Dư vị ly hôn

NGUYỄN THỊNH 30/11/2014 09:19

“Trên cánh đồng đời bao la mê hoặc
Bao thế nhân gieo gặt số phận mình
Kẻ vênh vang chức tước
Kẻ mong cầu đủ miếng cơm...”.

Vĩnh ngồi đối diện với vị nữ thẩm phán. Đó là một thiếu phụ còn trẻ, khoảng chừng ba mươi. Khuôn mặt dài, đôi mắt nâu ẩn dưới đôi lông mày cong. Chiếc áo trắng cổ cao bó sát khuôn ngực phập phồng. Vĩnh khẽ liếc nhìn khuôn mặt vị nữ thẩm phán rồi kín đáo nhìn nhanh xuống dưới. Khi anh nhìn lên, hình như còn kịp thấy ánh mắt vị nữ thẩm phán nhìn đáp lại với vẻ vừa kiêu kỳ vừa tự hào. Vĩnh cười thầm, đàn bà thật lạ, ngoài mặt thì làm bộ né tránh sự theo đuổi nhưng bên trong lại thầm hoan hỉ, tự mãn. Mà quái lạ, mình đang ly hôn, thế mà nhìn thấy đàn bà, lại không thể làm lơ… Bên phải Vĩnh là Mai - vợ anh, hay nói chính xác hơn là người từng là vợ anh. Mai còn trẻ, mới hai mươi sáu tuổi. Da trắng, dáng người nẩy nở của gái một con. Mai có khuôn mặt ngắn và vót lại ở phần cằm với cái trán thấp, cặp môi dày, thoạt nhìn toát ra vẻ dễ thương nhưng thuộc dạng người ham muốn nhục dục mạnh mẽ và dễ dãi.

Vĩnh không thể ngờ rằng, khi đứa con gái mới chưa đầy một tuổi và đúng vào cái ngày diễn ra đám cưới khá rôm rả cách đây hai năm, Vĩnh và vợ đã dắt tay nhau ra tòa. Nhìn vị nữ thẩm phán, rồi nhìn vợ, Vĩnh có cảm giác chán ngán, mệt mỏi.

Những câu hỏi theo đúng nguyên tắc thủ tục ly hôn của vị nữ thẩm phán khiến Vĩnh uể oải, trả lời nhát gừng. Vì sao ly hôn là một lý do cũ rích, “không hợp nhau”. Tự đáy lòng, Vĩnh thấy câu trả lời đó cũng không thuyết phục nổi mình. Vị nữ thẩm phán liếc xéo anh, rồi cắm cúi ghi biên bản. Vĩnh biết, cô ta cũng không tin đó là lý do thật sự để vợ chồng anh ly hôn. Nhưng làm sao anh dám nói ra lý do thật? Không lẽ đổ lỗi cho lý do khác, ví như vợ ngoại tình, vợ không chung thủy… chẳng hạn. Như thế dễ nghe, dễ thuyết phục hơn. Ừ, giá như Mai ngoại tình hay hư hỏng... Trong thời gian chung sống với nhau, Mai chưa bao giờ làm điều gì sai trái. Vĩnh luôn sống trong sự dằn vặt, đau khổ âm thầm mà không dám thổ lộ với ai về chuyện Mai không còn trinh tiết khi đến với anh. Từ nhỏ, Vĩnh đã được giáo dục phải tôn trọng phụ nữ. Lớn lên, đọc bao sách vở Vĩnh càng tin rằng mình sẽ yêu phụ nữ với một tấm lòng thành thật, trong sáng. Yêu bằng tâm hồn, không nhuốm màu sắc dục, không gần gũi thể xác trước khi cưới.

Vĩnh vẫn còn nhớ mãi câu danh ngôn của ai đó, đại ý: “Tình yêu mà không có đạo đức thì chỉ là sự nổi loạn của xác thịt”. Vĩnh lấy đó làm châm ngôn sống cho tình yêu của đời mình. Anh từng mượn nó để đả phá những người anh quen có lối sống buông thả. Có lần, Lâm - anh bạn trong xóm trọ với Vĩnh, là tay “sát gái”, cùng tranh luận về chuyện liên quan đến câu danh ngôn đó. Vĩnh hỏi Lâm: “Những phụ nữ anh quen, anh có yêu họ không?”. Khuôn mặt bầu có cái nốt ruồi ở khóe miệng của Lâm chợt vẽ ra một nụ cười bí hiểm: “Yêu chứ! Mỗi người yêu một kiểu”. Vĩnh không biết Lâm nói vậy nghĩa là sao, cũng không muốn hỏi thêm. Chỉ biết rằng, hằng đêm Lâm phóng xe chở một em đi đâu đó, sáng hôm sau mới về. Mặt Lâm phờ phạc hẳn đi. Vĩnh không biết Lâm yêu bao nhiêu người. Nhưng có một cô bồ của Lâm, tên Nguyệt, thì Vĩnh biết khá rõ, vì cô ta ở gần xóm trọ với anh. Thỉnh thoảng Lâm có chở Nguyệt ghé Vĩnh chơi. Yêu nhau một thời gian, Lâm về quê đi làm. Nguyệt ở lại Sài Gòn. Sau này, Vĩnh nghe bạn bè kể lại, gia đình Lâm không cho Lâm cưới Nguyệt nên họ chia tay. Họ còn kể Lâm đã phải dẫn Nguyệt đi vào bệnh viện để giải quyết hậu quả ngoài mong đợi của cuộc tình.

Sau này, khi gặp lại Nguyệt, Vĩnh thấy cô gầy xọp hẳn đi, khuôn mặt chỉ còn lại nét u sầu, mệt mỏi, đôi mắt hoang hoải như một chân trời mùa đông. Vĩnh mời cô đi uống nước. Nguyệt nhận lời. Suốt buổi, Nguyệt ngồi như một bức tượng, câm lặng, bí ẩn và vô hồn. Nhìn vào mắt Nguyệt, Vĩnh thấy niềm đau đớn và tuyệt vọng như bóng đêm đang hiện lên bủa vây Nguyệt. Lòng Vĩnh chợt xót xa. Anh thở dài. Nhớ lại lý do vì gia đình không cho  cưới Nguyệt nên Lâm phải chia tay, Vĩnh cười. Không phải anh không tin bạn bè, mà anh nghĩ người như Lâm, dù gia đình có cho cưới, hắn cũng sẽ không bao giờ lấy Nguyệt cả. Lâm là người có nhiều tham vọng, giấu đằng sau cái vẻ ngoài lặng lẽ và tưởng như hiền lành. Lấy Nguyệt, Lâm sẽ không có cơ hội tiến thân, dù Nguyệt trẻ đẹp, nhưng cô không có thân thế, địa vị và của cải làm bệ phóng cho Lâm thăng tiến trong đời. Vĩnh biết Lâm sẽ không chọn Nguyệt làm vợ.

Nhờ gia đình chạy chọt đút lót, Lâm xin vào làm việc tại tòa án ở quê, nghe đâu, bây giờ Lâm sắp lên tòa án tỉnh. Lâm giàu rồi, có hẳn hai căn biệt thự sang trọng ở thị xã và một trang trại nữa. Nghe nói vợ Lâm là con gái của một gia đình có thế lực ở tỉnh nơi Lâm làm việc. Đó cũng là nghe bạn bè Lâm kể lại. Vĩnh cười thầm, anh không hình dung nổi Lâm là một người như thế nào khi ngồi ở cái ghế chánh án nơi tòa án. Một người như Lâm giờ lại là người đi xét xử người khác? Sự đời vẫn lắm chuyện trái ngang, bất ngờ.

Vĩnh không ngờ mình - một người chưa từng lừa tình cô gái nào, lại phải ăn quả đắng như vậy. Ngao ngán, mỉa mai thay cho câu “ở hiền gặp lành”! Lại nhớ, có lần nhậu cùng mấy thằng bạn. Rượu sương sương rồi, cả bọn bắt đầu tranh luận về chuyện của Lâm, về đàn bà và trinh tiết. Vĩnh nhớ lúc đó thằng Trí còi tuyên bố: “Cho dù tao hư hỏng, tao cũng không bao giờ chấp nhận lấy vợ không còn là con gái!”. Thằng Dương hô gục gặc đầu, không rõ tán đồng hay phản đối, rồi nói thêm: “Chúng ta là những thằng có ăn học đàng hoàng, không được quyền làm bậy, không được làm tổn hại đến phụ nữ.”. Lúc đó, Vĩnh nhớ là mình có hỏi lại hai đứa rằng: “Không lẽ chúng ta là những thằng có học thì không được quyền làm bậy, còn những thằng ít học lại được quyền làm bậy và chúng ta phải gánh lấy hậu quả?”. Cả bọn lặng người đi, như tỉnh cơn say, nhưng không ai trả lời câu hỏi đó của Vĩnh cả. Không ngờ, câu nói đó giờ lại vận vào đời Vĩnh. Cay đắng quá! Cuộc hôn nhân vội vã đã không đem lại cho Vĩnh chút cảm giác ngọt ngào của hạnh phúc. Mỗi lần gần gũi vợ, Vĩnh lại thấy hụt hẫng, không còn cảm giác hay hứng thú gì cả. Mai đem đến cho Vĩnh một cảm giác như mình đang phải uống một cốc nước dở của người khác để lại, vừa dơ dơ vừa hôi hôi mà lỡ cầm lên, lỡ uống rồi không biết làm sao...

Cuộc sống vợ chồng không thể tiếp tục kéo dài được nữa. Vĩnh có ý định ly hôn. Nhưng anh cứ dùng dằng vì không muốn xa con. Rồi anh bất lực nhìn vợ ôm con về quê gửi cho ông bà ngoại. Vợ Vĩnh trở lại Sài Gòn nhưng dọn ra sống riêng khoảng nửa năm rồi viết đơn ly dị đưa Vĩnh ký. Tần ngần một chút, như lạ lẫm với tờ đơn trong tay, Vĩnh im lặng ký vào đơn. Khi đến tòa, vị nữ thẩm phán hỏi anh và vợ lý do vì sao ly dị. Vĩnh và Mai chỉ nói chung chung, rằng không hợp nhau. Câu hỏi và câu trả lời đó như một thủ tục cần có của một phiên tòa ly hôn, gọi là cho có, Vĩnh thừa hiểu vậy. Ngay cả vị nữ thẩm phán cũng biết vậy. Thủ tục làm xong, vị nữ thẩm phán liếc nhìn anh với vẻ ái ngại, có một chút gì như thương hại, như mời mọc chợt in dấu nơi khóe mắt cô. Vĩnh nhìn lại, ánh mắt vị nữ thẩm phán vội xoay sang hướng khác. Vĩnh bước xuống cầu thang. Mai đi sau anh bình thản và im lặng.

Vĩnh nhìn thấy một gã đàn ông đang ngồi đợi nơi ghế đá sân tòa. Gã tầm tuổi anh, cao ráo, khuôn mặt dài và gầy, nhìn anh thăm dò. Ly cà phê đen trên bàn gã đã vơi hơn một nửa, đá trong ly đã tan hết, chứng tỏ gã ngồi chờ khá lâu. Vài giây sau, Mai đến ngồi bên cạnh gã, bưng ly cà phê lên uống một ngụm. Gã đàn ông ghé tai Mai hỏi câu gì đó mà Vĩnh không nghe rõ, chỉ thấy Mai đáp khẽ: “Xong rồi!”. Hai tháng sau, khi đang ngồi nhà làm việc, Vĩnh nhận được tin nhắn của Mai: “Anh ra đầu hẻm lấy quyết định ly hôn”. Vĩnh ra và gặp Mai đi vào. Sau lưng Mai, anh nhận ra gã đàn ông đang ngồi trên xe máy chờ Mai. Vĩnh đứng lại. Mai bước nhanh tới dúi vào tay anh tờ quyết định ly hôn rồi vội vã quay ra.
Mai leo lên xe, ôm eo gã đàn ông và ngoái đầu lại nhìn anh, cười. Và anh nhận ra đó là dư vị của cuộc ly hôn...

NGUYỄN THỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dư vị ly hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO