Du xuân qua miền lễ hội

SONG ANH 03/03/2015 09:02

Rong chơi tháng Giêng không thể thiếu những cuộc hội làng. Khắp các nẻo quê xứ Quảng, mùa xuân để dành cho những cuộc trẩy hội, từ vùng đồng bằng, biển đảo đến rừng núi.

Dự hội đầu xuân

Những ngày này, làng nghề xứ Quảng trở nên rộn ràng bởi những nghi thức khai hội, cầu mong một năm an lành cho người trong làng. Chỉ cần đi dọc cung đường làng nghề, men theo những bến sông cũ, dù nghề xưa chẳng còn lại mấy, nhưng lệ làng vẫn là thứ hồn vía không thể chối bỏ. Ở nơi hạ lưu sông mẹ Thu Bồn, phía bên này sông, thị dân phố cổ Hội An làm du lịch theo kiểu “tĩnh lặng”, thì qua con đò Cẩm Kim, làng mộc Kim Bồng lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng gọt, đục, đẽo. Thanh âm của gỗ làm nên âm hưởng làng nghề. Lễ cúng tổ nghề mộc Kim Bồng ở đình tiền hiền, năm nào cũng là nghi thức khai hội cho nhiều hội hè dân gian phố cổ. Lễ ở Kim Bồng thuần kiểu tri ân nghề, tổ nghiệp. Khi hội ở Kim Bồng mãn vào buổi chiều tối, thì đến sáng mùng 7, bước chân người ngang qua những lễ hội đầu xuân, không thể bỏ qua làng rau Trà Quế với lễ cầu bông đã có từ hàng trăm năm nay. Như cái tên dân gian gọi, lễ cầu bông Trà Quế, từ mâm cúng đến sản vật, đều phải có bông tươi. Bông lấy từ các loại rau ở làng. Bông hái từ những vạt đất phù sa ven sông, mà nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa làng Trà Quế và làng hoa Cẩm Hà. Lễ hội này sôi động hơn, khi có những bữa tiệc rau – như kiểu muốn quảng bá đến đông đảo người dự hội “đặc sản làng mình”.

Lễ hội Bà Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), diễn ra vào 12 tháng Giêng.            Ảnh: Song Anh
Lễ hội Bà Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), diễn ra vào 12 tháng Giêng. Ảnh: Song Anh

Phiên chợ quê ban đêm, khi ánh sáng lấy từ những chiếc đèn măng sông, đèn giấy tỏa ra, người về dự hội rầm rì theo những câu chuyện của các bà, các mẹ, trong thời gian chờ đoàn rước cộ đi qua. Tiến về vùng đông xứ Quảng, trước khi đến với lễ cầu ngư của cư dân ven biển, người du xuân sẽ không thể bỏ quên lễ rước cộ Bà Chợ Được, diễn ra vào hai đêm mùng 10 và 11 tháng Giêng. Năm nay, nghi thức rước cộ Bà Chợ Được đón bằng công nhận Di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, như một sự ghi dấu về tinh thần lễ hội của người dân vùng Bình Triều (Thăng Bình). Ông Xa Văn Hùng, người có công đưa những “di sản văn hóa” vùng miền mình trở thành một danh hiệu chia sẻ, lễ hội rước cộ từ nhiều năm nay đã vượt qua giới hạn một địa phương, để trở thành một lễ hội được đông đảo người dân khắp nơi biết đến và cùng tham dự. Cũng như những lễ hội ở các làng quê khác, lễ rước cộ Bà Chợ Được thu hút gần như mọi lứa tuổi trong làng. Người dân vừa là người dự hội, vừa sắm các vai trong đoàn rước cộ.

Dòng sông lễ hội

Hội làng xứ Quảng đã bắt đầu khai cuộc từ ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, vắt qua đến cả tháng 2, tháng 3. Nhiều người xa xứ, vì cuộc mưu sinh, không thể cùng về đoàn viên trong những ngày tết thì lại chọn thời điểm hội làng này để về chơi xuân. Tín ngưỡng ngàn đời của người Việt, những chuyến du hành đầu xuân như là một sự khởi đầu cho hành trình của năm. Và những lễ hội mùa xuân, với ý nghĩa cầu sự phồn vinh, an lành… luôn thu hút người khắp mọi nơi. Không như vùng Bắc Bộ với những lễ hội rình rang, hội làng xứ Quảng với những đặc trưng, đủ làm nên nỗi bồi hồi trong lòng người mỗi độ xuân về trẩy hội.

Khi ngày càng nhiều người ngao ngán với những lễ hội lớn, bị biến tướng và phải chịu cảnh chen chúc, xô đẩy thì hội ở xứ Quảng, quy mô vừa phải nhưng không vì thế mà mất chất hội mùa xuân. Sẽ là một cái thú khi đi đò chèo dọc sông, nơi những vùng quê ven triền sông, vẫn thấy ánh màu vàng tươi của cải trổ ngồng, màu xanh non tơ của rau quả đầu mùa, và cùng tham dự hội làng với những người dân sông nước. Làng nên vóc dáng hình hài từ những nguồn mạch văn hóa của sông Mẹ. Khác với các vùng Bắc Bộ theo tín ngưỡng thờ Mẫu, cư dân sông nước vùng Thu Bồn lại sống với tín ngưỡng thờ Bà. Bà ở đây nghĩa là Mẹ linh thiêng, nhưng cũng có nghĩa là Cái. Vì cuộc sống lao động quanh năm gắn với dòng sông, nhận sự tương trợ từ dòng sông Mẹ, cộng thêm lối suy nghĩ đông phương “vạn vật hữu linh” nên những đền thờ, miếu mạo cũng từ đây bắt nên nguồn cơn. Từ tâm thức dân gian nên những thiết chế văn hóa đậm chất tín ngưỡng. Và cũng từ đây, lễ hội cùng nhiều truyền thuyết trở thành nếp sinh hoạt đầu xuân của cộng đồng dân cư.

Lễ hội không chỉ là nơi ghi lại tâm thức dân gian của chính cư dân bản địa mà còn là vết tích thể hiện sự giao lưu giữa các nền văn hóa. Dấu ấn văn hóa Chăm - Việt - Cơ Tu thể hiện trong tín ngưỡng thờ cúng tại một số lăng Bà dọc sông Thu Bồn chính là minh chứng. Nếu ở lăng Bà Thu Bồn (Duy Xuyên) hiện còn lại tấm bia viết bằng chữ Phạn thì lăng Bà Phường Chào (Đại Lộc) với truyền thuyết về cô gái có nét giống với nữ tướng người Chăm được kể trong truyền thuyết Bà Thu Bồn… Tục thờ cúng và cách thức hành lễ tại các lễ hội dọc sông cũng có những nét tương đồng. Mọi lễ hội của cư dân sông nước Thu Bồn đều có tục thờ một lọn tóc dài và truyền thuyết về dải lụa đỏ di chuyển trên không trung vào đêm chính lễ. Ở lễ Bà Thu Bồn, diễn ra vào ngày 12.2 âm lịch, sẽ có lễ rước nước được tổ chức trang trọng. Nước được lấy từ giữa dòng sông thiêng Thu Bồn lúc sáng sớm, sau đó rước vào lăng để dâng cúng Bà. Người dân tin rằng nước thiêng này trượng trưng cho sự tươi tốt, sinh sôi nảy nở, mang lại sự an lành cho dân làng. Nhiều trò chơi dân gian trong những hội làng vẫn còn sức hút với người tham dự.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du xuân qua miền lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO