Cuộc sống thường ngày

Du xuân an lạc

QUỐC TUẤN 16/02/2024 07:43

Xuân này, nhiều người thích tìm đến các không gian nhẹ nhàng, sâu lắng để tận hưởng không khí tết an lạc, thanh bình.

dsc_9238.jpg
Nhiều du khách ghé làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) tham quan và chụp ảnh với cây mai vàng cổ thụ. Ảnh: N.HƯNG

Ghé chùa tìm chút an nhiên

Sáng mùng 1 tết, chùa chiền ở phố thị chộn rộn bước người ngược xuôi du xuân. Không cứ là Phật tử, nhiều lương dân cả năm ít lui tới cổng chùa cũng dành buổi sáng đầu năm để cầu nguyện bình an, chúc phúc cho chính mình và mọi người.

Thảnh thơi giữa ngàn hoa trong khuôn viên các tịnh thất, sân chùa, lòng người như lắng lại, cảm thấy trân quý hơn vẻ đẹp, giá trị của cuộc sống. Với họ, quá bước chùa chiền ngày xuân như giúp cân bằng lại một năm bộn bề đã qua cũng như chặng đường nhiều dự định phía trước.

Dần dà, nhiều ngôi chùa đã trở thành điểm đến mặc định của cộng đồng và du khách mỗi độ tết đến xuân về. Ở Đà Nẵng có chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà), chùa Tam Thai (quận Ngũ Hành Sơn) hoặc ở Hội An có chùa Pháp Bảo, chùa Chúc Thánh…

Dù là lớp người đứng tuổi hay các bạn trẻ, ngày tết sẽ như thiếu một chút gì nếu không ghé sân chùa xin một thẻ xăm, mua trầu muối rồi cặm cụi ghi điều ước gửi gắm hoài bão cho riêng mình.

20240214_092834.jpg
Khách nước ngoài rong chơi ngày xuân tại Công viên đất nung Thanh Hà. Ảnh: Q.T

Hết tết còn xuân, từ mùng 4 đến hết 16 tháng Giêng, hội quán Phúc Kiến và hội quán Quảng Đông (TP.Hội An) mở vé xuân để phục vụ người dân vãn cảnh, cầu an, xin quẻ.

Trong thênh thang nắng gió, những nẻo đường “hành hương” mùa xuân phố Hội vẫn đang chờ đón mọi người tìm về để vừa trẩy hội, vừa tìm miền an nhiên.

Tìm hương tết xưa

Không chỉ là địa điểm check-in lý tưởng cho những ai thích hoài niệm, không gian tết xưa còn tái hiện nét đẹp ngày Tết cổ truyền và khơi lại trong mỗi người mạch nguồn dư vị Tết cổ truyền lắng đọng cùng sự hình thành của xứ sở.

Duy trì qua 4 mùa tết liên tiếp, “chợ tết xưa” Caman Village thuộc Silk Sense Hoi An River Resort (phường Cẩm An, TP.Hội An) vẫn giữ được sự đặc sắc và dấu ấn riêng. Nhiều đứa trẻ háo hức khi lần đầu được trải nghiệm trò chơi dân gian bằng đồng xu.

Mấy vị khách đến từ thành phố hào hứng nhấm nháp ngụm nước chè xanh cùng nhiều món đặc sản quê hương dân dã. Lãng đãng ở chợ tết xưa, nhiều du khách cũng lần đầu biết đến việc xin xăm hường, xin chữ ông đồ… Những trải nghiệm này, dĩ nhiên rất khó tìm thấy trong không gian tết đô thị ngày nay.

20240214_092157.jpg
Thư thả rong chơi ngày tết tại Công viên đất nung Thanh Hà. Ảnh: Q.T

Nép mình bên dòng sông Thu Bồn, Công viên đất nung Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) là một điểm đến cuốn hút khác với du khách trong dịp Tết cổ truyền. Những gam màu mùa xuân được sắp đặt tinh tế khiến “vương quốc của gốm” này trở nên đẹp mê hoặc trong mắt du khách rong chơi ngày xuân.

Một gánh hoa xuân bày biện bên hồ nước. Mấy câu đối đỏ treo ngay ngắn nơi góc tường. Những dải lộc đỏ trên tán cây đương mùa trút lá.

Với phông nền của gốm, dường như ở mọi góc nhỏ của Công viên đất nung Thanh Hà trong những ngày đầu năm đều dậy lên mùi tết và giúp du khách dễ dàng “bỏ túi” những bức hình kỷ niệm độc đáo để khoe cùng mọi người.

Bà Trần Thanh Nhã - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi có nhiều thế hệ, ai ghé Công viên đất nung Thanh Hà cũng đều cảm thấy hào hứng vì tìm được các không gian trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi.

Người già thì chậm rãi tìm hiểu dòng chảy lịch sử của gốm, chúng tôi thì tranh thủ lưu lại những bức ảnh đẹp còn trẻ con thì thỏa thích chơi trò chơi, trải nghiệm cùng gốm. Không gian ở đây mang vẻ đẹp hoài niệm và càng thích hơn khi mọi người ghé công viên vào đúng dịp Tết cổ truyền”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du xuân an lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO