(Xuân Canh Tý) - Đang tính tới tính lui, chưa biết đi đâu là thích hợp nhất khi mùa xuân đến, bỗng nhận tin nhắn: “Đi Phú Quốc nhé!”. “Khi nào?”. “Chiều mai. Nhận lời thì tôi đăng ký ngay cho kịp chuyến”. “Sao gấp rứa? Đi với ai?”. “Người Quảng Nam từng hành phương Nam”... Đi với anh em cùng quê, từng hành phương Nam thì còn gì vui hơn. “Cho mình đi với!”. Tôi quyết định đi ngay, còn mấy lẽ: Lâu nay có dự định đi Phú Quốc để biết cái đảo - nhà tù - đang là điểm đến của du khách.
1. Chúng tôi đặt chân lên Phú Quốc. Cái đảo - từ tháng 6.1953, thực dân Pháp đã chiếm làm nơi tống giam tù binh Cộng sản. Chỉ hai năm, giặc Pháp đã giam ở Phú Quốc 14 nghìn tù binh.
Thời giặc Mỹ, số tù binh tăng gấp nhiều lần. Giam giữ hơn 40 nghìn tù nhân nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ, trong đó có bạn bè, đồng chí người Quảng Nam - Đà Nẵng của tôi.
Gần đây, hấp dẫn là tỉnh Kiên Giang đã và đang biến đảo Phú Quốc - nhà tù vĩ đại - địa ngục trần gian, thành thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng.
Từ năm 1995, Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được công nhận di tích cấp quốc gia. Di tích có những điểm đáng chú ý gồm Tượng đài hình Nắm đấm - biểu tượng của sự đàn áp khốc liệt và tinh thần hiên ngang vùng lên phá xiềng của tù binh Phú Quốc. Nghĩa trang liệt sĩ, và khu Trại giam Tù binh Phú Quốc được phục dựng.
Đảo Phú Quốc nằm ngoài khơi vùng biển phía tây. Chưa phải là điểm dừng của chuyến đi.
Sau khi đến khu đền tưởng niệm thắp hương để tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn những chiến sĩ đã chiến đấu kiên trung và chào vĩnh biệt các chiến sĩ nằm lại với đảo, chúng tôi tiếp tục đi về miền tây của Tổ quốc.
2. Đất nước ta dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Đó là đất liền với biển Đông. Còn biên giới biển kéo dài về phía tây - vùng biên ải cùng trời cuối đất - đất rộng, người thưa, từng xảy ra những biến động dữ dội.
Nếu theo đường tàu biển, mất hai giờ ba mươi phút. Chúng tôi chọn đường hàng không, bay từ Phú Quốc mất 45 phút đến TP.Hồ Chí Minh. Sau đó đi ô tô 6 giờ đến Rạch Giá. Đi thêm 2 giờ nữa đến Hà Tiên, Kiên Giang.
Tuyến đường bộ còn gập ghềnh cho ta vất vả và nhiều suy nghĩ. Điểm chúng tôi dừng lại, cảm xúc dâng trào là cột mốc 314 - cột mốc cuối cùng trên đường biên giới biển - ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia.
Đứng tựa vào chân cột mốc, nhìn phía mặt trời lặn, bên tay trái là biển, bên tay phải là núi, ai mà không rưng rưng, xúc động trước đất trời quê hương bao la, bình yên, đẹp quá! Một tài nguyên vô tận. Kẻ thù không thèm sao được! Chúng thèm, tham và thâm, luôn dựng chuyện, gây sốc, không để ta yên.
Đi thêm một đoạn nữa, dừng lại trước tấm bia đỏ: Nhà mồ Ba Chúc - nơi gìn giữ 1.159 bộ hài cốt của đồng bào Ba Chúc, trong số 3.155 người bị quân Pôn Pốt thảm sát từ ngày 18.4.1978 đến 30.4.1978, trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Tất cả lặng người!
Đến Hà Tiên, được nhìn tận mắt một sự thật lịch sử, được ngắm bãi biển Mũi Nai, được thăm chùa Tam Bảo, ấp Ao Sen, núi Đá Dựng, Thạch Động và núi Bình San. Dừng chân bên lăng Mạc Cửu - Tổng trấn Hà Tiên, để quý hơn từng tấc đất quê hương, mà tỏ lòng biết ơn ông cha ta.
Năm 1680, trên hành trình về phương Nam, khi đặt chân đến Hà Tiên, Mạc Cửu dừng lại, cùng với dân làng xây dựng và phát triển vùng đất mới. Đến tháng 8.1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn, được Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận, phong làm Tổng trấn Hà Tiên, và cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương. Và 7 đời dòng họ Mạc đã đem hết công sức của mình để biến Hà Tiên thành một đầu mối giao thương của nước Đại Việt xưa với các nước trong vùng.
Vào thắp hương đền thờ Nguyễn Trung Trực. Vốn là người dân chài Bình Định hành phương Nam, Nguyễn Trung Trực đứng lên kêu gọi nhân dân chống giặc ngoại xâm. Bị giặc Pháp đưa ra pháp trường xử chém ngày 27.10.1868, tại chợ Rạch Giá, khi ông mới 30 tuổi.
Những người dân yêu kính ông đã bí mật thờ ông trong đền thờ Nam Hải đại tướng quân (cá voi hay cá ông). Cuộc đời ông tuy ngắn ngủi nhưng rất hào hùng, với những chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Ở Kiên Giang có rất nhiều miếu thờ Nguyễn Trung Trực.
3. Đường về, chúng tôi qua tỉnh An Giang, trên con đường chạy theo bờ kênh Vĩnh Tế. Vào năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh - Lưu Phước Tường tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền đất mới liền truyền: Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy.
Vua Gia Long đã có lời dụ cho dân chúng, vừa động viên vừa chỉ rõ sự lợi ích của việc đào kênh. Năm 1822, vua Minh Mạng lại có chỉ dụ tương tự: “Đường sông Vĩnh Tế liền với Tân Cương, xe thuyền qua lại tiện lợi lắm. Đức Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta mưu sâu nghĩ xa, chú ý việc ngoài biên. Vừa mới mở đào, công việc chưa xong. Nay ta theo chí Tiên hoàng, chỉ nghĩ cách khó nhọc một lần mà được thong thả lâu dài. Các ngươi phải trù nghĩ thế nào cho mau xong, để xứng đáng ý ta”.
Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.
Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu - người con xứ Quảng, là người trực tiếp chỉ huy quân và dân phu đào kênh. Đào xong kênh, được vua Gia Long cho phép lấy tên ông để đặt cho tên núi “Thoại Sơn” và tên kênh “Thoại Hà”. Kênh Vĩnh Tế đào theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc - Hà Tiên (tức nối sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan). Kênh dài hơn 87 cây số, huy động hàng vạn nhân công thực hiện từ năm 1819 đến 1824. Con kênh được đặt tên theo tên vợ chính của ông, phu nhân Châu Thị Tế - kênh Vĩnh Tế.
Những công trình trên được xem là cơ sở để người Việt đặt chủ quyền lâu dài trên vùng đất mới.
Nguyễn Văn Thoại mất vào ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu -1829, hưởng thọ 68 tuổi. Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Văn Thoại đã 7 lần sang Xiêm La, 2 lượt sang Lào và 11 năm giữ trọng trách bảo hộ Cao Miên (tức Campuchia ngày nay). Ông được an táng trong lăng tại chân núi Sam. Mộ ông nằm giữa, hai bên là mộ bà chính thất Châu Thị Tế và mộ bà thứ thất Trương Thị Miệt.
Qua đây, càng kính phục cha ông đã có tầm nhìn chiến lược và giàu sức lao động sáng tạo, xây dựng đất nước, coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp. Ngày nay, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng.
Đến đất này, hiểu thêm và thấm thía rằng, phải tạo mọi điều thuận lợi cho dân vùng đất biên ải giàu lên, mạnh lên mới mong giữ được bờ cõi cha ông để lại được vẹn toàn và bình yên.