ tiếp tục như thế nào nếu không có cuộc lưu vong vì thời cuộc. Nhưng chắc chắn một điều, sự biến ấy đã mang thơ ông rẽ ngoặt một hướng bất ngờ, bên cạnh cuộc đời ông. Một cú rẽ mà khi nhìn lại, sau tất cả khốn đốn đã qua, có thể xem là một chất men làm cho thơ Du Tử Lê kiên cố hơn trong nền thơ Việt.
Với những nghệ sĩ tha hương, xa tít khỏi gốc phần ở mọi miền thế giới, không có ai phải đối diện với sự cô đơn bằng các nhà văn - những người sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Ở các môn nghệ thuật khác, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… nghệ sĩ có thể tìm được tri âm với sáng tác của mình nhờ vào đặc trưng “phi ngôn ngữ” trong các nghệ thuật ấy. Riêng với văn chương, một tác giả rất khó có cách để tìm thấy độc giả trên một vùng ngôn ngữ lạ.
Du Tử Lê và nhiều bạn bè cùng thời với ông, đã phải đối diện với một công chúng xa lạ (không kể đến một cộng đồng độc giả cùng tiếng nói nhỏ bé và chưa ổn định). Trong hoàn cảnh đó, nhiều tác giả từng thành danh, cũng dần trở nên bi phẫn, và tàn lụi cảm hứng sáng tác. Trong hoàn cảnh đó, mới thấy sự bền bỉ của Du Tử Lê thực sự là nỗ lực ghê gớm. Khi thân xác tha hương, tâm hồn nhớ nhung tan nát, Du Tử Lê chưa từng buông tay khỏi những vần, những nhịp, những âm điệu quê hương - thứ mà ông đã thủ đắc sâu sắc từ lâu và đã trở nên như máu thịt mình.
Hẹn nhau về chết trong tay mẹ/ Tổ quốc ngàn năm bỏ được sao…
Quê hương, Tổ quốc, nhiều khi không xác định trên tọa độ địa lý. Khi quê hương không thể hiện diện trước một người như một nơi chốn. Khi ấy, ngôn ngữ trở thành chốn quê của anh ta. Trong ngôn ngữ ấy, có tiếng khóc cười, có lời thương yêu lời tranh đấu, có những huyền thoại tổ tiên, có văn hóa truyền từ cha ông, và có cả âm điệu dạt dào của sông biển, núi rừng, của ca dao, hay cánh cò ruộng lúa…
Nếu đọc kỹ những bài thơ Du Tử Lê qua nhiều giai đoạn, sẽ không khó để nhận thấy sự trưởng thành trong ngôn ngữ và nghệ thuật của ông, đã bừng nở và định hình trong khoảng 15 năm tha hương đầu tiên. Để rồi sau đó là sự chín chắn, trầm tĩnh, và những thể nghiệm tìm tòi hình thức biểu cảm khác của tiếng Việt. Hãy đọc lại những vần thơ tha hương của Du Tử Lê, để cảm nhận không chỉ niềm nhớ thương day dứt. Ở đó có sự lớn dậy của một thiên tài nghệ thuật, đang đào luyện tiếng nói của quê hương thành một thực thể, để sống với và nương tựa suốt phần đời còn lại của mình.
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ Đời lưu vong không cả một ngôi mồ… Ra biển để được trôi về bến bờ bên kia là nơi đất mẹ của nhà thơ.
Nhưng khi đã mang giữ quê hương bằng ngôn ngữ thơ ca của mình, thì điều đó có lẽ không còn nghiêm trọng lắm nữa đâu! Cái tinh anh, cái thần thức của người Việt qua thơ Du Tử Lê, đã luôn tắm trọn trong bầu quê hương Việt Nam, như chưa bao giờ có cuộc chia lìa!